Xã hội

Cuộc sống bi kịch của nữ giảng viên qua lời kể của vệ sĩ riêng

Đến khi không thể chịu đựng thêm, nữ giảng viên quyết định sống ly thân. Thế nhưng, anh chồng vẫn thường xuyên tìm cách hành hạ vợ. Để đảm bảo an toàn cho mình, chị Trang đành thuê vệ sĩ.

Gần 9 năm làm công việc vệ sĩ, Dương Thị Xuyến (SN 1991 - Quản lý công ty vệ sĩ tại Hà Nội) cho biết, những đối tượng tìm đến cô đều là người khá giả, có điều kiện.

Nếu như cần người bảo vệ trong các thương vụ kinh tế, áp tải tiền, tham dự sự kiện…, giới nhà giàu sẽ lựa chọn những vệ sĩ nam, ngoại hình cao to.

Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường, họ thường chuộng các nữ vệ sĩ. Vì vệ sĩ nữ không quá nổi bật và dễ cải trang.

Ít ai biết những cô gái nhỏ bé, trông chân yếu tay mềm đó cũng có thể quật ngã được những người đàn ông khỏe mạnh, cơ bắp chỉ trong một tích tắc.

Nữ vệ sĩ Dương Thị Xuyến (SN 1991) có thâm niên gần 9 năm trong nghề.

Chia sẻ về lý do lựa chọn công việc được cho là lãnh địa riêng cho nam giới, Xuyến bộc bạch: “Mọi thứ đều xuất phát từ niềm đam mê. Ngày nhỏ tôi luôn mơ ước trở thành công an nhưng hoàn cảnh không cho phép.

Sau này, thấy công việc vệ sĩ có thể thỏa mãn được tâm nguyện của mình nên tôi quyết định theo nghề. Cảm giác luôn ở trong tâm thế che chở, bảo về cho người khác rất thú vị. Công việc này cũng giúp tôi vững vàng, tự tin hơn trong cuộc sống”.

Do tính chất nguy hiểm, ít nữ giới ứng tuyển vào công việc vệ sĩ. Các công ty dịch vụ vệ sĩ thường tìm nhân sự nữ qua các lò võ.

Xuyến cho hay, mặc dù số lượng nữ giới ứng tuyển làm vệ sĩ không nhiều nhưng hầu hết họ đều kiên trì và hoàn thành khóa đào tạo một cách xuất sắc.

Đồng quan điểm với Xuyến, anh Trương Việt Dũng (SN 1980 - Chủ tịch HĐQT một công ty vệ sĩ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ:

“Các nữ vệ sĩ cũng phải trải qua thời gian đào tạo khổ cực. Việc lăn lê bò trườn dưới đất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tập luyện trong cái rét buốt của mùa đông, đứng gác dưới tiết trời nắng nóng 40 độ là việc bình thường.

Họ phải xông pha, chui qua hàng rào dây thép gai, chịu những chấn thương đau đớn khi tập võ không thua kém cánh mày râu”.

Anh Dũng (SN 1980) chia sẻ, các nữ vệ sĩ cũng phải trải qua thời kỳ huấn luyện khắc nghiệt không thua kém nam giới.

Ngoài học chiến đấu, xử lý tình huống nguy hiểm…, anh Dũng chia sẻ thêm, những vệ sĩ nữ còn được học kỹ năng dự tiệc, nếm rượu, giao tiếp… để khi cần, họ có thể nhập vai làm trợ lý cho thân chủ trong các hợp đồng VIP (vệ sĩ kiêm lái xe, trợ lý cho khách hàng - nv).

Trước khi nhận nhiệm vụ, nữ vệ sĩ phải tìm hiểu kỹ về thân chủ và nơi mà mình sẽ đến cùng họ. Tùy theo nhu cầu, tính chất công việc của khách hàng mà các nữ vệ sĩ sẽ mặc đồng phục hoặc thường phục phù hợp với bối cảnh tham gia.

Làm vệ sĩ, các cô gái trẻ sẽ được học võ thuật, boxing và nhiều kỹ năng chiến đấu khác. Ảnh: Overstreet.

Trong khi đó, nữ vệ sĩ Xuyến trải lòng: “Trong mắt nhiều người, vệ sĩ là người biết võ thuật, luôn xông pha, lâm trận trong những tình huống nguy cấp có thể đe dọa tính mạng thân chủ.

Nhưng trên thực tế, khi đối mặt với va chạm, chúng tôi thường xử lý tình huống một cách mềm mỏng nhất, tránh xảy ra xung đột. Tức là mình dùng mọi biện pháp bảo vệ an toàn cho thân chủ chứ không nhất thiết phải đánh nhau”.

Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, Xuyến cho biết, lần bảo vệ cho nữ giảng viên đại học làm cô cảm thấy day dứt, xót xa nhiều hơn cả.

Xuyến kể, khách hàng đó tên Trang (SN 1984 - Hoàn Kiếm, Hà Nội). Người phụ nữ này có nhan sắc, nhìn ngoại hình khá mảnh mai, yếu đuối.

“Thời điểm gặp tôi, khuôn mặt chị có vết bầm tím, cổ hằn vết ngón tay, một bên tay nhiều sẹo. Người gây ra tất cả những tổn thương này không ai khác chính là chồng chị”.

Điều khiến Xuyến ngạc nhiên không phải là những vết bầm dập đó mà là thái độ của chị dành cho chồng. Thay vì thể hiện sự bực tức, căm ghét anh ta, chị lại khá điềm tĩnh. Dường như, những trận đòn đó như cơm bữa, khiến chị chai lỳ với cảm xúc và sự đau đớn của chính mình.

Quá trình đề nghị Xuyến bảo vệ mình, chị Trang tâm sự khá nhiều về tình cảnh bi đát của mình. Theo lời chị Trang, hai vợ chồng chị đều là giảng viên. Họ kết hôn cũng được hơn mười năm.

Ngày mới yêu nhau, chồng chị vừa tốt nghiệp đại học, kinh tế khó khăn, gia đình lại nghèo. Thấy người yêu thông minh, hiểu biết, có hoài bão nhưng chỉ thiếu “đòn bẩy”. Chị Trang về năn nỉ bố mẹ giúp đỡ anh.

Được bố mẹ người yêu giới thiệu, chồng chị Trang khi đó được nhận vào một trường đại học nổi tiếng làm việc. Sau đó, họ kết hôn, sinh được hai con.

Nhờ sự hậu thuẫn của gia đình vợ về kinh tế, lại phấn đấu tốt, chồng chị Trang sớm được trường cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, đề bạt lên vị trí quản lý của trường.

Tuy nhiên, từ sau khi ở nước ngoài trở về, tâm tính chồng chị bắt đầu thay đổi. Khủng khiếp nhất là những sở thích quái đản của anh ta mỗi khi vợ chồng gần gũi, thân mật.

Thay vì cảm giác hạnh phúc, mỗi lần nghĩ đến chồng là chị thấy ớn lạnh. Vết thương cũ chưa lành, vết thương mới lại phủ đầy trên thân thể người phụ nữ yếu đuối. Thậm chí, chị Trang còn phát hiện chồng mình ngoại tình với một người đồng tính.

Tuy nhiên, chuyện đó chỉ có chị Trang biết. Ra ngoài, anh ta vẫn là người chồng hiền lành, mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ con. Sợ bố mẹ sốc, chị Trang giấu kín mọi chuyện.

Đến khi không thể chịu đựng thêm, nữ giảng viên quyết định sống ly thân. Thời gian này, chị vẫn ở trong căn biệt thự của hai vợ chồng. Mặc dù ly thân, nhưng anh chồng vẫn thường xuyên tìm cách hành hạ vợ. Để đảm bảo an toàn cho mình, chị Trang đành thuê vệ sĩ đến nhà.

“Tôi đến bảo vệ chị trong vai trò giúp việc gia đình. Mỗi lần nghe tiếng xe chồng về đến cổng, tôi thấy chị ấy hớt hải, khuôn mặt lo âu thảng thốt, có vẻ rất sợ hãi.

Đêm đến, tôi nằm cùng phòng 3 mẹ con chị, vì vậy anh ta không có cơ hội gây sự với vợ. Nhiều lúc, chồng thân chủ nhìn tôi đầy hằn học.

Có lần thấy chị ấy ngồi ôm mặt khóc, tôi cũng muốn ngồi xuống động viên, khuyên nhủ vài câu nhưng quy định nghề không cho phép được tham dự quá sâu vào việc của khách hàng, trừ công tác bảo đảm an ninh nên tôi cũng chỉ biết cố gắng bảo vệ chị khỏi người chồng đó.

Tôi đến giờ vẫn không hiểu, tại sao một người đàn ông trông trí thức, đạo mạo và lịch thiệp lại có lối hành xử như vậy?” - Xuyến nhớ lại.

Một thời gian sau, nữ giảng viên đại học sợ nếu tiếp tục cuộc hôn nhân sẽ ảnh hưởng đến tâm lý hai đứa con, chị đệ đơn tòa ly hôn, đưa con về nhà bố mẹ đẻ. Từ đó, chuỗi ngày sống trong địa ngục của chị mới kết thúc…

“Mặc dù số đông không đánh giá cao nghề này nhưng với tôi, được trải nghiệm việc bảo vệ an toàn cho ai đó là niềm hạnh phúc vô cùng lớn” - Xuyến bộc bạch.

Tác giả: Hải Phong

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: vệ sĩ ,Cuộc sống ,bi kịch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP