Pháp luật

Chiêu lừa tiền khó tin của ‘doanh nhân’ Trịnh Xuân Mạnh

"Doanh nhân”, Trịnh Xuân Mạnh mở công ty đa cấp để huy động vốn của nhiều người rồi chiếm đoạt tiền.

VKSND TP Cần Thơ vừa hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp để chuẩn bị xét xử Trịnh Xuân Mạnh (39 tuổi, quê Bình Dương, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trịnh Xuân Mạnh được “ca tụng” là doanh nhân thành đạt, là CEO của một công ty lớn ở Hà Nội.

Trịnh Xuận Mạnh. Ảnh: Doanh nghiệp Việt Nam

Gắn mác doanh nhân

Theo cáo trạng của VKSND TP Cần Thơ, tháng 7/2016, Trịnh Xuân Mạnh thành lập công ty cổ phần thương mại đầu tư bất động sản RFIVN (công ty RFIVN).

Trong thời gian chờ xin giấy phép kinh doanh, công ty RFIVN đã mượn số tài khoản của công ty Thiên Ân do Lê Thị Thanh Thuỷ (vợ của Mạnh) làm Giám đốc để người tham gia đầu tư chuyển tiền vào.

Tháng 9/2016, Sở KH&ĐT TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công ty RFIVN (trụ sở trên đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 1, quận Tân Bình) với vốn điều lệ là 99 tỉ đồng. Cổ đông góp vốn có 3 người gồm: Trịnh Xuân Mạnh (Chủ tịch HĐQT), Lê Thị Thanh Thuỷ (Giám đốc) và Thiều Ngọc Sanh (thành viên góp vốn).

Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định, Thuỷ và Sang chỉ là người do Mạnh nhờ đứng tên thành viên trong công ty. Mọi hoạt động của công ty đều do Mạnh quản lý và chỉ đạo, mặt khác vốn điều lệ như nêu trên là ảo.

Cáo trạng cáo buộc, do có mối quen biết từ trước nên Mạnh đã thuê Nguyễn Hồng Minh làm cố vấn chiến lược cấp cao cho công ty của mình.

Ngoài ra, Mạnh còn thuê Nguyễn Trọng Luân (chưa xác định được nhân thân) thiết kế, quản lý website: rti-roy.com và thuê một số người khác làm kế toán trưởng, giám đốc tài chính, nhân viên chăm sóc khách hàng.

Thủ đoạn của Mạnh là dựng lên hình ảnh RFIVN là công ty đại diện cho các tập đoàn RFI của Mỹ tại Việt Nam chuyên đầu tư vào các dự án lớn về bất động sản; hay là công ty đa quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia nhiều dự án lớn của các tập đoàn như: Bitexco, dự án tàu điện ngầm tại TP HCM...nhằm tạo lòng tin với khách hàng đầu tư để huy động vốn rồi chiếm đoạt.

Qua đó, Mạnh và Minh tổ chức các cuộc hội thảo nhằm khuếch trương hình ảnh của công ty để kêu gọi nhiều người tham gia ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác kinh doanh bằng hình thức góp vốn đầu tư để được chia lợi nhuận, với lãi suất cao.

Người đầu tư muốn trở thành cổ đông của công ty RFIVN phải ký hợp đồng góp vốn ít nhất 1.000 USD. Trong đó phí duy trì tài khoản 10 USD. Sau đó, người đầu tư được cấp tài khoản ID, được trả tiền vốn và lãi theo hợp đồng góp vốn thông qua tài khoản của ngân hàng.

Nếu đầu tư 1.000 USD trong 3 năm 9 tháng tương đương 1.365 ngày thì người góp vốn sẽ nhận được số tiền 2.987 USD. Sau 7 ngày người đầu tư quyết định tham gia sẽ ký hợp đồng với công ty và hình thức trả vốn sẽ chia ra làm 3 giai đoạn.

