Nhân ái

'Con ơi nghỉ học đi, mẹ đi làm cực khổ quá không có tiền...'

Người mẹ nghèo ở vùng xa xôi hẻo lánh tỉnh An Giang từng nói với con khi thấy mình không thể lo tiếp cho con. Cô con gái nhỏ lúc đó học lớp 9 bật khóc. Người mẹ biết mình phải lo cho con đến cùng. Giờ cô bé năm nào bước vào đại học với bao lo toan.

Hồi còn ở nhà, khi rảnh rỗi, Thảo Quỳnh phụ chị dâu bán cơm ở chợ để mẹ con em đỡ ba bữa cơm mỗi ngày - Ảnh: CHÍ HẠNH

Cánh tay phải của mẹ

Đó là những gì Trần Mai Thảo Quỳnh (ngụ ấp Phú Đông, xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã đeo mang khi lên thành phố nhập học. Cô là tân sinh viên ngành Đông phương học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Mẹ Quỳnh, bà Mai Thị Thảo (50 tuổi) làm đủ thứ nghề nuôi con. Khi Quỳnh được 2 tuổi (Quỳnh còn có một người anh), bà bị chồng bỏ rơi. Trong tay không có "mảnh đất cắm dùi", mẹ con bà Thảo dắt nhau về ở đậu nhà ngoại cho đến tận bây giờ.

Thương hai con còn nhỏ, bà không đi thêm bước nữa, ở vậy lo cho con. "Ban đầu tôi ra mé chợ bán cơm, sau thì bán nước mía, rồi đi phụ hồ ở Bình Dương", bà Thảo nhớ lại.

Năm anh của Quỳnh học lớp 10, thấy mẹ quá cực nhọc, người anh đành nghỉ học để nhường suất cho em. Lên 22 tuổi, anh trai Quỳnh lấy vợ rồi phiêu bạt tới Bình Dương kiếm sống.

Khuya 3 năm trước, lúc đang ngủ với con gái, tay chân bên phải của bà Thảo bất động hoàn toàn, nhìn con nhưng không nói được. Bà nhập viện, bác sĩ nói bà bị tai biến nặng.

Sau một thời gian trị liệu tích cực, cuối cùng bà Thảo cũng nói chuyện được trở lại. Nhưng tay và chân phải của bà vẫn mất khả năng vận động.

Vận đen vẫn không buông tha mẹ con bà Thảo. Năm lớp 11, một cơn bạo bệnh ập đến với Quỳnh. Em được chẩn đoán bị lao, tràn dịch màng phổi, uống thuốc nhiều tháng trời.

Chỉ còn một tay vận động được, một chân thì lê lết, bà Thảo nghỉ bán cơm và chuyển sang bán nước dừa, nước mía. Sau giờ học ở trường, Quỳnh là một cánh tay, một chân còn lại của mẹ.

Mỗi ngày, cô bé lo chuyện giặt giũ, giúp mẹ chặt dừa, ép nước mía rồi bê đi giao cho khách quanh khu chợ. Còn lúc con đi học, bà Thảo nhờ xóm giềng phụ giúp một tay.

Lợi nhuận từ quán nước mía, nước dừa ở quê là nguồn tiền duy nhất bà Thảo lo con ăn học - Ảnh: CHÍ HẠNH

Xót xa nỗi khó khăn của mẹ, vợ chồng người con lớn dắt nhau về lại quê nhà, mở lại quán cơm của mẹ ngày trước. Mỗi khi rảnh rỗi, Quỳnh ra đây phụ giúp anh chị bưng bê. Đổi lại, Quỳnh cùng mẹ đỡ gánh lo cơm nước ngày ba bữa.

Thi thoảng, cơn ho lại ập tới với Quỳnh, nước mũi chảy ròng ròng. "Mỗi lần con nó ho, tôi sợ lắm. Ước gì tôi có thể gánh hết bệnh tật cho con", bà Thảo sụt sùi.

Mẹ con nương nhau mà đi tới

Năm Quỳnh lên lớp 5, mẹ lên Bình Dương làm phụ hồ. Quỳnh cảm nhận được nỗi cực nhọc của mẹ nên ngỏ lời xin nghỉ học để đi làm nhưng mẹ phản đối.

"Thấy con học giỏi từ nhỏ, lớp 5 nghỉ cũng không biết làm được việc gì nên tôi ráng cho nó theo học được lớp nào hay lớp đó. Nhưng năm con lên lớp 9, tôi quá cực rồi, nghĩ lo không nổi cho con ăn học được nữa nên tôi nói "con ơi nghỉ đi, mẹ đi làm cực khổ quá không có tiền".

Quỳnh nó bật khóc. Rồi từ đó đến nay, tôi từ bỏ luôn ý nghĩ kêu con bỏ học", bà Thảo nói.

Quỳnh đạt học sinh giỏi trong suốt 12 năm liền. Năm cấp 2, Quỳnh học gần nhà nên đến trường bằng xe đạp. Năm lên cấp 3, trường cách xa gần 16 cây số, phải quá giang bạn bè. Dù có khó khăn đến mấy nhưng em vẫn luôn trong nhóm học sinh đứng đầu các cấp.

Quỳnh nói thích nhất ngành du lịch, nhưng chọn ngành Đông phương học để mẹ đỡ lo tiền học phí. Gói chút quần áo, mẹ con Quỳnh gom hết số tiền dành dụm rồi mượn thêm của ngoại 8 triệu đồng. Họ hùn tiền xe đi cùng những người lên thành phố khám bệnh để bắt đầu hành trình mới.

"Từ bây giờ tôi phải tằn tiện lo cho con 4 năm đại học, để nó có cái nghề trong tay, thay đổi cuộc sống. Nhưng tôi cũng lo lắng lắm, sợ sức khỏe của con bé chịu không nổi áp lực học hành", bà Thảo thổ lộ.

Bà Đặng Thị Thu Thủy - chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Phú Xuân - cho biết: "Khi gia đình Quỳnh gặp nhiều chuyện không may, chúng tôi đã hỗ trợ trong khả năng có thể. Dù hết bệnh phổi nhưng sức khỏe em Quỳnh rất yếu. Chúng tôi đã cấp xác nhận cho em hộ cận nghèo và một thẻ bảo hiểm y tế để em tiếp tục đeo đuổi ước mơ của mình".

Trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 110 sinh viên 11 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 21-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành Đoàn Cần Thơ, VTV Cần Thơ, Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 110 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,6 tỉ đồng do Quỹ Đồng hành nhà nông - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền và giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (10 học bổng, 150 triệu đồng cho tân sinh viên tỉnh Vĩnh Long) tài trợ.

Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng ba lô cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ 6 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập. Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 8 suất học bổng tiếng Anh cho khóa luyện thi IELTS miễn phí cho tân sinh viên đang học tại TP Cần Thơ.

Đây là điểm trao thứ sáu trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 572 của báo Tuổi Trẻ.

Tác giả: Chí Hạnh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP