Kinh tế

Đại gia Việt vung tiền ở bar thế nào để lấy đẳng cấp?

Gọi rượu thượng hạng, hào phóng boa cho tiếp viên, luôn thanh toán hóa đơn bằng tiền mặt là cách đại gia Việt thể hiện uy quyền và sự giàu có trước những đối tác nước ngoài.


Theo tiến sĩ Kimberly Kay Hoang, lòng tin là điều khó nhất mà cô phải nỗ lực xây dựng để được các cô gái quán bar tin tưởng và chia sẻ câu chuyện của họ.


Được sự đồng ý của cô Kimberly Kay Hoang, tác giả quyển "Mua bán dục vọng: quyền năng tại Châu Á, suy tàn tại Châu Âu và hình thức tiền tệ ngầm của nghề mại dâm toàn cầu", Zing.vn trích dịch một số nội dung từ quyển sách nhằm giới thiệu rõ hơn về hành trình 5 năm hóa thân, xâm nhập và nghiên cứu về thế giới mại dâm ngầm ở TP HCM của cô.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 ở Mỹ và châu Âu dấy lên chuyến biến văn hóa lớn trong cách nhìn nhận về mối quan hệ với phương Tây của những đại gia Việt. Tất cả những đại gia trong nước mà tôi nghiên cứu đều trực tiếp thể hiện thành công kinh tế với đẳng cấp đàn ông. Họ mua ôtô, sắm nhà, trả hoàn toàn thuế suất từ việc mua xe. Vung tiền mua các loại rượu thượng hạng hoặc hàng xa xỉ là cách đại gia người Việt thể hiện đẳng cấp.

Chú Xanh, một đại gia khách quen của Khong Sao bar, đến quán cùng 8 người khác, trong đó có 4 đối tác làm ăn là người Hàn Quốc. Ông giới thiệu tôi là tiếp viên có thể nói tiếng Anh, và gọi Lan, một cô gái trong quán, là "bạn gái". Sau khi các vị khách đã vào phòng, 28 cô gái vào xếp hàng trên sàn nhảy. Mỗi vị khách chọn một cô để ngồi cùng bàn.

Trong 2 tiếng, các cô hát karaoke cùng khách, trò chuyện với họ, gợi các trò thi thố tửu lượng để xóa tan bầu không khí im lặng trong phòng. Quán bar tạo không gian giúp Chú Xanh và các đối tác chuyển từ nghiêm chỉnh trước đó sang không gian vui vẻ, riêng tư, thân mật hơn để dần hình thành mối liên kết.

Ảnh minh họa: Gaijinpot



Vali tiền và những chai Blue Label

Các vị khách uống khoảng 8 chai Johnnie Walker Blue Label với giá 250 USD/chai. Khi thực sự "nhập cuộc", họ thoải mái nói chuyện cười đùa với nhau.

Lúc buổi tiệc sắp kết thúc, một nhân viên đưa hóa đơn cho Chú Xanh. Ông rút ra thẻ tín dụng, nhưng không hẳn để thanh toán. Chú Xanh đặt nó lên bàn rồi nói: "Ồ khoan đã, cái thứ này không còn tác dụng nữa. Người Mỹ đã phá hủy hệ thống tín dụng toàn cầu rồi".

Sau đó, ông ngả người ra sau, với lấy vali và lấy ra rất nhiều tiền mặt. Chú Xanh yêu cầu tôi kiểm tra tổng số tiền là 42.000.000 đồng (khoảng 2.100 USD vào thời điểm thực hiện nghiên cứu). Thanh toán hóa đơn xong, ông rút ra một xấp tiền khác và boa cho mỗi cô gái 2 tờ 500.000 đồng.

Một đêm khác, Chú Xanh đưa đến quán những vị khách Đài Loan (Trung Quốc). Lúc tiệc tàn, ông nói với nhân viên phục vụ tên Quân là: “Anh trả hóa đơn 3 đêm rồi, hôm nay đưa cho ông Đài Loan kia đi, nhưng đừng lấy tiền của họ. Anh chỉ muốn xem họ sốc”.

Quân nghe theo và chuyển hóa đơn cho vị khách Đài Loan. Đúng như Chú Xanh dự đoán, vị khách Đài Loan toát mồ hôi hột khi liếc vào hóa đơn và nhận ra mình không mang đủ tiền mặt còn quán lại không nhận thẻ.
"Người Việt chơi vậy đó"

Sau khi trao đổi qua lại bằng tiếng Phổ thông, vị khách đề nghị chia hóa đơn. Chú Xanh quay sang tôi, bảo tôi dịch lại cho họ rằng “Người Việt Nam không muốn chia hóa đơn”.

Trong bối cảnh này, các cô tiếp viên khác biết rằng họ nên giữ im lặng, cúi mặt xuống nhưng ánh mắt vẫn ngước nhìn lên; như cách để ngầm khiến những ông khách nước ngoài thêm phần bối rối. Các cô trở thành một dàn “nữ khán giả” trong không gian mà các đối tác nước ngoài bị làm bẽ mặt. Qua đó chứng tỏ vai trò của những tiếp viên trong việc giúp đại gia Việt thể hiện uy quyền dựa trên đẳng cấp.

Cô Kimberly Kay Hoang và quyển sách đúc kết quá trình nghiên cứu về vai trò của mại dâm trong hỗ trợ các vụ làm ăn chính thống.


Khi đã nhận ra biểu cảm của các đối tác Đài Loan, Chú Xanh tiếp tục bảo tôi phiên dịch: “Người Việt chơi như vậy đó”.

Trong khi đó, Chú Xanh lấy lại hóa đơn, và tiếp tục lấy vali tiền để thanh toán, trước mặt tất cả những người đàn ông và tiếp viên.

Sau này, khi tất cả những vị khách đã rời đi, Chú Xanh nói với tôi: “Tui muốn chứng tỏ với họ rằng chúng ta thứ dữ, và chúng ta có tiền. Đưa họ đến đây giải trí vì tại Việt Nam thì không thể làm gì nếu không có mối quan hệ. Việc làm bẽ mặt tụi nó là để chứng tỏ Việt Nam không có nghèo”.

Chú Xanh cũng boa cho các cô gái với tổng số tiền là 1.100 USD. Khi tiếp viên đứng xếp hàng nhận tiền boa từ khách, vị đại gia cũng nói với các cô rằng: “Các em có thấy Việt kiều hay ông Tây nào boa nhiều vậy chưa”. Họ muốn các cô hiểu rằng sự ảnh hưởng của những khách nước ngoài đã là quá khứ. Bây giờ, chính các đại gia trong nước mới là người có nhiều tiền.

Kể cả Hạnh, “má mì tổng quản”, cũng luôn nói với các tiếp viên: “Mấy đứa xem đó, đàn ông Việt người ta biết cách chiều chuộng con gái, biết cách boa. Còn mấy đứa làm việc ở quán khách Tây thử xem, may mắn lắm mới được chúng nó cho 100.000 đồng”.

"Việt Nam không nghèo"

Sau buổi tiệc tùng với các đối tác Hàn Quốc, Chú Xanh tiết lộ với tôi rằng ông đang đàm phán với các đối tác về một hợp đồng trị giá 60 triệu USD nhằm xây dựng một trung tâm thương mại lớn ở TP HCM, bao gồm khu cho thuê làm văn phòng và trung tâm mua sắm. Những vị khách Hàn Quốc chính là nhà đầu tư tiềm năng, còn các khách người Việt Nam thì có những mối quan hệ rất lớn nhằm bảo đảm dự án tiến triển.

“Đây không chỉ là về lòng tin, mà còn cần chứng tỏ với họ rằng Việt Nam là một nước đáng để họ bỏ tiền đầu tư. Chúng ta phải khiến họ nghĩ rằng chúng ta nghiêm túc, và có thể làm ra tiền”, ông nói.

Việc thanh toán hóa đơn bằng lượng tiền mặt lớn, công khai boa cho các tiếp viên, đồng thời chỉ trích hệ thống tín dụng Mỹ của Chú Xanh như hành động chứng tỏ năng lực của Việt Nam trong việc huy động dòng vốn luân chuyển để đạt được thỏa thuận trong bối cảnh kinh tế Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư châu Á.

Theo quan sát của Chú Xanh, khi phương Tây đang chao đảo vì khủng hoảng tài chính năm 2008 thì kinh tế châu Á đang bùng nổ. “Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường mới của thế giới. Việt Nam đã sẵn sàng cưỡi trên ngọn sóng kinh tế này”.

Những quy luật ngầm

Các tiếp viên tại Khong Sao bar đều nắm rõ những quy luật ngầm, bao gồm việc tôn vinh ai là người quyền lực nhất trong căn phòng. Chẳng hạn, chỉ có má mì mới được ngồi kế những vị khách “anh cả’ hoặc giàu nhất (và thường là người thanh toán hóa đơn).

Những luật bất thành văn cũng bao gồm cách uống rượu với khách. Sau khi đã ngồi vào bàn, một cô gái sẽ đưa ly mời rượu cho ông ta trước tiên, rồi mới cầm ly của mình. Trước khi uống, các cô phải mời tất cả những vị khách còn lại. Khi tiếp thêm rượu cho khách, tiếp viên phải đưa bằng 2 tay.

Điều thứ 3, và quan trọng nhất, là khi chạm ly với khách vì đây là cách mà các cô giúp họ thể hiện đẳng cấp trong nhóm. Luật chung là tiếp viên phải luôn để đầu ly của mình thấp hơn ly của khách khi chạm vào. Nếu người đàn ông được kính trọng nhất trong nhóm, đầu ly của tiếp viên sẽ phải cụng vào đáy ly của khách.

Không phải lúc nào các cô cũng biết vai vế của khách, nên họ sẽ thể hiện ngầm qua lối xưng hô hoặc cách cụng ly với nhau. Do vậy, tiếp viên cần phải quan sát để tự đoán ra. Từ những điều nhỏ như vậy cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài hiểu rằng ai là người có nhiều tiền nhất, hoặc có nhiều mối quan hệ nhất.

Do vậy, tiền boa dành cho các tiếp viên không chỉ vì những hành động giúp thư giãn hoặc giúp khách thể hiện uy quyền, mà còn xây dựng hệ thống cấp bậc liên cá nhân giữa những người đàn ông trong bar.

Quan hệ mại dâm và kinh tế

Vô số các buổi tối như vậy ở Khong Sao bar đã khắc họa mối quen hệ giữa nền kinh tế chính trị và mại dâm ở TP HCM. Các thỏa thuận làm ăn như thế này không chỉ là kiếm tiền. Những đại gia người Việt sử dụng chúng như cách để định hình lại vị thế kinh tế toàn cầu của Việt Nam và mối quan hệ với phương Tây, Đông Á.

Khi Chú Xanh so sánh Việt Nam với những cường quốc kinh tế như Trung Quốc, ông khẳng định vị thế đang lên của Việt Nam là một quốc gia mạnh trong nền kinh tế toàn cầu. Khi Việt Nam chuyển tiếp từ một quốc gia đang phát triển thành một thị trường mới nổi, TP HCM trở thành điểm đến thu hút với những nhà đầu tư nước ngoài và châu Á; những người mang đến đây tham vọng về các dự án phát triển đất đai, thương mại, sản xuất hàng hóa, và ngân hàng.

Những khoản đầu tư này mang lại cơ hội cho tầng lớp tinh hoa của Việt Nam củng cố lại vị trí của họ trong trật tự thế giới, như một cường quốc kinh tế đang lên ở châu Á.

Trong khi đó, tại những quán bar phục vụ đối tượng khách là người phương Tây làm việc tại Việt Nam, họ thừa nhận rằng Việt Nam là nơi giúp họ lấy lại sự tự tin ở vị thế công dân của quốc gia Hạng nhất. Thất bại ở Phố Wall, nhưng những kỹ năng của họ vẫn được Việt Nam săn đón trong quá trình khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu.

Kimberly Kay Hoang đang giảng dạy tại ĐH Chicago. Cô là chuyên gia về xã hội học có tiếng về các vấn đề giới, toàn cầu hóa, kinh tế xã hội học.

Cô có bằng thạc sĩ xã hội học tại ĐH Stanford và bằng tiến sĩ tại ĐH California Berkeley. Nghiên cứu nhập vai của cô tại TP HCM từng được giải thưởng của Hiệp hội Xã Hội học Mỹ (ASA) vào năm 2012.

Nghiên cứu của cô được ASA đánh giá "độc đáo" khi tiếp cận được nhiều góc độ khác nhau của lĩnh vực này. ASA cũng đánh giá nghiên cứu của cô đã "thúc đẩy nhiều phương pháp nghiên cứu xã hội học truyền thống để tiếp cận các vấn đề về toàn cầu hóa", tạo ra cách hiểu mới với các vấn đề phức tạp của mối quan hệ sản xuất và tái sản xuất trên thị trường toàn cầu.

Tác giả bài viết: Minh Anh dịch

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP