Kinh tế

Chuỗi tiêu thụ tôm ở miền Tây đang đứt gãy

Lãnh đạo Thủy sản Minh Phú cho rằng dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng tôm gần như đứt gãy. Người nuôi tôm, nhà máy thủy sản và các nhà cung cấp liên quan đều thiệt hại lớn.

Ngày 13/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài các tỉnh, thành, còn có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương, Y tế, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư…

Chỉ còn 30% doanh nghiệp thủy sản hoạt động

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thực hiện Nghị quyết 78 của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ này đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt phía Nam và phía Bắc để chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thời gian qua, 2 tổ công tác đã kết nối 1.400 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm ở phía Nam, xây dựng dữ liệu 2.093 các đầu mối cung ứng nông sản phía Bắc.

Các tổ công tác của Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp duy trì sản xuất tại những vùng phải thực hiện giãn cách xã hội.

Việc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất tại những vùng không bị giãn cách cũng đang diễn ra nhằm phục vụ tiêu thụ tại chỗ; bù đắp, cung ứng cho các địa phương sản xuất thiếu hụt do giãn cách xã hội, chuẩn bị khối lượng nông sản phục vụ cho giai đoạn hậu dịch Covid-19, Tết Nguyên đán và phục vụ xuất khẩu.

8 tháng qua, sản lượng tôm nuôi các loại đạt trên 622.000 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Ảnh: Trường Giang.

Về thủy sản, Bộ NN&PTNT thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, phục vụ sản xuất. Bộ này đã hướng dẫn các nhà máy chế biến xuất khẩu thực hiện quy định của nước nhập khẩu và công tác phòng chống dịch bệnh.

Tám tháng qua, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt gần 5,7 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2020. Trong 2,987 triệu tấn thủy sản được nuôi trồng (tăng 1,8%), cá tra đạt 932.000 tấn (giảm 2%), tôm các loại đạt trên 622.000 tấn (tăng 6,8%). Thủy sản khai thác ước đạt trên 2,7 triệu tấn, trong đó khai thác biển đạt 2,581 triệu tấn (tăng 0,9%).

Dự kiến những tháng còn lại, tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt 2,9 triệu tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản là 1,75 triệu tấn, khai thác thủy sản là 1,15 triệu tấn.

Theo Bộ NN&PTNT, với nhiều lý do khác nhau, hiện chỉ có 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản phía Nam hoạt động với công suất trung bình 30-35%; nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài.

Hiện nay, có 15 nhà máy thức ăn thủy sản, 120 nhà máy chế biến thủy sản có ca F0 phải dừng hoạt động. Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu; vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

“Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gãy. Giá sản phẩm thủy sản giảm 15-20% so cùng kỳ”, báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu.

Chi phí sản xuất tăng 70%

Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ và giảm 22% so với tháng 7. Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy ước đạt trên 60,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1%; xuất siêu nông sản chỉ đạt khoảng 3,35 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ.

Bộ NN&PTNT đánh giá kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ tháng 7, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía Nam nên việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ xuất khẩu nhiều nông sản có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh.

Thu hoạch tôm thẻ tại Sóc Trăng. Ảnh: Trường Giang.

Góp tham luận cùng hội nghị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang, cho biết miền Nam là khu vực trọng tâm của ngành nuôi trồng và sản xuất tôm. Dịch bệnh kéo dài khiến cho chuỗi cung ứng tôm gần như đứt gãy. Từ hộ nuôi tôm, đến nhà máy chế biến thủy sản và các nhà cung cấp có liên quan đều bị thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Quang dẫn chứng về một khâu trong chuỗi cung ứng tôm là các nhà máy chế biến thủy sản phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Một số nhà máy không đáp ứng được 2 tiêu chí trên buộc phải đóng cửa, số còn lại thực hiện được thì chỉ sản xuất 25-50% công suất, với chi phí sản xuất tăng thêm đến 70%.

Chính vì vậy, lượng tôm thu mua để chế biến giảm nghiêm trọng dẫn đến giá tôm nguyên liệu có lúc giảm 20-30%, thậm chí thấp hơn. Trước tình trạng đó, người nuôi đã bán tháo tôm và không thả giống tiếp. Vì vậy, nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng ngành tôm đã hiện hữu.

Giãn cách xã hội cũng khiến cho việc cung ứng con giống, thức ăn, hóa chất, vi sinh và các dịch vụ bảo hành, sửa chữa thiết bị nuôi tôm cũng đứt gãy nên người nuôi tôm khốn đốn. Giãn cách, cách ly dẫn đến không có người kéo lưới thu hoạch tôm, không có nước đá ướp tôm, cũng như khó khăn trong việc vận chuyển tôm từ ao nuôi đến nhà máy. Vì vậy, nhiều ao nuôi tới vụ cũng không thể thu hoạch được, đành để tôm chết trắng trong ao, rất đau lòng.

“Do cách ly cho nên các nhà sản xuất bao bì, hóa chất, chất phụ gia, gia vị nằm chủ yếu ở TP.HCM không sản xuất được. Nhà máy chế biến tôm đã có kế hoạch dự trữ trước nhưng thời gian giãn cách kéo dài nên nguồn dự trữ không còn để tiếp tục lưu trữ và sản xuất tiếp. Minh Phú đã đẩy mạnh đông tôm nguyên liệu IQF, nhưng kho lạnh đã đầy nên không thể thực hiện được nữa”, ông Quang cho biết.

Miền Nam là khu vực trọng tâm của ngành nuôi trồng và sản xuất tôm. Ảnh: Nhật Tân.

Để việc phòng chống dịch được tốt, đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống của người dân, lãnh đạo Thủy sản Minh Phú kiến nghị Chính phủ trích tiền từ quỹ vaccine bổ sung cho bữa ăn của lực lượng tuyến đầu chống dịch để lực kượng này có đủ sức khỏe chống dịch tiếp. Theo ông Lê Văn Quang, với 80.000 đồng tiền ăn mỗi ngày như hiện nay là quá đạm bạc vì lực lượng tuyến đầu phải căng mình chống dịch suốt ngày đêm.

“Chiến dịch ngoại giao vaccine rất đúng đắn, kịp thời nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu như hiện nay thì việc chậm giao và kéo dài giao vaccine là tất yếu. Vì thế tôi kiến nghị Chính phủ cấp phép khẩn cấp cho vaccine sản xuất tại Việt Nam, vì chậm một ngày đất nước bị thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng”, ông Quang chia sẻ.

Để đưa hoạt động sản xuất về trạng thái bình thường mới, lãnh đạo Thủy sản Minh Phú còn đề xuất Chính Phủ phê duyệt cho doanh nghiệp thực hiện phương án 7 xanh. Đó là nhà máy xanh, công nhân xanh, di chuyển xanh, gia đình/phòng ở xanh, nhà cung cấp xanh, vaccine xanh và trạm y tế tại chỗ xanh.

Hơn nửa tháng nới lỏng giãn cách, chiều 13/9, giá tôm thẻ tại Sóc Trăng tăng 1.000-5.000 đồng/kg so với cuối tyần trước. Cụ thể, tôm loại 30 con/kg giá 142.000, 40 con 122.000, 50 con 112.000, 60 con 102.000, 70 con 96.000, 80 con 87.000, 90 con 80.000, 100 con 75.000 đồng/kg.

Tác giả: Việt Tường

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP