Sáng 23/7, sau khi đi tập thể dục về, anh Lê Hải (Văn Chương, Hà Nội) vào WC để tắm. Khi anh vừa khép cửa khu tắm đứng lại thì toàn bộ bức cửa kính vỡ tung thành vụn nhỏ. Đứng trong khoảng không gian quá nhỏ (hơn một m2), anh Hải bị kính bắn khắp người.
Lúc này, anh Hải đã kịp bảo vợ chụp hình hiện trường và các vết thương trên người để làm bằng chứng cho bên làm kính, sau đó đi bệnh viện. Anh bị khâu gần chục mũi ở ngón tay cái, xước nhẹ mặt, ngực và cánh tay.
Anh Hải đứng trong khu tắm đứng nên bị kính bắn làm chảy máu nhiều chỗ. Ảnh: Vân Anh. |
Ngôi nhà của anh Hải xây mới cách đây một năm, dùng kính cường lực 8 ly ở phòng tắm. Khu vực này gia đình vẫn dùng hàng ngày, không có dấu hiệu gì bất thường, cửa đẩy nhẹ nhàng.
Bàng hoàng sau sự cố, chị Vân Anh, vợ anh Hải quyết định sẽ thay cửa mới bằng rèm cho yên tâm. "Nhà tôi có con nhỏ nên càng lo lắng. Trước giờ, tôi luôn nghĩ kính cường lực rất an toàn, nhưng giờ không thể tin tưởng được nữa", chị Vân Anh tâm sự.
Trước đó một tháng, gia đình anh Trung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng phát hoảng khi gặp sự cố với kính cường lực trong chuyến đi nghỉ ở Quy Nhơn, khiến bé 3 tuổi nhà anh phải khâu 5 mũi.
Hiện nay, kính cường lực được sử dụng nhiều trong các hộ gia đình để làm vách phòng tắm, giếng trời, bậc cầu thang... Kính có nhiều ưu điểm như có khả năng chịu lực gấp 4-5 lần kính cùng độ dày, khó trầy xước. Ngoài ra, khi bị tác động mạnh, kính vỡ vụn thành dạng hạt nhỏ, khó gây sát thương hơn so với kính thường vỡ thành mảnh.
Tuy nhiên, một số gia đình gặp phải cảnh kính trong nhà tự dưng vỡ khi không ai chạm vào. Theo kỹ sư Văn Tuấn, một số nguyên nhân dẫn tới kính vỡ như sau:
- Có tạp chất trong kính: Điều này hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra do có sự xuất hiện của Niken Sunfua (NiS). Với kính thường, khi sản xuất được làm nguội từ từ, NiS có đủ thời gian để đạt cấu trúc bền vững. Với kính cường lực, quá trình làm mát nhanh khiến NiS chưa kịp đạt độ ổn định nên tiếp tục biến đổi khi kính đã làm xong. Do đó, tạp chất này có thể gây ra hiện tượng kính vỡ đột ngột. Để loại bỏ xác suất hư hỏng, các nhà sản xuất có thiết bị kiểm tra nhưng chi phí cao nên không phải nơi nào cũng ứng dụng.
- Chất lượng kính thấp: Do công nghệ kém nên nhiều sản phẩm mang tiếng là kính cường lực nhưng lại có độ bền không như quảng cáo. Trước đây, từng có vụ khiếu kiện do kính cường lực ở TP HCM tự vỡ. Khi chủ đầu tư chứng minh sự bền vững bằng cách dùng búa đóng đinh đập thì kính đã vỡ ngay.
- Không có khe thoáng quanh kính: Khi thi công, nhiều người gắn chặt bốn phía của tấm kính để khít và đẹp hơn. Khi có sự thay đổi của ngoại cảnh, thời tiết, nhiệt độ, kính bị o ép dẫn tới rạn và nổ do sự giãn nở của các yếu tố xung quanh.
- Lắp bản lề, tay nắm không chuẩn xác: Điểm yếu nhất của kính là các cạnh viền xung quanh, đặc biệt là các góc. Búa đập mặt kính không vỡ nhưng đập vào cạnh thì gây tác động khác hẳn. Khi các phụ kiện bị lắp lệch lạc, cánh cửa bị xệ xuống, va đập cũng có thể gây vỡ rạn.
Bởi vậy, để đảm bảo an toàn, các chủ nhà lưu ý cần chọn nhà cung cấp kính, đội thi công có uy tín. Ngoài ra, chủ nhà và đội kỹ thuật phải giám sát thợ, đảm bảo làm chuẩn xác các chi tiết, quy trình lắp kính cường lực.
Tác giả: Ban Mai
Nguồn tin: Báo VnExpress