Nishimura tại một buổi trình diễn trang điểm ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP. |
Khi chuyên gia trang điểm Kodo Nishimura bước vào một căn phòng ở Tokyo trên đôi giầy cao gót, không ai có thể nghĩ rằng anh là một nhà sư. Nishimura trang điểm tự nhiên, mắt đánh màu khói, gắn mi giả, mắt kẻ đậm. Anh thay trang phục ba lần trong một buổi trình diễn trước những người hâm mộ đang chăm chú dõi nhìn, theo AFP.
Tuy nhiên, tại một ngôi chùa ở Tokyo, nơi cha Nishimura là nhà sư đứng đầu, diện mạo của anh thay đổi hoàn toàn khi anh tham gia hỗ trợ các nghi lễ. Anh mặc áo choàng giản dị của một nhà sư và để mặt mộc.
Hai diện mạo mâu thuẫn nhau ở cùng một con người trông có vẻ bất thường nhưng Nishimura, 29 tuổi, không bận tâm về điều này. "Đây chính là con người thật của tôi. Tôi sẽ không cố gắng thay đổi điều gì", anh nói.
Đam mê được bố mẹ ủng hộ
Công việc chủ yếu của Nishimura là chuyên gia trang điểm. Anh làm đẹp cho nhiều kiểu khách hàng, từ các ngôi sao nhạc pop đến những người tham gia các hoạt động biểu diễn. Phần lớn thời gian trong năm Nishimura đều ở Mỹ, nơi anh lần đầu tiên công khai theo đuổi niềm đam mê với nghề trang điểm mà anh phải giữ kín từ lâu. Khi còn là một đứa trẻ ở Nhật, Nishimura thường trốn trong nhà tắm và tập trang điểm trên chính khuôn mặt mình.
"Tôi mở bảng phấn mắt Chanel của mẹ và tô vẽ lên mặt nhưng trông tôi cứ ngu ngốc và giống hệt chú hề", Nishimura cười lớn khi nhớ lại.
Khi học ở Mỹ, Nishimura phát hiện có những điều rất khác biệt với Nhật Bản. Anh nhận ra những người đàn ông thích ăn diện như phụ nữ rất vui vẻ tiếp chuyện và trả lời anh. Năm 18 tuổi, Nishimura lần đầu tiên sắm cho mình mascara và bút kẻ mắt. Anh bắt đầu theo học một nghệ sĩ trang điểm và quyết định theo đuổi công việc này. Khi trở về Nhật, bố mẹ Nishimura khiến anh ngạc nhiên khi hoàn toàn ủng hộ lựa chọn nghề nghiệp của con.
Sự giải phóng
Nishimura để mặt mộc và mặc áo choàng khi ở chùa tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP. |
Tuy đã quyết định theo nghề trang điểm, Nishimura vẫn cảm thấy anh đang bỏ lỡ điều gì đó. Anh lớn lên trong một ngôi chùa, chơi đùa phía sau những bàn thờ mạ vàng công phu và anh hiểu rõ rằng một ngày nào đó, anh sẽ phải quyết định có tiếp bước cha mình hay không. "Tôi đủ hiểu về công việc này để đưa ra quyết định", Nishimura nói.
Bởi vậy, năm 24, Nishimura đăng ký tham gia một chương trình đào tạo của giáo phái Tịnh độ tông gồm 5 phiên, mỗi phiên kéo dài vài tuần. Ban đầu anh rất háo hức nhưng sự phấn khởi nhanh chóng nhạt nhòa. "Khi những cánh cửa đóng lại, người thuyết giảng đạo pháp bắt đầu la hét. Lúc đó tôi đã nghĩ 'ôi trời ơi, mình đã đăng ký cái gì thế này'", Nishimura chia sẻ. Trong thời gian đào tạo, anh vẫn tranh thủ tới Mỹ để theo đuổi đam mê với nghề trang điểm. Sau hai năm, Nishimura hoàn thành khóa đào tạo.
Ở New York, anh trang điểm, đeo đồ trang sức, làm việc như một chuyên gia trang điểm và không che giấu sự hấp dẫn của mình đối với đàn ông. "Liệu tất cả những điều đó có xúc phạm cộng đồng nhà sư Phật giáo. Liệu nó có làm suy giảm giá trị của những nhà sư khác không?", anh nhiều lần trăn trở với những câu hỏi này.
Những một cao tăng đã giúp anh gạt bỏ những mặc cảm, chỉ ra rằng các nhà sư Nhật thường mặc đồ bình thường khi ra khỏi chùa và ai cũng có công việc thứ hai. Từ đó, Nishimura không còn bận tâm về vấn đề giới tính của mình nữa. "Đó giống như một sự giải phóng cho tôi", Nishimura nói. "Đó là khi tôi cảm thấy tôi vừa có thể là chính mình, vừa là một nhà sư".
"Không ai giống Kodo"
Nishimura (trái) trang điểm cho người mẫu Yuri Hotta. Ảnh: AFP. |
Nishimura thừa nhận công việc trang điểm tập trung vào ngoại hình có vẻ mâu thuẫn với một tôn giáo chú trọng đến giá trị bên trong như Phật giáo. "Tôi nghĩ trong Phật giáo, thông điệp cốt lõi là cảm thấy hạnh phúc, cân bằng trong lòng và chia sẻ niềm hạnh phúc đó", anh nói. Nhưng Nishimura tin rằng, việc cảm thấy xinh đẹp khiến con người "bao dung hơn, tận tụy hơn để giúp đỡ người khác".
Nishimura trở về Nhật Bản hai lần mỗi năm để giúp cha trong các sự kiện tôn giáo. Hiện tại anh có thể cân bằng cuộc sống của mình nhưng cuối cùng Nishimura vẫn sẽ phải quyết định liệu có thừa kế ngôi chùa, viễn cảnh mà anh thừa nhận bản thân không thể phản kháng vào lúc này.
"Tôi không nghĩ rằng việc ở trong chùa là cách tốt nhất để giúp đỡ nhiều người hơn. Trang điểm và mang giày cao gót giống như cây cầu để tôi truyền bá suy nghĩ của mình cho người khác", nghệ sĩ trang điểm này tâm sự. Anh cũng đã trở thành một người ủng hộ cho quyền của cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) và có thủ thuật trang điểm cho phụ nữ chuyển giới để làm nổi bật các đặc tính nữ của họ.
"Anh ấy giúp người khác trở nên xinh đẹp nhất với những đặc điểm có sẵn trên khuôn mặt và khuyến khích người chuyển giới chấp nhận những gì họ có", Mio Aoki, một phụ nữ chuyển giới 27 tuổi xếp hàng chờ xem buổi trình diễn trang điểm của Nishimura, cho biết. "Có rất nhiều chuyên gia dạy mọi người trang điểm nhưng tôi nghĩ không có ai giống Kodo".
Tác giả: Huyền Lê
Nguồn tin: Báo VnExpress