Thế giới

Đám cưới khép kín của người đồng tính nam ở Hong Kong

Tại xã hội bảo thủ như Hong Kong, đám cưới của những người đồng tính nam phải tổ chức kín đáo, thậm chí không có sự tham dự của bố mẹ.

Chan và So tổ chức đám cưới kín đáo tại Hong Kong. Ảnh: AFP.

Tổ chức đám cưới với sự chúc phúc của gia đình và bạn bè ngay tại Hong Kong là điều mà Alvin Chan và C.P. So chưa bao giờ dám nghĩ đến, theo AFP. Một năm sau khi đăng ký kết hôn tại Anh, được mục sư thuyết phục, Chan và So mới quyết định làm đám cưới do e ngại tư duy bảo thủ trong xã hội Hong Kong.

Cũng như nhiều đám cưới đồng tính nam khác ở Hong Kong, đám cưới của Chan và So được tổ chức kín đáo trong khu phố thời trang Sheung Wan.

Hôn nhân đồng giới không được công nhận hợp pháp ở Hong Kong và những người tổ chức đám cưới thường thích sự riêng tư để tránh xa ánh mắt tò mò, soi mói của công chúng. Các thành viên gia đình thường không đến dự hoặc hoàn toàn không được thông báo.

"Tôi rất buồn. Khi kết hôn, bạn thật sự muốn nhận được sự chúc phúc của gia đình, chỉ đáng tiếc họ vẫn giữ tư duy truyền thống", Chan nói. Anh chị em của Chan đều đến dự đám cưới nhưng bố mẹ anh thì không.

So và Chan, đều 34 tuổi, nói rằng giáo huấn Cơ đốc giáo khiến họ cảm thấy nên giữ bí mật giới tính cùng mối quan hệ của mình. Dù đã thừa nhận với bố mẹ mình là người đồng tính vào năm 2004 nhưng Chan vẫn không cảm thấy thoải mái. Nhưng bây giờ, anh đã đủ can đảm để thừa nhận giới tính của mình với những người khác.

Mục sư của họ, Joe Pang, 37 tuổi, cũng là một người đồng tính, đã nỗ lực nhiều năm để những đôi đồng tính được tổ chức đám cưới ở Hong Kong. Trong đám cưới, Chan và So mặc trang phục giống nhau, trao nhẫn và hôn nhau, chính thức hóa 7 năm bên nhau.

Mục sư Pang là người làm lễ trong đám cưới của Chan và So. Ảnh: AFP.

Pang thuộc một cộng đồng mục sư ở Hong Kong. Anh cho biết đây là cộng đồng Cơ đốc giáo đầu tiên thân thiện với người đồng tính ở châu Á. Giấy chứng nhận kết hôn do Pang cấp được một số nhóm Cơ đốc giáo công nhận. Theo Pang, mục tiêu của anh là đảm bảo cho cộng đồng LGBT (người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới) được cảm thấy bình đẳng trong xã hội.

"Con đường họ đi rất khó khăn và tôi nghĩ xã hội có trách nhiệm lắng nghe những người đồng tính", Pang nói với AFP.

Pang đã làm lễ cưới cho hơn 50 cặp đồng tính nam ở Hong Kong, trung bình từ một đến hai đám cưới mỗi tháng, trong khi vào năm 2015, chỉ có một đám cưới đồng tính được tổ chức ở Hong Kong.

Đồng tính luyến ái chỉ bị phân biệt đối xử ở Hong Kong từ năm 1991. Dù cộng đồng LGBT đã đấu tranh trong những năm qua song sự bảo thủ vẫn ăn sâu trong tư duy người Trung Quốc.

Việc cấm phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tình dục đã được đề xuất lên cơ quan lập pháp Hong Kong nhưng vẫn chưa được thực hiện .Chính phủ Hong Kong gần đây đang kêu gọi một quyết định mang tính bước ngoặt từ tòa án để những người đồng tính mang quốc tịch Anh được quyền sống và làm việc ở đặc khu này.

Năm ngoái, Đài Loan trở thành nơi đầu tiên trong khu vực cho phép công nhận hôn nhân đồng giới nhưng Hong Kong thì vẫn đang bị bỏ lại phía sau, các nhà phê bình nhận định.

"Chính quyền của chúng ta không muốn có bất cứ thay đổi nào trừ khi họ thua trong cuộc chiến pháp lý", nhà lập pháp công khai đồng tính đầu tiên ở Hong Kong Ray Chan cho biết.

Roger Wong, một nhà hoạt động chống LGBT nói rằng chính quyền không có lý do gì để công nhận về mặt pháp lý đối với hôn nhân đồng giới hay giúp đỡ LGBT nếu công chúng không ủng hộ điều này.

Đám cưới được tổ chức trong một căn phòng nhỏ và chỉ rất ít khách mời tham dự. Ảnh: AFP.

"Hôn nhân đồng tính nam sẽ chỉ xảy ra nếu 100% công chúng chấp nhận. Tôi thực sự không nghĩ điều đó sẽ xảy ra", Wong nói.

So và Chan nói rằng họ cảm thấy xã hội đang thay đổi nhưng các thành viên của cộng đồng LGBT vẫn còn một chặng đường dài phải đi trước khi cảm thấy an toàn và thoải mái tổ chức đám cưới công khai.

Chan cũng nói rằng, nếu muốn được chấp nhận, những người thuộc cộng đồng LGBT cần công khai giới tính với gia đình và cộng đồng "để họ thấy rằng những người đồng tính vẫn tồn tại". So và Chan cho biết kết hôn không chỉ là một ngày đặc biệt mà họ còn muốn làm hình mẫu cho những người khác.

"Ở Hong Kong, các giá trị Cơ đốc giáo hoặc lối tư duy truyền thống khiến xã hội chưa thể cởi mở hơn. Chúng tôi chỉ muốn những người khác thấy rằng việc công khai giới tính thật chẳng có gì đáng ngại cả", Chan nói.

Tác giả: Huyền Lê

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP