Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc thu hồi đất là để phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh và cho mục đích công cộng.
Còn tại nước ta, việc thu hồi đất tương ứng 4 trường hợp, đó là: phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh; phục vụ cho lợi ích phát triển xã hội; vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thu hồi theo quy định của pháp luật vì đe doạ tính mạng của con người.
Trong các trường hợp trên, mục đích thu hồi đất phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đang gây nhiều ý kiến trái chiều nhất.
Luật đất đai sửa đổi: Cần làm rõ mục đích thu hồi đất. |
Mặc dù Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cố gắng giải thích định nghĩa việc thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất dễ bị lợi dụng nếu không làm rõ đối tượng thụ hưởng phải là nhân dân, ngân sách đầu tư là của Nhà nước và lợi nhuận phải do Nhà nước thu.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, dự thảo luật cần định nghĩa cụ thể việc thu hồi đất phục vụ cho tổ chức tôn giáo hay cơ sở tôn giáo. Bởi đang có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng tôn giáo để tổ chức hoạt động kinh doanh.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, câu chuyện sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp nói chung và những bất cập trong việc thu hồi đất để thực hiện các dự án vì mục đích kinh tế nói riêng đã được nhắc đến nhiều lần và khi Dự thảo Luật Đất đai được mang ra bàn thảo thì câu chuyện này một lần nữa lại "nóng" lên.
Ông Võ nhận xét, dự thảo vẫn đem nguyên các quy định tại Điều 62, Luật Đất đai hiện hành, liệt kê ra các dự án trong trường hợp các cấp quyết định chủ trương đầu tư (Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ...), mà không rõ tiêu chí như thế nào là vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Do đó, với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, việc làm rõ thế nào là thu hồi đất vì mục tiêu kinh tế, quy định rõ những trường hợp như thế nào được thu hồi đất vì mục tiêu kinh tế là rất quan trọng.
Ngoài ra, dự thảo cũng vẫn quy định đất do Nhà nước thu hồi thì đấu giá, chưa thu hồi thì đấu thầu...tất cả chỉ mang tính hình thức, không có lợi cho quá trình phát triển kinh tế.
“Không rõ tại sao chúng ta cứ phải “bám” vào đấu giá, trong khi nhìn ra thế giới, chẳng có nước làm như vậy. Đấu giá có thể thu được lợi ích trước mắt, nhưng làm cho giá đất cao ngất ngưởng, chắc chắn là có hại, vì đầu vào tăng thì giá hàng hóa sản xuất ra tăng, tức là nền kinh tế có sức cạnh tranh thấp”, GS. Đặng Hùng Võ nói.
Chuyên gia phân tích thêm, về nguyên tắc, các nước đưa ra giá đất đầu vào thấp nhất để nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, từ đó Nhà nước thu được thuế. Chúng ta cho rằng đấu giá được lợi về giá đất là tốt, nhưng thật ra đó lại mới chỉ mang lại cái lợi trước mắt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo luật. Theo kế hoạch thời gian lấy ý kiến từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 28/2/2023. Tuy nhiên do thời gian trên trùng dịp Tết Nguyên đán, do đó Chính phủ và Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định kéo dài thời gian lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến đến 15/3/2023. Dự kiến, sau thời gian lấy ý kiến nhân dân, Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023). |
Tác giả: CHÂU ANH
Nguồn tin: vtc.vn