|
Những dấu ấn không phai
Hiếm có bài hát nào trong kho tàng âm nhạc Việt Nam lại được đặt tên từ chính một ngày cụ thể - “Mười chín tháng Tám”, ngày đánh mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc. Bởi vậy, hễ nhắc đến những ca khúc về Cách mạng Tháng Tám thành công, người yêu nhạc hẳn sẽ nghĩ ngay tới tác phẩm của nhạc sĩ Xuân Oanh.
Theo các tư liệu, nhân chứng lịch sử và lời kể của chính nhạc sĩ Xuân Oanh lúc sinh thời, ca khúc “Mười chín tháng Tám” được tác giả viết hay nói chính xác hơn là ký âm ngay trong lúc đang cùng dòng người tham gia đoàn biểu tình ngày 19/8/1945.
Thời điểm đó, nhạc sĩ Xuân Oanh vừa đi trên đường vừa vội vàng lấy mẩu giấy từ vỏ bao thuốc lá để ghi lại những ca từ đầu tiên. Hễ viết được câu nào thì ông lại bắt nhịp cho đồng bào trong đoàn cùng hát theo câu ấy. Để rồi, từ đường Hàng Bài, sau khi đoàn biểu tình chiếm được trại lính khố xanh, đến khi tập hợp lại trước cửa Nhà hát Lớn thì bài hát cũng vừa được Xuân Oánh sáng tác xong. Thế mới biết, bên cạnh tài năng thì hoàn cảnh thực tế là chất xúc tác hết sức quan trọng.
Theo giới trong nghề cùng thời nhạc sĩ Xuân Oanh, ca khúc nhanh chóng được nhiều người thuộc nằm lòng là bởi có giai điệu đơn giản mà mạch lạc, dễ hát, dễ nhớ. Chẳng hạn, bài hát có đoạn: “...Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa/ Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam/ Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai...”.
Giai điệu hào hùng, tươi vui của ca khúc như một chất keo gắn chặt, liên kết các tầng lớp nhân dân tạo thành một sức mạnh lớn lao đập tan xích xiềng nô lệ. Là hình ảnh của một dân tộc cùng thống nhất vang reo lời thề, là lời căn dặn thân thương chớ quên là ngày khởi nghĩa. Để rồi, với sự đồng lòng, đoàn kết, ý chí kiên cường của biết bao triệu người yêu chính nghĩa làm nên một hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam. Lời bài hát khép lại nhưng dường như vẫn gợi mở bao điều, hướng đến một Việt Nam tươi sáng, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ.
Nhạc sĩ Xuân Oanh - Người nhạc sĩ đa tài |
Nhạc sĩ Xuân Oanh tên khai sinh là Đỗ Xuân Oanh, sinh ngày 4/1/1923 tại vùng quê Quảng Yên (Quảng Ninh), trong một gia đình tiểu thị dân nghèo có cha làm thợ may. Mẹ mất từ năm 6 tuổi nên đến 14 tuổi, học xong tiểu học trường Pháp thuộc, ông bắt đầu tự kiếm sống bằng đủ các nghề: Thợ đúc, thợ mỏ, dạy học, vẽ tranh, nhạc công phòng trà.
Nghị lực phi thường của Xuân Oanh có thể thấy rõ qua việc ông tự học nhưng vẫn thông thạo nhiều ngoại ngữ như: Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc… Ông học trong những tháng năm làm cách mạng, qua thực tế công tác mà không qua một trường lớp chính qui nào.
Sinh thời Xuân Oanh hay nói: “Không làm việc tôi thấy mệt mỏi lắm”. Và quả thực, người ta thấy nhạc sĩ Xuân Oanh viết nhiều, viết khỏe đến mức hầu như sự kiện nào ông cũng có ca khúc để “ghi dấu”. Không ít tác phẩm trong số đó được nhiều người biết đến hoặc giành các giải thưởng cao như “Quê hương anh bộ đội” sáng tác năm 1946, theo gợi ý của nhà văn Nam Cao. Hay như “Hà Nội ở Lâm Đồng” được nhạc sĩ Xuân Oanh viết để cổ động cho phong trào người Hà Nội lên xây dựng kinh tế mới. Tác phẩm này được giải thưởng của Hội Văn nghệ Thủ đô. Ngoài ra, các tác phẩm khác như “Về lại Sài Gòn” sáng tác năm 1975, “Hành quân 40 năm” nhằm kỷ niệm 40 năm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam cũng được Tổng cục Chính trị trao giải nhì.
Lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ là vậy nhưng khi nhắc tới ông vẫn giản dị tự nhận mình là một nhạc sĩ không chuyên. Sự không chuyên ấy được ông khái lược bởi nguyên nhân: không được đào tạo căn bản về nhạc lý, và sáng tác chỉ là nghề tay trái. Quả thực, điều ít ai ngờ nhất là Xuân Oanh không chỉ có tài về âm nhạc, mà ông rất có năng khiếu văn chương.
Khiếu văn chương của ông được hỗ trợ bởi những ngoại ngữ ông tinh thông, đã góp phần mang văn học Việt Nam giới thiệu ra nước ngoài. Ông đã dịch Thơ Hồ Xuân Hương trong Tuyển tập thơ nữ Việt Nam - NXB Phụ nữ, vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ), tiểu thuyết “Ông Cố Vấn” (Hữu Mai) sang Tiếng Anh…
Sau ngày cách mạng thành công, Xuân Oanh chuyển về làm ở bộ phận thông tin, tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam ngày nay. Nhờ có nền tảng là vốn ngoại ngữ phong phú nên ít lâu sau, ông nhận nhiệm vụ sang làm phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi được nghỉ hưu, như lễ thường sẽ là quãng thời gian nghỉ ngơi, an nhàn thì Xuân Oanh lại trái ngược. Người ta thấy ông không ngừng làm việc, ông bền bỉ lao động như một cách đóng góp sức mình cho văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ của mình, nhạc sĩ Xuân Oanh đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1998, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Ông qua đời ngày 27/3/2010, thọ 87 tuổi.
Phải khẳng định rằng, Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc cũng như kỷ nguyên mới cho nền âm nhạc Việt Nam. Dòng tân nhạc với những bước đầu đặc sắc, đã làm dày thêm kho tàng âm nhạc dân tộc cùng dòng lịch sử.
Trong những năm tháng chiến tranh giành độc lập dân tộc, ca khúc “Mười chín tháng Tám” cũng đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ với những người chiến sĩ khắp mọi miền đất nước. Để rồi trải qua thăng trầm thời gian, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, mỗi năm, đến dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ca khúc bất hủ và đặc biệt nhất của nhạc sĩ Xuân Oanh lại vang lên trên mọi nẻo đường Tổ quốc.
Tác giả: Sơn Bình
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam