Chiều 28/7, anh Nguyễn Minh Đương (43 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) thu hoạch ao tôm thẻ với kích cỡ 64 con/kg. Anh Đương gọi cho nhiều thương nhân để bán tôm nhưng đều bị từ chối.
Đến trưa 28/7, thương nhân đồng ý cho nhân công kéo tôm của anh Đương nhưng chỉ mua với giá 100.000 đồng/kg.
“Thương nhân mua với giá thấp vì họ phải tăng chi phí liên quan đến tài xế và trữ lạnh nếu xe tải không qua được chốt kiểm soát Covid-19. Tôm loại 64 con lúc trước 110.000-120.000 đồng/kg, nay chỉ còn 100.000 đồng. Tôi bán muộn một ngày mất 3 triệu đồng mỗi tấn vì hôm qua tôm loại này có giá 103.000 đồng/kg”, anh Đương nói.
Tôm thẻ kích cỡ 35 con/kg có giá bán tại chợ là 200.000 đồng/kg. Ảnh: Việt Tường. |
Ông Nguyễn Minh Chí, Phó phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, cho biết địa phương có 24.000 ha đất nuôi tôm công nghiệp. Doanh nghiệp và nông dân thị xã Vĩnh Châu đã thả giống được trên 12.000 ha, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Chí, khó khăn của nông dân như trường hợp anh Đương cũng là trăn trở của ngành nông nghiệp và nhiều người nuôi tôm công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long lúc này.
Theo ông Chí, nhiều tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, nếu nhiều người tập trung kéo lưới, cân tôm cùng một thời điểm sẽ không đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16.
“Chốt kiểm soát Covid-19 của các huyện, thị trong tỉnh Sóc Trăng và phía Bạc Liêu không thống nhất với nhau về việc kiểm tra thủ tục, dù Trung ương và tỉnh đã có hướng dẫn đồng bộ. Một số doanh nghiệp đăng ký luồng xanh nhưng không phải lúc nào cũng được cấp thẻ nhanh nên gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa”, ông Chí nói.
Anh Đức Vinh - chủ vựa mua bán tôm, cua tại tại Sóc Trăng - cho biết cua biển thiên nhiên loại 700 gram/con trước đây có giá 400.000 đồng/kg. Ảnh: Việt Tường. |
Cua biển giảm giá 70.000 đồng/kg
Sáng 29/7, khu vực chợ thủy - hải sản ở phường 2, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) có lượng người đi chợ nhiều gấp 3 lần so với ngày đầu giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo khảo sát của Zing, chỉ có tiểu thương ven đường nghỉ bán. Các điểm kinh doanh ổn định theo quầy, sạp vẫn mua bán bình thường.
Điểm kinh doanh thủy - hải sản của anh Đắc Vinh sáng nay được thương lái giao nhiều cua biển thiên nhiên loại lớn (một con 700 gram). Theo anh Vinh, lúc chưa có dịch Covid-19, cua thịt loại ngon này giá 400.000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ còn 330.000 đồng/kg.
"Tôm thẻ kích cỡ 35 con giá 199.000 đồng/kg, tôm sú 15-16 con giá dao động từ 290.000-320.000 đồng/kg. Ngày nào mua rẻ bán rẻ, mua cao thì bán cao hơn. Mấy hôm nay ít người mua được tôm của nông dân nên giá thấp hơn trước đây từ 10.000-15.000 đồng/kg", anh Vinh cho biết.
Đối với tôm càng xanh, các vựa tại chợ truyền thống đều ngưng bán mặt hàng này vì không tìm được nguồn. Với loại hải sản này, người tiêu dùng đa phần chọn tôm oxy. Tôm càng xanh chết được ướp nước đá thịt mất ngon nên nông dân tạm ngưng thu hoạch.
Giá cua biển loại nhất này chỉ còn 330.000 đồng/kg. Ảnh: Việt Tường. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tôm càng xanh tại huyện Hồng Dân có diện tích đến kỳ thu hoạch khoảng 975 ha, nhu cầu tiêu thụ khoảng 3 tấn/ngày (kích cỡ 10-20 con/kg), giá bán tại ao 125.000 đồng/kg.
"Thương lái địa phương chỉ tiêu thụ khoảng 500 kg/ngày. Sáng 25/7, thương lái tỉnh Cà Mau thu mua 200 kg. Địa phương đã tìm đầu ra tại Cần Thơ và Cà Mau để tiêu thụ, đang trao đổi giải pháp vận chuyển", báo cáo nêu.
Rau đồng loạt giảm giá
Chiều 28/7, gia đình anh Nguyễn Văn Thi ở xã Châu Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bán bí đao cho thương lái với giá 14.000 đồng/kg, dưa leo 5.000 đồng/kg. Theo anh Thi, tuần trước nhiều loại nông sản rất khó bán.
Ba ngày qua, xe tải nhỏ qua được các chốt kiểm dịch để vào vùng nông thôn mua rau, củ, quả giúp nông dân nhưng giá thấp. “Bí đao trước đây mỗi kg giá 20.000 đồng, hiện chỉ còn 14.000 đồng. Dưa leo giá giảm một nửa”, vợ anh Thi than thở.
Anh Út Quanh chuyên trồng hẹ lấy bông ở xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết trước khi có dịch Covid-19, mặc hàng nông sản này có giá 20.000-25.000 đồng/kg. Suốt tuần qua, anh Quanh bán bông hẹ chỉ được 10.000 đồng/kg.
Theo báo cáo về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại Bạc Liêu, diện tích rau màu của tỉnh là 2.972 ha.
Nhiều loại rau màu ở miền Tây đang giảm giá và tồn đọng nhiều. Ảnh: Việt Tường. |
Từ 20/7 đến 15/9, Bạc Liêu dự kiến thu hoạch rau màu khoảng 31.622 tấn. Nhu cầu tiêu dùng rau màu tại Bạc Liêu chỉ 13.340 tấn nên có thể xuất bán ra thị trường 18.282 tấn trong thời gian này.
Hiện, các loại rau (rau má, rau cần nước, rau ngót, rau muống, rau răm, ngò om, rau thơm...) ở xã Vĩnh Thanh của huyện Phước Long cung cấp ra thị trường 39 tấn/ngày. Tuy nhiên, địa phương tiêu thụ chỉ 7 tấn, tồn 32 tấn/ngày.
Trái cây cũng gặp khó
Bốn ngày trước, thương lái từ Kiên Giang, Hậu Giang và đội từ thiện ở Long An đến huyện Phước Long mua rau các loại được 12 tấn/ngày. Thời gian tới, nếu việc vận chuyển dễ dàng qua các chốt kiểm soát, thương lái sẽ tiếp tục tăng số lượng thu mua các loại rau cho Bạc Liêu.
Tại Sóc Trăng, trong tuần giãn cách theo Chỉ thị 16, toàn tỉnh thu hoạch được khoảng 2.673 tấn rau màu, tiêu thụ 2.089 tấn, tồn đọng 585 tấn (chủ yếu hành tím 500 tấn, củ cải trắng 21 tấn, bắp 14 tấn, các loại khác 17 tấn).
Tương tự Bạc Liêu, nhãn xuồng cơm vàng tại Sóc Trăng cũng dội chợ, giá giảm từ 50.000-80.000 xuống 10.000-20.000 đồng/kg.
Trong tuần đầu giãn cách xã hội, lượng trái cây ở Sóc Trăng thu hoạch khoảng 1.206 tấn, tiêu thụ 824 tấn, tồn 382 tấn (nhãn 265 tấn, lêkima 44 tấn, ổi 34 tấn đã đến thời gian thu hoạch nhưng chưa hái).
Theo Phó phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu Nguyễn Minh Chí, nhãn xuồng cơm vàng sau thu hoạch 5-7 ngày không có người mua sẽ hư hỏng. Những ngày qua, Sóc Trăng thường xuyên xuất hiện mưa nên nhãn chín không có người thu hoạch cũng giảm sản lượng vì rơi rụng nhiều.
Nhãn xuồng cơm vàng tại Bạc Liêu và Sóc Trăng khi chưa có dịch Covid-19 bán được với giá 50.000-80.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 10.000-20.000 đồng/kg. Ảnh: Nhật Tân. |
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết đơn vị đã đề xuất các địa phương thành lập đội thu hoạch nông sản tại các doanh nghiệp. Những đội này phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 để đi thu mua nông sản cho người dân.
Đối với việc vận chuyển hàng hóa khó khăn vì chốt kiểm soát các địa phương kiểm tra không đồng bộ, ông Nhã cho biết đã có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Công Thương.
“Khi họp các huyện, thị, tôi có chỉ đạo các địa phương phải thống nhất với các văn bản của Trung ương để vừa phòng chống dịch tốt vừa giúp doanh nghiệp lưu thông vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi”, ông Nhã nói.
Tác giả: Việt Tường
Nguồn tin: zingnews.vn