Những ngày đầu năm mới chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ 3 gian 2 chái bên bờ sông Kiến Giang thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nơi Đại tướng sinh ra và lớn lên để bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ đối với người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng tài ba của dân tộc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại,
Dung dị 1 mảnh vườn quê
Từ con đường mang tên Ông Giáp chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ dẫn vào nhà Đại tướng, đập vào mắt là dãy hàng rào xanh mướt được tạo bởi những cây chè tàu được cắt tỉa thẳng thắn gọn gàng. Bước qua chiếc cổng bằng gỗ có mái lớp bằng lá cọ đã nhuốm đậm màu thời gian là 1 lối đi được lát gạch đỏ thắm, sạch sẽ len giữa 2 hàng dâm bụt thẳng hàng. Tất cả toát lên nét cổ kính đặc trưng của 1 ngôi nhà làng quê Việt.
Hàng rào xanh mướt được tạo bởi những cây chè tàu được cắt tỉa gọn gàng |
Trong vườn nhà, ngay góc sân trên thân cây vú sữa già từng nhánh lan đua nhau khoe sắc thắm, tỏa hương dìu dịu. Tiếp chúng tôi là ông Võ Đại Hàm- cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá và là người được Đại tướng giao việc trông coi khu vườn hàng chục năm nay.
Sau khi kính cẩn dâng hoa, thắp nén hương cho Đại tướng, bên ấm trà đượm chúng tôi lắng nghe ông Hàm kể câu chuyện về những cây trong vườn nhà người.
Chỉ tay về 1 gốc cây trước sân ông Hàm nói: “Cây này được Đại tướng trồng năm 2004, đây là 1 cây thuốc, chữa đau bụng, đại tràng và được gọi là cây Sâm đắng”. Ngay gần cây thuốc này là 1 cây đào tiên cũng do chính tay Đại tướng trồng vào năm 2004, “Cây đào này có nguồn gốc từ trên quê ngoại Đại tướng ở Mỹ Đức, cho nên phải lấy từ trên Mỹ Đức về trồng” ông Hàm cho biết.
Ngôi nhà nhỏ bình dị gắn với tuổi thơ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Ngoài những cây trồng lâu năm mảnh vườn nhà Đại tướng luôn xanh mướt màu các loại rau, quả như cam, cà, bầu, bí… do ông Hàm trồng. “Từ lúc về quản lý khu vực đất đai này thì mình cũng cố gắng trồng trọt cho đẹp chớ không lẽ vườn mà để cỏ mọc không được. Ăn uống không bao nhiêu nhưng chủ yếu cho mảnh vườn thêm ấm cúng” ông Hàm chia sẽ thêm.
Cũng theo ông Hàm, hiện nay kỷ vật về Đại tướng không còn, bởi lẽ năm 1947 Thực dân Pháp tái chiến Quảng Bình đã lên bắt bố Đại tướng trong ngôi nhà cổ, rồi đốt hết không còn cái gì, bây giờ trong vườn chỉ còn mỗi cái nền đất và cây khế nơi góc vườn là từ thời Đại tướng mới sinh ra. Cũng nhờ cây khế này mà người ta xác định được vị trí chính xác để phục dựng lại ngôi nhà trên nền đất cũ.
Cây khế chịu tang Đại tướng
Trong số những cây xanh trong vườn thì cây khế là cây duy nhất chứng kiến sự ra đời và lớn lên của Đại tướng và cũng chính là cây được chịu tang trong ngày Đại tướng mất.
Đây là 1 cây khế mang dáng dấp 1 cây cổ thụ với dáng thẳng đứng, gốc cây to lớn, cao vượt lên cả trên nóc nhà, tán lá sum suê, trái chi chít, chín vàng 1 góc vườn.
Cây khế bốn mùa xanh tươi, trĩu quả |
Theo ông Hàm, việc xác định tuổi đời của cây khế này là chưa thể có con số chính xác bởi mọi chuyện liên quan tới cây khế này ông cũng chỉ được nghe các cụ kể lại mà thôi, nhưng chắc chắn 1 điều rằng cây khế phải có tuổi trên 100 năm.
“Nếu nói cho chính xác các cụ kể lại thì các cụ cũng không nhớ. Khi mẹ Đại tướng còn sống cũng nhắc về cây khế này rất nhiều nhưng các cụ cũng không nhớ nó được trồng vào năm nào. Nhưng mà, thời thơ ấu của Đại tướng đã từng trèo lên cây khế đó học bài, cho nên cây khế đó cũng phải 120 năm.”
“Bây giờ người ta đang nghiên cứu để công nhận cây khế đó là cây di sản, nhưng mà gia đình không muốn. Bởi lẽ, cây di sản thì họ có quy định rõ bao nhiêu năm tuổi, rồi liệu cây khế của mình có đúng năm ấy hay không? Còn nếu mà công nhận 1 cách vu vơ thì nó không phải…”
Nhắc thêm về những câu chuyện về cây khế, ông Hàm bồi hồi nhớ lại, lúc sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu quý cây khế, “Những sự kiện như bão, lũ lụt Đại tướng vẫn luôn gọi điện về hỏi thăm bà con làng xóm mình có thiệt hại gì hay không? Trong vườn nhà mình có thiệt hại gì hay không, cây khế ra sao?”
Một điều đặc biệt hơn thảy về cây khế mà mỗi khi nhớ lại luôn khiến ông Hàm cũng như bao người dân thôn quê nơi đây rung rưng đó là câu chuyện cây khế trở thành 1 người thân trong gia đình với chiếc khăn tang buộc vào thân cây ngày Đại tướng mất. “Đại tướng mất ngày 4/10/ 2013, ngoài nhà phát tang ngày 12/10 cho nên ở đây bà con cũng phát tang ngày 12 theo tập quán quê hương và cây khế chính thức chịu tang người từ đó.”
Tác giả: Nguyễn Hoàng
Nguồn tin: Báo Bảo vệ pháp luật