Pháp luật

Chuyện những người đưa chuyến tàu đi xuyên Giao thừa

Giao thừa, thời khắc thiêng liêng của những phút giây sum vầy bên gia đình, vẫn có những nhân viên đường sắt lặng lẽ đưa những chuyến tàu đi trong bình yên…

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lì xì tổ lái chuyến tàu Thống Nhất cuối cùng xuất phát tại ga Hà Nội đêm 30 Tết Đinh Dậu, chúc đoàn tàu hành trình an toàn, suôn sẻ
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lì xì tổ lái chuyến tàu Thống Nhất cuối cùng xuất phát tại ga Hà Nội đêm 30 Tết Đinh Dậu, chúc đoàn tàu hành trình an toàn, suôn sẻ

Hối hả chuẩn bị cho chuyến tàu cuối năm

Tối 30 Tết, chỉ còn khoảng vài giờ nữa là đến thời khắc trời đất giao hòa, chuyển giao năm cũ sang năm mới Đinh Dậu. Nhà nhà đang tất bật chuẩn bị mâm cúng đêm Giao thừa sao cho tươm tất, người lớn, trẻ con háo hức đón chờ giây phút thiêng liêng. Ấy vậy mà, trên sân ga Hà Nội, vẫn thấy những nhân viên đường sắt gồm: Người bán vé; người hướng dẫn, đón hành khách vào ga; người kiểm tra lần cuối các toa xe… đều miệt mài làm việc để những chuyến tàu xuất phát cuối cùng đêm 30 Tết được suôn sẻ.

Đã hơn 21h, những tiếp viên tổ tàu SE3 - chuyến tàu Thống Nhất cuối cùng xuất phát tại ga Hà Nội đang hối hả tác nghiệp chuẩn bị đón khách, nào vệ sinh toa xe, nào trải ga gối các khoang giường nằm cho phẳng phiu, nào chuẩn bị, kiểm tra các trang thiết bị phục vụ hành khách… Trưởng tàu Nguyễn Văn Đẹp vừa đi dọc đoàn tàu kiểm tra, nhắc nhở anh em tác nghiệp vừa cho biết: “Anh em vào chiến dịch vận tải Tết như lính ra trận, ai nấy đều sẵn sàng, người nào việc nấy, cứ thế tự giác mà làm. Chúng tôi theo tàu SE6 từ Sài Gòn ra, 20h mới về đến ga Hà Nội, chỉ có một giờ đồng hồ để tắm rửa, vệ sinh cá nhân, thay đồng phục mới, rồi 21h lại ra nhận tàu, chuẩn bị đón khách”.

Phó tàu phụ trách công tác ăn uống Nguyễn Xuân Phú chia sẻ: “Đêm Giao thừa là đêm đặc biệt, công việc của chúng tôi cũng đặc biệt. Vừa chuẩn bị đồ ăn đêm phục vụ hành khách, vừa chuẩn bị mâm cúng Giao thừa ngay trên tàu”. Trước vẻ ngạc nhiên của tôi, anh Phú giải thích, điều này đã thành thông lệ bao năm nay rồi, tổ tàu nào cũng vậy, hễ đón Giao thừa dọc đường là đều có mâm cúng truyền thống, cũng đủ đầy hoa tươi, nhang đèn, kẹo mứt, cũng mâm ngũ quả, con gà cánh tiên, bánh chưng… để cầu mong một năm mới sung túc.

Nhà ga đã mở cửa, tạm biệt anh em tổ tàu đang bận rộn đón khách mà không kịp trò chuyện, hỏi thăm được gì nhiều, tôi hướng về phía đầu máy. Trên đó là 6 công nhân lái máy cùng một tổ thuộc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội chia làm ba ca, thay nhau đảm nhận lái tàu ở các cung chặng: Hà Nội - Vinh, Vinh - Đồng Hới, Đồng Hới - Đà Nẵng, từ đó lại do tài xế các xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng, Sài Gòn kéo tiếp. Anh Đỗ Văn Tuy, Tổ trưởng Tổ lái máy chia sẻ, trước khi tàu chạy hai giờ, anh em tổ lái máy phải có mặt đầy đủ để lên ban, nghe trực ban phổ biến mệnh lệnh, chỉ thị chạy tàu, kiểm tra tổng thể đầu máy.

“Đêm nay, chuyến tàu cuối năm, chúng tôi đã kiểm tra máy ngay từ chiều, lúc lên ban ở xí nghiệp lại kiểm tra lần nữa, nên giờ cũng yên tâm”, anh Tuy nói.

Tổ tàu chung vui cùng hành khách đêm giao thừa
Tổ tàu chung vui cùng hành khách đêm giao thừa


Và những nỗi niềm trên chuyến tàu xuyên 2 năm

Đi tàu từ năm 1979, đến nay Trưởng tàu Nguyễn Văn Đẹp không còn nhớ đã bao cái Tết đón Giao thừa trên tàu. Dẫu vậy, anh vẫn không tránh khỏi bùi ngùi. Anh kể, không khí chuyến tàu cuối năm đi xuyên Giao thừa lạ lắm, càng đến giờ phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ - năm mới, anh em trong tổ tàu, nhân viên với hành khách, hành khách với hành khách như tình cảm hơn, thân thuộc hơn. Những câu thăm hỏi, động viên gửi đến nhau chân tình cho người đi làm xa nhà vơi nỗi buồn, cho người xa quê chưa trở về kịp thấy ấm lòng, nhất là những hành khách có hoàn cảnh riêng đỡ tủi thân.

Với những tài xế lái máy, những anh em phục vụ trên tàu, trong giờ phút tống cựu nghinh tân, đón Xuân mới, họ lại thắp nén tâm nhang, thành kính xin ông bà phù hộ cho một năm mới bình an, tàu chạy an toàn, hành khách năm nay đông hơn năm trước để đời sống, việc làm người lao động đường sắt bớt vất vả, khó khăn.


“Anh em tổ tàu giấu nỗi nhớ nhà, giấu nỗi bâng khuâng để đem đến niềm vui, chia sẻ cùng hành khách trong giờ khắc thiêng liêng ấy”, Trưởng tàu Đẹp nói và kể, cũng trên chuyến tàu cuối năm vào Sài Gòn năm nọ, có một nam hành khách tuổi gần 60, khắc khổ. Khi được tổ tàu mời cùng đón Giao thừa, ông rất cảm động. Ông tâm sự, hoàn cảnh khó khăn, phải từ Huế lên Đồng Đăng (Lạng Sơn) làm mướn, tranh thủ làm thêm nên đến tối 30 Tết mới đón được chuyến tàu cuối về nhà. Dẫu không được đón Giao thừa ở nhà nhưng lại được anh em tổ tàu động viên, ông cũng thấy may mắn, phấn khởi, bớt cô đơn.

Còn trên chuyến tàu Giao thừa xuất phát Hà Nội trưa 30 Tết, Trưởng tàu Đặng Xuân Định cho biết, cũng chỉ có 5 người khách Việt vì khách đã xuống ga dọc đường. Ba người ở Diêu Trì đem mai ra Bắc bán, cố nán đến chiều 30 bán thêm cây nào hay cây ấy rồi mới đi tàu tối về lại Diêu Trì. Hai mẹ con một phụ nữ đã trung tuổi khăn gói vào Đà Nẵng thăm và đón Tết cùng chồng đang là bộ đội tại đây. 5 người khách lẻ loi trên cả đoàn tàu dài mười mấy toa trống vắng, không khỏi chạnh lòng. Nhưng khi được tổ tàu mời đón Giao thừa, nào rượu vang, nào bánh mứt… trong tiếng chúc tụng nhiệt thành, ai nấy hồ hởi, vui vẻ. Người phụ nữ nói, không ngờ được đón Giao thừa ngay trên tàu vui như vậy, cảm động như vậy, thật là một kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong cuộc đời.

Với những nhân viên đường sắt trên chuyến tàu xuyên năm cũ và năm mới, họ cũng có những nỗi niềm riêng. Chị Ngụy Thị Hà, tiếp viên tàu khách Thống nhất SE1/2 (Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội) hơn 10 năm làm nhân viên đi tàu thì có đến phân nửa số năm chị đón Tết dọc đường, nhưng cái cảm giác nhớ con, nhớ gia đình vẫn vậy. “Tủi thân nhất là chiều 30 phải xách va li đi, đón Giao thừa trên tàu. Sao lúc ấy thấy buồn thế, đến phát khóc. Ngày Tết, gia đình người ta quây quần, mình để con nhỏ ở nhà, trông cậy cả vào người thân, lên tàu phục vụ hành khách”, chị Hà tâm sự.

Chị Đào Huyền, tiếp viên Đoàn Tiếp viên đường sắt Phương Nam bùi ngùi chia sẻ trên trang cá nhân: “Tết nào cũng vậy, lịch đi tàu của năm nay em 24 đi 27 về, 28 lại đi luôn mùng 2 về, mùng 2 đi luôn mùng 4 về, mùng 4 em lại đi, vậy là hết Tết. Em nợ anh, nợ hai nàng thị nở một cái Tết đoàn viên. Con nợ cả cha mẹ bởi Tết nhà người ta quây quần bên con cháu còn bố mẹ nhìn nhà người ta mà thương và nhớ các con. Xin cảm ơn bố mẹ, anh và hai nàng thị nở luôn bên con và hiểu con, yêu thương hơn tất cả”.

Tác giả bài viết: Thanh Thúy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP