Xã hội

Dân số Việt Nam đang già với tốc độ nhanh gấp 4 lần nước giàu

Các nước giàu mất vài thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ để chuyển sang thời kỳ dân số già, còn Việt Nam chỉ trong 22 năm.

Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trung bình cứ một giây có 2 người bước vào tuổi 60, 9 người thì có một từ 60 tuổi trở lên. Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi nước ta là 17% và 20 năm sau đạt 25%.

Theo quy chuẩn về nhân khẩu thế giới, giai đoạn già hóa dân số của một nền kinh tế là khi nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%. Khi nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% tổng dân thì được xem là giai đoạn dân số già.

Các nền kinh tế phát triển phải mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Ví dụ Australia mất 73 năm, Mỹ phải 69 năm, Canada 65 năm để bước sang giai đoạn dân số già. Trong khi đó Việt Nam chỉ mất 22 năm để chính thức bước vào giai đoạn dân số già, tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Phó tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết tại hội thảo về già hóa dân số diễn ra tại Hà Nội ngày 17-18/7.

Người già Việt Nam chật vật kiếm sống hằng ngày. Ảnh: Channel news asia.

“Già hóa dân số là đặc trưng của những nước thu nhập cao, không phải tại các nước thu nhập thấp. Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nhưng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh”, ông Tân nói. Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh: “Lịch sử các nước cho thấy dân số già khi đã giàu còn Việt Nam thì khác. Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng nhưng mức thu nhập lại thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay”.

Nguyên nhân của thực trạng này là tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Thực trạng này không chỉ mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội mà còn đặt ra nhiều thách thức lớn đối với những chính sách liên quan công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Tại Việt Nam, số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội chỉ chiếm gần 30%. Còn 70% số người cao tuổi còn lại không nhận được trợ cấp. Chính vì vậy, rất nhiều người cao tuổi vẫn phải tự lao động và kiếm sống.

Bên cạnh đó, người Việt sống thọ nhưng không khỏe mạnh. Nửa thế kỷ qua, tuổi thọ trung bình của dân số thế giới tăng thêm 21 tuổi còn Việt Nam tăng đến 33 tuổi. Tuy nhiên, trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình, với tỷ lệ một người mắc 2,69 bệnh.

Các chuyên gia khuyến nghị trong 22 năm trước khi “về già” Việt Nam cần tận dụng thời gian để điều chỉnh chính sách nhằm giảm nhẹ các tác động do già hóa dân số gây ra, đặc biệt là chuẩn bị tiềm lực kinh tế, phát triển an sinh xã hội để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người cao tuổi.

Tác giả: Nam Phương

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP