Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, quyển bá yếu tên khoa học là Selaginella delicatula Alston, thuộc họ quyển bá Selaginellaceae. Đây là loài cây thảo mọc đứng, cao từ 30 đến 50 cm, có rễ chống.
Quyển bá yếu mọc trong rừng ẩm, trên các chân núi đá vôi ẩm, các trảng cây bụi hay ở ven bờ suối ở độ cao từ 300 đến 1.000 m. Loài này phân bố rất rộng từ vùng đồng bằng đến vùng đồi núi thấp khắp cả nước. Một số quốc gia cũng có cây này như Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines...
Đông y dùng toàn cây làm thuốc, thu hái quanh năm, loại bỏ tạp chất rồi phơi khô để dành. Khi dùng rửa sạch, cắt vụn. Cây có vị nhạt, đắng, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp. Thường dùng trị bệnh trẻ em như kinh phong, sởi. Có nơi còn dùng trị ung thư, viêm phổi, viêm amidan, viêm kết mạc mắt, viêm tuyến vú. Liều dùng từ 10 đến 30 g.
Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ cây quyển bá yếu như sau:
Viêm gan cấp tính thể hoàng đản
- Quyển bá yếu, cỏ seo gà, mỗi vị đều 30 g. Nấu nước uống.
- Quyển bá yếu 30 g, đậu mắt tôm, mã lan thảo (hài nhi cúc), chua me đất hoa vàng, mỗi vị đều 15 g. Nấu nước uống. Nếu bị đại tiện bí thì thêm 10 g gia củ cốt khí hoặc đại hoàng. Nếu chỉ số men gan hạ xuống chậm thì thêm gia 10 g ngũ vị tử tươi giã nát hoặc 120 g thùy bồn thảo giã nát nấu nước uống.
- Quyển bá yếu, đậu mắt tôm, hài chi cúc, ban, kim tiền thảo, mỗi vị đều 30 g. Nấu nước uống.
Viêm gan cấp tính thể hoàng đản, viêm gan thể không có hoàng đản, viêm gan kéo dài
Quyển bá yếu 30 g, đậu mắt tôm 15 g, hài nhi cúc 10 g. Tất cả nấu nước, thêm đường cát trắng để uống.
Xơ gan bụng trướng nước
Quyển bá yếu, bán chi liên, tử kim ngưu, mỗi vị đều 15 g kết hợp với rễ cỏ tranh 120 g, đơn buốt, nho dại, hồng táo, mỗi vị 30 g. Tất cả nấu nước uống.
Tác giả bài viết: Trần Ngoan