Tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 23/6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành thời gian nói về việc chọn người làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Y tế, sau khi ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long bị kỷ luật liên quan đến vụ Việt Á.
Tổng Bí thư cho biết, có ý kiến băn khoăn với việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh bị kỷ luật, cách chức thì ai làm và phải tìm người làm thay.
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung dính vào hàng loạt vụ án lớn |
Theo Tổng Bí thư, “không lo thiếu cán bộ làm việc”, đây là việc rất quan trọng nên “phải chọn người cho đúng, cho chính xác chứ không phải vội vàng”.
“Nếu đưa vội người nào đó vào vị trí đang khuyết mà họ không chín chắn thì lại là lựa chọn không chính xác. Nên đến nay Hà Nội vẫn chưa có Chủ tịch thành phố. Phải chọn người cho đúng, quan trọng vẫn là công tác cán bộ", Tổng Bí thư nói.
Quả thực, ý kiến mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra là hoàn toàn xác đáng và nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Trước hết, Hà Nội là trái tim của cả nước, là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế, khoa học của cả nước. Vì thế, mỗi bước đi, mỗi công việc của thành phố đều được nhân dân cả nước dõi theo.
Niềm tin, sự kỳ vọng, thậm chí là đòi hỏi, yêu cầu đối với vị trí người đứng đầu chính quyền Thủ đô cũng vì thế mà luôn được đặt ra rất lớn.
Nhưng thật đáng tiếc, chỉ trong thời gian ngắn, cả hai người đứng đầu thành phố là ông Nguyễn Đức Chung và Chu Ngọc Anh đều vướng vòng lao lý. Một người từng là Anh hùng lực lượng vũ trang, người còn lại cũng từng là Bộ trưởng, từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau.
Khi hai người mới nhậm chức, nhiều người không khỏi khấp khởi hy vọng về một Thủ đô văn minh hiện đại trong tương lai, không chỉ phát triển về kinh tế mà còn tiêu biểu về văn hoá; không còn ngập nước, rác thải, không còn chuyện hàng nghìn toà cao tốc bức tử giao thông nội đô, trở thành nỗi ám ảnh của mỗi người dân…
Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì ông Nguyễn Đức Chung dính vào không phải một mà là hàng loạt vụ án lớn. Tương tự, ông Chu Ngọc Anh chưa kịp để lại dấu ấn gì cũng đã phải rời ghế vì những sai phạm liên quan vụ Việt Á- vụ án mà không ai nghĩ một người đứng đầu một bộ quản lý chuyên ngành về khoa học, nơi hội tụ tinh hoa của giới trí thức nước nhà lại có thể dính dáng tới.
Ông Chu Ngọc Anh bị khởi tố, bắt giam do liên quan vụ Việt Á khi còn là Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ |
Có lẽ vì thế mà Trung ương đang phải cân nhắc rất kỹ càng trong việc lựa chọn nhân sự cho vị trí người đứng đầu chính quyền Thủ đô. Chúng ta hoàn toàn có thể thấu hiểu được và chia sẻ về điều này. Bởi nếu không cẩn thận, ai dám chắc sẽ không có thêm trường hợp tương tự như ông Nguyễn Đức Chung hay Chu Ngọc Anh?
Về công tác cán bộ, đương nhiên người được chọn phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn đối với chức danh cụ thể. Tuy nhiên, nhân sự Chủ tịch Hà Nội có lẽ nên “đặc biệt” hơn một chút.
Bởi lẽ, không giống bất kỳ địa phương nào, Hà Nội là một đô thị đặc biệt, có cả một bộ Luật Thủ đô để điều chỉnh các lĩnh vực liên quan đến Hà Nội. Nhiều công việc Hà Nội quyết định không chỉ liên quan đến riêng Hà Nội mà còn tác động đối với nhiều tỉnh thành, với cả nước.
Nhưng dựa trên căn cứ nào để lựa chọn để tìm ra sự "đặc biệt" đối với nhân sự Chủ tịch Hà Nội? Nếu cứ căn cứ theo tiêu chí chung thì rất nhiều người có thể đáp ứng được yêu cầu. Xong nếu căn cứ vào kết quả công việc cụ thể ở vị trí mà người đó đã từng kinh qua, hoàn toàn có thể đưa ra lựa chọn khách quan.
Điều đó thể hiện ngay ở từng khâu có thể nhận diện được: ở cơ quan hay địa phương mà người đó từng công tác có đoàn kết hay xảy ra bè phái, lợi ích nhóm? Kinh tế nơi đó có phát triển, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi những gì từ những quyết sách mà họ thay mặt tập thể đưa ra? Họ đã từng đương đầu với những khó khăn, thử thách nào, đã dám hành động vì lợi ích chung ra sao, dám làm, dám chịu trách nhiệm những gì?
Về đạo đức lối sống, cũng không khó gì để có thể đánh giá được ngay: vợ con, nhà cửa của họ ra sao, có nhiều tài sản hay không? Họ có thực sự trọng dân, gần dân, học dân, trách nhiệm với dân hay không?...
Nói cách khác, đó phải là người có “liêm” và “sỉ”. Người có “liêm” thì sẽ không tham nhũng, tư lợi, vun vén cho gia đình, dòng họ, người thân quen, vây cánh. Người có “sỉ” sẽ không làm càn làm bậy vì họ biết hổ thẹn khi làm điều sai trái, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước.
Người vừa có “liêm”, vừa có “sỉ” sẽ là người luôn biết tự soi mình, biết chiến thắng bản thân, vượt qua cám dỗ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Người có “liêm” và “sỉ” là người biết thấm thía câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn là thành phố vì hoà bình với lịch sử ngàn năm văn hiến cùng rất nhiều truyền thống văn hoá, đạo đức có giá trị.
Bởi thế, người đứng đầu thành phố ngoài việc cần có năng lực vượt trội về trình độ quản trị, tầm nhìn về quy hoạch đô thị, còn phải có tầm nhìn về văn hoá và lịch sử, biết trân trọng giữ gìn và phát huy các di sản quý báu, thiêng liêng. Bởi chúng ta phát triển không chỉ cho chúng ta hôm nay, mà còn cho con cháu chúng ta mai sau.
Tác giả: Nguyễn Tiến Dĩnh (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ)
Nguồn tin: Báo Giao thông