Đối với những ai giới thiệu thêm được người đầu tư vào công ty, Mạnh sẽ cho hưởng 5% trên tổng số tiền giới thiệu đầu tư và 0,25% trên tiền hoa hồng khi giới thiệu thêm người mới đầu tư. Bên cạnh đó, Mạnh đưa ra mức thưởng cho các người đầu tư bằng cách tặng 1 chỉ vàng SJC cho người nào đầu tư từ 3 - 5 ID và tặng xe ô tô cho ai giới thiệu được 1.000 ID.

Bị can Trịnh Xuân Mạnh bị bắt giam từ tháng 4/2017 đến nay

Để người đầu tư tin tưởng, Mạnh còn mở thêm 4 chi nhánh ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam và miền Tây. Qua điều tra xác minh, công ty RFIVN không phải là công ty đa quốc gia, không tham gia vào những dự án như Mạnh nói và hoàn toàn không kinh doanh bất cứ gì để sinh ra lợi nhuận.

Mục đích của Mạnh là kêu gọi nhiều người dân góp vốn, với lãi suất cao. Lấy tiền của người đầu tư sau để trả cho người đầu tư trước. Sau khi thu hút nhiều người đầu tư thì Mạnh sẽ chiếm đoạt số tiền của họ.

Đối diện án chung thân

Tại chi nhánh miền Tây, thông qua mối quan hệ, tháng 7/2016, Mạnh mời ông Huỳnh Kim Thống về làm GĐ chi nhánh và tặng 1 ID tương đương số tiền hơn 22 triệu đồng để cùng đầu tư.

Sau khi bàn bạc, Mạnh và ông Thống thống nhất thuê nhà trên đường Phạm Ngọc Thạch (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để mở văn phòng chi nhánh miền Tây.

3 tháng sau, chi nhánh miền Tây khai trương, tổ chức hội thảo kêu gọi người đầu tư góp vốn vào công ty.

Tuy nhiên, bất ngờ là 5 ngày sau đó giữa Mạnh và ông Thống xảy ra mâu thuẫn nên Thống không làm cho RFIVN nữa. Lúc này, bà Trần Ngọc Trang được Mạnh bổ nhiệm làm GĐ chi nhánh.

“Quá trình điều tra xác định có 25 người tham gia đầu tư vào công ty RFIVN chi nhánh miền Tây. Tuy nhiên, chỉ có 14 người yêu cầu xử lý hình sự đối với Mạnh...", cáo trạng nêu và cho biết, trong 14 bị hại này đa phần quê ở An Giang, số còn lại ở Cà Mau, Sóc Trăng và TP Cần Thơ.

Trong đó, người tham gia mua ID nhiều nhất là hơn 134 triệu đồng, nhưng chỉ được công ty của Mạnh chi trả hơn 37 triệu đồng, số còn lại bị chiếm đoạt.

Theo cáo trạng, tổng số tiền mà 14 người nói trên tham gia đầu tư vào công ty của Mạnh ở miền Tây là hơn 672 triệu đồng, trong đó “doanh nhân” đa cấp này đã chiếm đoạt hơn 531 triệu đồng.

Cơ quan điều tra xác định, Mạnh không bàn bạc với vợ về cách thức kinh doanh, kế hoạch phát triển công ty…chỉ nhờ bà Thuỷ đứng tên đại diện pháp luật thành lập công ty RFIVN.

Mọi hoạt động còn lại đều do Mạnh chỉ đạo, vì vậy chưa đủ căn cứ xác định bà Thuỷ giúp sức để chồng chiếm đoạt tiền của người khác.

Những người còn lại, cơ quan chức năng cũng xác định họ không biết về công ty RFIVN hoặc chỉ là nhân viên làm theo sự chỉ đạo của Mạnh. Riêng đối với Nguyễn Hồng Minh, hiện cơ quan CSĐT chưa xác minh được nhân thân để điều tra, làm rõ.

Theo cáo trạng, Trịnh Xuân Mạnh bị cáo buộc phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999. Trong đó, Trịnh Xuân Mạnh đối diện mức án từ 12 -20 năm hoặc tù chung thân.

Tác giả: Hoài Thanh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP