Tổng thống Macron đối mặt bài toán khó hậu bầu cử Quốc hội (Ảnh: Getty). |
Theo kết quả bầu cử được Bộ Nội vụ Pháp công bố vào ngày 20/6, Liên minh "Cùng nhau" của ông Macron, vốn muốn tăng tuổi nghỉ hưu và đẩy mạnh hội nhập Liên minh châu Âu (EU) hơn nữa, chỉ giành được 245 trong tổng số 577 ghế quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 19/6.
Với kết quả trên, liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron vẫn là đảng lớn nhất trong quốc hội Pháp, nhưng đã mất thế đa số để kiểm soát quốc hội khi không giành được tối thiểu 289 ghế.
Liên minh Nhân dân Sinh thái và Xã hội mới (NUPES) do ông Jean-Luc Melenchon lãnh đạo được coi là nhóm đối lập lớn nhất khi giành được 135 ghế. Trong khi đó, phe cực hữu giành được chiến thắng kỷ lục và phe bảo thủ cũng có được số ghế lớn.
Liên minh trên được thành lập hồi tháng 5 khi cánh tả bị chia cắt trong cuộc bầu cử tổng thống trước đó một tháng và tập hợp những người theo chủ nghĩa xã hội, cánh tả cứng rắn.
Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire gọi kết quả này là "cú sốc" và cho biết họ sẽ phải thương lượng với các chính trị gia ngoài liên minh "Cùng nhau" để nắm quyền đất nước. Theo ông, nếu các liên minh khác không hợp tác, "điều này sẽ cản trở năng lực của chúng tôi trong việc cải cách và bảo vệ người Pháp".
Trong khi đó, lãnh đạo NUPES Melenchon cho rằng kết quả này "trước hết là thất bại bầu cử" với ông Macron. Một quốc hội bị treo sẽ khiến các liên minh phải chia sẻ quyền lực và thỏa hiệp ở mức độ lớn chưa từng có ở Pháp trong những thập kỷ gần đây.
Vì vậy, không thể đoán trước được diễn biến tiếp theo trên chính trường Pháp bởi lần gần nhất một tổng thống mới đắc cử không đạt được đa số hoàn toàn trong cuộc bầu cử quốc hội là vào năm 1988.
Nhiều chuyên gia chỉ trích kết quả bầu cử quốc hội Pháp được đánh giá đã làm ảnh hưởng tới chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4 của Tổng thống Macron, khi ông đánh bại phe cực hữu để trở thành tổng thống Pháp đầu tiên chiến thắng nhiệm kỳ hai trong hơn 20 năm qua.
Báo Liberation gọi kết quả trên là "một cú giáng" đối với Tổng thống Macron, và nhật báo kinh tế Les Echos là "một trận động đất".
Thủ tướng Elisabeth Borne cho rằng, "kết quả là một rủi ro cho đất nước chúng ta trước những thách thức mà chúng ta phải đối mặt", đồng thời nói thêm rằng kể từ ngày 20/6, liên minh của Macron sẽ bắt đầu tìm kiếm liên minh.
Theo các chuyên gia, Tổng thống Macron cuối cùng có thể sẽ phải kêu gọi cuộc bầu cử sớm nếu Quốc hội rơi vào thế bế tắc.
Tác giả: Thanh Thành
Nguồn tin: Báo Dân trí