Cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng khó có bước nhảy vọt thời gian tới
“Những thông tin ồn ào quanh việc khách hàng mất tiền trong thẻ không lấn át được sự chói sáng của VCB bởi CP này có nhiều thông tin tích cực khác xuất hiện. Đó là việc Quỹ đầu tư GIC của chính phủ Singapore đã ký thỏa thuận ghi nhớ sẽ mua 7,7% cổ phần của VCB, tương ứng 305,8 triệu cổ phần phát hành trong đợt phát hành riêng lẻ dự kiến diễn ra vào quý 4 năm nay. Bên cạnh GIC, cổ đông chiến lược hiện hữu của VCB là NH Nhật Bản Mizuho cũng dự kiến sẽ mua thêm 54 triệu CP để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 15% (Mizuho đầu tư gần 600 triệu USD vào Vietcombank hồi cuối năm 2011 và hiện khoản đầu tư này có giá trị xấp xỉ 1 tỉ USD). Đặc biệt, việc NH này thông báo trả cổ tức bằng tiền 10% và thưởng bằng CP theo tỷ lệ 35% cho các cổ đông chính là cú hích lớn nhất để giá VCB luôn đi lên”, một chuyên gia tài chính phân tích.
Còn theo nhân định của Công ty chứng khoán TP.HCM, sau thương vụ bán CP cho đối tác ngoại, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Vietcombank sẽ tăng thêm khoảng 2% và điều này sẽ giúp NH củng cố nguồn vốn. Tuy nhiên, mức định giá của VCB hiện đã khá cao so với mặt bằng khu vực.
Ngoài VCB, còn lại hầu hết nhóm CP ngành NH đang niêm yết đều giậm chân tại chỗ trong thời gian qua, thậm chí giảm so với đầu năm. Trong đó, NH TMCP Đầu tư và phát triển VN (BID) và NH TMCP Công thương VN (CTG) được đánh giá là 2 NH có vị thế tương đương VCB về nhiều mặt thì giá vẫn chỉ loanh quanh ở mức dưới 20.000 đồng. Cụ thể, BID đã giảm mất hơn 25% trong 8 tháng qua và chỉ còn 16.400 đồng/CP; CTG cũng giảm đi hơn 8% và hiện chỉ còn 17.200 đồng/CP. Một số CP khác như EIB của Eximbank, STB của Sacombank, ACB của NH TMCP Á Châu hay SHB của NH Sài Gòn - Hà Nội... cũng rơi vào tình trạng chung và không thể bứt phá nổi.
Theo giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM, chỉ riêng với việc VCB chi trả cổ tức bằng tiền và bằng CP lên hơn đến 45% đã bỏ xa các NH khác. Do nhiều năm qua, hầu như các NH đều không chia cổ tức hoặc chỉ chia ở mức vài phần trăm khiến nhà đầu tư ngán ngẩm. Do đó, việc các nhà đầu tư sẵn sàng lựa chọn VCB là điều dễ hiểu. Cũng theo ông này, từ nay đến cuối năm, vẫn chưa có gì đột biến cho nhóm CP ngành NH và tình trạng trầm lắng cũng sẽ tiếp tục diễn ra. Bởi ngoài việc bản thân ngành NH nói chung không có nhiều thông tin tốt, kết quả kinh doanh bình thường lại có nhiều “tai tiếng” cũng khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra e dè. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư trên thị trường đã tìm đến nhiều CP của các nhóm ngành khác có mức tăng trưởng về lợi nhuận cao hơn như thép, xây dựng, bất động sản… nên nhiều CP nhóm NH khả năng tiếp tục rơi vào tình trạng trầm lắng.
Tác giả bài viết: Thảo Vy