Du lịch

Covid-19 'nhấn chìm' ngành du thuyền

Còn khoảng 6.300 khách của tám du thuyền đang lênh đênh trên biển, tính cả tàu Greg Mortimer có hơn 100 người nhiễm nCoV.

Du thuyền Greg Mortimer, thuộc hãng tàu Aurore Expeditions của Australia, loanh quanh ngoài khơi Uruguay suốt hai tuần. Trên tàu có 217 người, thì tới 128 người dương tính với nCoV.

Cuối cùng, thuyền được cập cảng Montevideo vào 10/4, dựa trên thỏa thuận giữa chính phủ hai nước. Hơn 110 hành khách Australia và New Zealand trên tàu, dù âm tính với nCoV hay đã nhiễm bệnh, được cảnh sát hộ tống ra thẳng đường băng sân bay Montevideo để về nước ngay sáng 11/4. Trên tàu vẫn còn 80 thành viên thủy thủ đoàn và khoảng 20 hành khách Âu, Mỹ chờ xét nghiệm.

Chính phủ Uruguay coi tất cả những hành khách trên du thuyền Greg Mortimer nhiễm bệnh, ngay khi họ chưa được xét nghiệm Covid-19. "Thực tế không có bất kỳ tiếp xúc nào giữa người với người trong quá trình trao trả hành khách", giới chức Uruguay nhấn mạnh. Hãng tàu Aurore cho biết sẽ trả tất cả chi phí cho hành khách, còn chính phủ New Zealand sẽ nhận công dân của mình từ Melbourne.

Hành khách treo bảng "Cảm ơn Uruguay" khi du thuyền được chính phủ nước này cho phép cập cảng Montevideo hôm 10/4. Ảnh: AFP.

Chung cảnh ngộ với Greg Mortimer, Zaandam - du thuyền của hãng tàu Holland America, rời Argentina ngày 7/3, bắt đầu kỳ nghỉ 31 đêm sang trọng của hàng trăm hành khách. Nhưng từ 22/3, hơn 1.000 người bị nhốt trên du thuyền.

Kể từ 30/3, du thuyền ghi nhận gần 200 ca nhiễm bệnh giống cúm, nhiều người trong số đó dương tính với nCoV, 4 trường hợp tử vong. Các quốc gia không cho cập cảng, Zaandam mắc kẹt trên biển, ngay cả điểm đến cuối cùng, thành phố Fort Lauderdale (Mỹ), cũng từ chối. Những ngày bi thảm của con tàu chỉ kết thúc khi được bang Florida giải cứu.

Greg Moitimer hay Zaandam là hai trong hàng chục con tàu bị "mắc cạn" ngay trên đại dương vì đại dịch. Có ít nhất 6.300 hành khách vẫn đang trên các du thuyền ngoài khơi khi Covid-19 hoành hành toàn cầu. Theo dữ liệu của CruiseMapper, trang theo dõi tàu biển, số khách trên thuộc 8 du thuyền, bao gồm Greg Mortimer, Pacific Princess, Queen Mary 2, Arcadia, Astor, Magnifica, Columbus và Costa Deliziosa. nCoV đẩy ngành công nghiệp du thuyền tỷ đô vào khủng hoảng

Pride of America, thuộc hãng tàu Norwegian, có sức chứa hơn 2.000 hành khách, thường đi vòng quanh Hawaii và đem về doanh thu 1,3 triệu USD một tuần. Nhưng vào một ngày tháng 3, một thành viên thủy thủ đoàn mắc Covid-19 và lây lan cho nhiều người khác. Hàng trăm hành khách kẹt lại trên tàu, số khác được di tản. Từ 900 nhân viên, du thuyền quyết định sa thải 700 người.

Các hãng tàu lớn như Norwegian cho nhân viên làm việc 4 ngày mỗi tuần và cắt giảm 20% lương đối với nhân viên trên bờ. Trong khi đó, giám đốc hãng Royal Caribbean, Richard Fain, tuyên bố không nhận lương đến tháng 9 và cắt giảm 25% lương đối với các giám đốc điều hành khác.

Doanh thu toàn cầu năm 2018 của du lịch tàu biển đạt 50 tỷ USD. Nhưng Covid-19 nhấn chìm tất cả. Ba hãng tàu lớn nhất thế giới, Carnival, Royal Caribbean và Norweigian chiếm 80% thị trường toàn cầu, đã dừng toàn bộ hải trình. Ban đầu các hãng tàu dự báo chỉ tạm ngừng hoạt động trong ít nhất một tháng. Nhưng tới giờ, các hãng đã phải gia hạn thêm thời gian ngưng vận hành.

Chính phủ các nước Anh, Mỹ đưa ra khuyến cáo hành khách trên 70 tuổi, đối tượng khách chính của các hãng du thuyền, không nên tham gia bất kỳ hải trình nào vì lý do sức khỏe. Nhiều quốc gia không chào đón du thuyền. Canada cấm tàu du lịch lớn cập cảng cho tới ngày 1/7. Nhiều quốc gia cũng đã làm vậy khi Covid-19 lan rộng.

Đại dịch ập đến vào thời điểm đặc biệt nhất của ngành du thuyền khi ba tháng đầu năm được cho là cao điểm. Và năm 2020 được dự báo sẽ phá vỡ mọi kỷ lục tồi tệ bởi ba tập đoàn lớn nhất đều không có doanh thu. Giá cổ phiếu của các hãng tàu giảm 70 - 80% kể từ đầu năm, so với mức giảm khoảng 60% của các hãng hàng không và 30% thị trường chứng khoán Mỹ nói chung. Chưa kể, việc các hãng du thuyền ngưng hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến các cảng du lịch.

Dù vậy, ba ông lớn có thể sẽ sống sót vì cân đối tài chính tốt. Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi không có doanh thu trong sáu tháng, họ vẫn sống được vì có đủ tài chính mà không nhờ cậy vào bất kỳ phương án giải cứu nào. Ngày 31/3, Carnival có kế hoạch tăng 6 tỷ USD thông qua việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu mới trong trường hợp phải ngừng hoạt động lâu hơn.

Nhiều hãng du thuyền giảm lương, cắt giảm nhân sự và tạm ngừng hoạt động. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào trong ngành du thuyền cũng có nền tảng tài chính lớn mạnh. Các hãng tàu có quy mô nhỏ không thể chịu đựng được lâu, như Luminous Cruise Nhật Bản đã nộp đơn xin phá sản ngay đầu tháng 3 vì vắng khách.

Tuần qua, gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD của Mỹ đã loại ngành công nghiệp du thuyền ra khỏi danh sách. Bởi, phần lớn hãng tàu không thành lập tại Mỹ và không phải đóng thuế thu nhập. Ngoài ra, ngành du thuyền còn bị chỉ trích vì gây ô nhiễm môi trường và phản ứng chậm trước đại dịch. Đó là thách thức lớn của các hãng tàu, vì nếu khủng hoảng kéo dài hơn dự báo, họ sẽ không có khả năng chịu đựng thêm.

Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là khi đại dịch đi qua, du khách khó quay lại với các hãng du thuyền ngay lập tức. Họ có những lựa chọn khác thay vì lênh đênh trên biển với du thuyền. Giới trẻ lại không ưa chuộng hình thức du lịch này.

Lãnh đạo các hãng tàu đang đau đầu làm thế nào để đối tượng khách chính của mình, người già, bước chân trở lại lên du thuyền, khi trong tâm trí họ vẫn hằn sâu hình ảnh những con tàu bị hắt hủi không thể cập cảng.

Tác giả: Vi Nguyễn

Nguồn tin:Báo Vnepress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP