Khác với các tiền lệ trước đây, bà Lan là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên, tính từ năm 1945 đến nay không có trình độ chuyên môn là bác sĩ hay dược sĩ. Bà có trình độ chuyên môn là thạc sỹ kinh tế và quá trình gắn bó lâu dài trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, trước khi trở thành Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Trong khi đó, những người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, kể từ năm 1945 đến nay, đều là những người có chuyên môn giỏi, như ông Nguyễn Thanh Long là giáo sư y học, tiến sỹ y khoa; còn bà Nguyễn Thị Kim Tiến là phó giáo sư, tiến sỹ y khoa.
Việc không có chuyên môn về y tế, chắc chắn sẽ tạo những khó khăn, thách thức nhất định cho quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nhất là trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến chuyên môn. Nhưng sự khác biệt về chuyên môn kinh tế cũng có thể sẽ giúp bà Lan kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc men và trang thiết bị y tế thời hậu “cơn bão Việt Á”; cũng như những giải pháp để tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống của nhân viên ngành Y tế.
Đặc biệt, nhiều ý kiến kỳ vọng, từ sự “ngoại đạo”, bà Lan sẽ có giải pháp để thúc đẩy tách bạch, hoặc hài hòa câu chuyện giữa quản lý và chuyên môn. Từ đó, những người thầy thuốc giỏi, bác sĩ giỏi an tâm làm công tác chuyên môn, thay vì “quay cuồng” với những quyết định mua sắm để rồi sa ngã trước những “viên đạn bọc tiền”.
Trong lần thảo luận tại Quốc hội mới đây về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nói rằng, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia áp dụng mô hình kiêm nhiệm quản lý chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện công… “Thử hình dung giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc vẫn đang bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B nào đó. Và ai cũng hiểu trong gói thầu, hợp đồng đó có vô số những lợi ích, cơ man mối quan hệ chằng chịt”, đại biểu Long nói và cho rằng: “Nếu không thắng nổi những cám dỗ, không xử lý được hết mối quan hệ đó thì chuyện vào tù là sớm hay muộn”.
Với Hà Nội, chiếc ghế Chủ tịch thành phố cũng bị bỏ trống sau khi ông Chu Ngọc Anh bị cách chức, khởi tố. Bộ Chính trị đã phân công ông Trần Sỹ Thanh, Tổng Kiểm toán Nhà nước giữ chức Phó Bí thư Thành ủy, giới thiệu để HĐND thành phố bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố thì chiếc ghế này cũng sẽ sớm có chủ trong một vài ngày tới.
Tuy nhiên, với hai đời Chủ tịch thành phố bị cách chức, xử lý hình sự, hơn lúc nào hết, người dân mong muốn tân Chủ tịch phải là người “sạch sẽ”. Cùng đó, tân Chủ tịch Hà Nội phải là người dám nghĩ, dám làm, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, từ đó sớm giải quyết được những điểm nghẽn của Thủ đô như ngập nước, tắc đường, giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện (đường Lê Văn Lương), chung cư cũ xuống cấp… Đặc biệt, Hà Nội đang tập trung xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, với số vốn hơn 85 nghìn tỷ đồng. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu hoàn thành sớm sẽ thúc đẩy kết nối giữa Hà Nội với Hưng Yên, Bắc Ninh, tạo ra một sự phát triển và bộ mặt mới về giao thông liên vùng.
|
Tác giả: V.K
Nguồn tin: Báo Tiền Phong