Trong nước

Chết thảm trong cơn 'khát' vàng ở vùng cao Quảng Ngãi

Từ lời đồn thổi một số cá nhân trúng đậm vàng, hơn 10 năm qua, hàng nghìn lượt người đổ xô về vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) tìm cơ hội đổi đời. Cái giá phải có khi là tính mạng.

Hơn 10 năm hành nghề phu vàng ở vùng cao Quảng Ngãi, anh Đinh Văn Thanh (ngụ xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà) thổ lộ, mỗi lần nghe tin có người trúng đậm vàng ở đồi núi trên địa bàn tỉnh là rời nhà đến nơi ấy tham gia đội quân đào vàng để thoát nghèo.

Cổ thụ đè chết giữa hầm vàng

Tháng 7/2014, nghe tin nhóm của ông Minh (ngụ cùng quê) đào đãi ở khu vực suối Đỏ trúng 1,4 kg vàng, anh Thanh cùng nhóm thanh niên tạm gác việc nương rẫy cấp tốc về vùng cao Tây Trà tìm kiếm vận may.


Hàng trăm phu vàng tháo chạy khi có người tử nạn do sập hầm ở suối Tà Veo, huyện vùng cao Tây Trà. Ảnh: Minh Hoàng.

Nhóm anh Thanh đi xe máy vượt hàng chục cây số đến xã Trà Xinh (huyện Tây Trà), sau đó chia từng tốp nhỏ đi bộ vượt núi đến suối Tà Veo để đào, đãi vàng. Do không thuộc địa bàn, các nhóm bị lạc trong rừng, càng cố vượt lên phía trước thì càng mất phương hướng.

"Lúc ấy ai cũng hốt hoảng lo sợ, may mà có tấm bạt dựng lều ngủ, lương thực mang theo ăn lót dạ. Đêm về 3 anh em gom củi đốt lửa sưởi ấm. Sang ngày thứ tư, chúng tôi gặp người đi rừng hỏi thì mới biết mình đang bị lạc ở xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)", anh Thanh thuật lại.

Tương tự anh Thanh, nghe tin có người trúng đậm vàng ở huyện vùng cao Tây Trà, ông Đinh Văn Rua (ngụ xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà) cùng nhóm thanh niên địa phương chuẩn bị xà beng, xẻng, mâm sắt đãi vàng, lều bạt, lương thực đi tìm "lộc trời". Lúc đầu vào rừng, ông cùng nhóm thanh niên ai cũng hăm hở, vượt qua 2 quả đồi thì lạc mất nhau. Càng bước đi, họ càng đi sâu vào rừng rậm dây leo chằng chịt.

"Lúc ấy ai cũng sợ lạc lâu ngày, lương thực mang theo hết thì không chết rét cũng chết đói. Sau 3 ngày lội suối, băng rừng, chúng tôi tìm được lối mòn dẫn xuống núi trở về nhà trong tình trạng phờ phạc kiệt sức, quần áo rách nát", ông Rua kể. "Vàng đâu không thấy chỉ thấy vàng mắt, vàng da. May mà còn mạng sống về với vợ, con", ông nói tiếp.

Từng ngang dọc đào, đãi vàng ở huyện vùng cao Tây Trà, ông Hồ Văn Lành (ngụ xã Trà Quân) không quên cảnh tượng anh Đinh Văn Sô (39 tuổi) tử nạn dưới đống đất đá cùng cây cổ thụ đè trong lúc đào hầm khai thác vàng ở suối Tà Veo vào tháng 7/2014.

"Trong lúc ai cũng hì hục đào đãi thì nghe tiếng đất đá đổ ầm ầm rồi cổ thụ đổ xuống đè ngang người, anh Sô chết tại chỗ, một thanh niên khác gãy chân. Chứng kiến cảnh tượng này, hàng trăm phu vàng nháo nhào tháo dỡ lán trại, bỏ chạy ra khỏi rừng", ông Lành nói.

Thi thể của anh Sô được nhóm phu vàng cùng quê khiêng bằng võng, băng rừng xuống núi. Người bị thương được đưa đến Trung tâm y tế huyện Tây Trà để đưa đi cấp cứu ngay trong đêm.


Đỉnh Cà Nhút (xã Trà Quân, huyện Tây Trà) tan hoang vì vàng tặc. Ảnh: Minh Hoàng.

Đào bới mồ mả tìm vận may

Cơn sốt đào, đãi vàng ở huyện vùng cao Tây Trà bắt đầu rộ lên từ năm 2007. Suốt 10 năm qua, dù cơ quan chức năng Quảng Ngãi nhiều lần truy quét, đẩy đuổi thế nhưng đến nay vẫn chưa dẹp dứt điểm nạn "vàng tặc".

Ông Hồ Hoàng Thái, Chủ tịch HĐND huyện Tây Trà cho biết, từ năm 2013 đến nay, tình trạng đào đãi vàng trái phép diễn ra ở nhiều điểm, có trường hợp chống đối làm bị thương lực lượng chức năng xã Trà Quân, Trà Thanh. Riêng ở xã Trà Khê, người dân còn đào khoáng sản dồn vào bao, đưa lên xe tải lén lút chở vào ban đêm, tập kết đến nơi khác để đãi vàng.

Theo ông Thái, đỉnh Cà Nhút (thôn Trà Ong, xã Trà Quân) trước đây dày đặc cổ thụ, nên dân làng chọn làm nơi chôn cất người thân. Tuy nhiên những năm qua, trong cơn sốt tìm vàng, nhiều nhóm người ở khắp nơi đổ về cày xới, lật tung mồ mả, phá tan hoang rừng cổ thụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. "Vàng tặc" dựng hàng chục lán trại ngụy trang che khuất miệng hầm xuyên lòng núi giống địa đạo để đãi vàng trái phép.

Theo lãnh đạo Công an huyện Tây Trà, việc các phu vàng khoét núi đào hầm tàn phá rừng đầu nguồn, xâm phạm mồ mả của gia đình đồng bào thiểu số ở xã Trà Quân là có thể khởi tố, xử lý hình sự. Nhưng do địa hình rừng núi hiểm trở (cách trung tâm xã 4 giờ đi bộ), mỗi lần cơ quan chức năng tổ chức truy quét là họ bỏ trốn vào rừng sâu nên khó xử lý.


Nhiều người trong cơn khát vàng đã đi lạc giữa rừng đối mặt với đói rét. Ảnh: Minh Hoàng.

Thống kê của Công an huyện Tây Trà, từ năm 2013 đến nay trên địa bàn có ít nhất 3 người chết do sập hầm vàng, cây rừng đè. Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ tổ chức gần 80 lượt truy quét "vàng tặc", tiêu hủy hàng chục lán trại cùng nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ đào đãi vàng; tạm giữ hơn 100 xe máy, xử lý hành chính 65 phu vàng.

Trao đổi với Zing.vn, thượng tá Đỗ Phi Hùng - Trưởng Công an huyện Tây Trà lo ngại, dù lực lượng công binh đã sử dụng hơn 1,1 tấn thuốc nổ đánh sập hàng chục hầm vàng ở các xã Trà Quân và Trà Thanh vào năm ngoái nhưng từ tháng 4 đến nay một số nhóm "vàng tặc" vẫn lén lút quay trở lại nơi đây đào hầm khai thác trái phép.

Tác giả bài viết: Minh Hoàng

Nguồn tin:

  Từ khóa: cá nhân ,quảng ngãi ,cơ hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP