Thế giới

Châu Âu tin Trung Quốc sẽ "vượt mặt" Mỹ

Kết quả khảo sát cho thấy 60% người châu Âu tin rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong 10 năm tới và trở thành quốc gia lớn mạnh hàng đầu thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty)

Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) đã tiến hành cuộc khảo sát với 15.000 người từ 11 quốc gia. Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 19/1, 6/10 người tham gia khảo sát cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia lớn mạnh hơn Mỹ trong 10 năm tới.

"Cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy thái độ của người châu Âu với Mỹ đã thay đổi rất nhiều. Phần lớn các quốc gia thành viên chủ chốt giờ đều cho rằng hệ thống chính trị Mỹ đã bị phá vỡ, và Trung Quốc sẽ lớn mạnh hơn Mỹ trong 10 năm tới, và châu Âu không thể dựa vào Mỹ để bảo vệ họ", báo cáo của ECFR cho biết.

Cuộc khảo sát có tên gọi "Khủng hoảng quyền lực Mỹ: Châu Âu nhìn nhận Mỹ dưới thời Biden như thế nào", được thực hiện vào tháng 11 và 12 năm ngoái tại 11 quốc gia, sau khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đánh bại đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.

53% số người tham gia khảo sát tin rằng chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử Mỹ sẽ tạo ra sự khác biệt tích cực đối với đất nước của họ, trong khi 57% cho rằng chính quyền của ông Biden sẽ mang lại lợi ích cho Liên minh châu Âu (EU). Phần lớn số người tham gia khảo sát cũng tin rằng EU nên tự chủ hơn khi đối phó với Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn đàm phán cuối cùng của việc ký kết Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI), bất chấp những lời kêu gọi từ Tổng thống Joe Biden về việc cần thận trọng hơn. Giới phê bình nhận định thỏa thuận này làm tổn hại các giá trị của châu Âu, khi giải quyết các thách thức trong vấn đề Hong Kong và Tân Cương của Trung Quốc.

Một câu hỏi "địa chính trị" quan trọng được đặt ra là liệu các chính sách của Tổng thống Biden có làm thay đổi bản chất của quan hệ Trung - Mỹ, cũng như liên minh truyền thống xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU sau khi chúng bị tổn hại nghiêm trọng dưới thời Tổng thống Trump hay không.

Mặc dù ông Biden kêu gọi Mỹ và châu Âu thành lập "mặt trận chung" chống Trung Quốc, nhưng khảo sát cho thấy công chúng châu Âu có thể sẽ trở thành thách thức trong việc hình thành bất kỳ liên minh địa chính trị nào.

"Cảm thấy lo ngại trước những hoài nghi về Mỹ cũng như bị ảnh hưởng từ chính sách chỉ ưu tiên lợi ích quốc gia của ông Trump, nhiều người châu Âu bắt đầu thay đổi suy nghĩ về bản chất của liên minh xuyên Đại Tây Dương", báo cáo của ECFR nhận định.

Khi được hỏi họ muốn quốc gia của họ sẽ làm gì nếu Mỹ vướng vào một cuộc xung đột, đa số người được hỏi từ 11 quốc gia nói rằng họ thích ở vị trí trung lập. 11 quốc gia được khảo sát gồm Đan Mạch, Pháp, Anh, Đức, Hungary, Italy, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Ngay cả tại Đan Mạch và Ba Lan, hai nước có số người tham gia khảo sát ngả về Mỹ nhiều hơn, phần lớn những người được hỏi nói rằng họ muốn quốc gia của mình trung lập trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Tỷ lệ những người muốn quốc gia của mình ngả về Trung Quốc vẫn ở mức thấp, chỉ dưới 10%.

"Điều này phản ánh thực tế rằng, mặc dù cả châu Âu và Mỹ đều siết chặt cách tiếp cận với Trung Quốc, nhưng mục tiêu dài hạn của họ vẫn có sự khác biệt. Trong khi Mỹ muốn tách rời và kiềm chế Trung Quốc, châu Âu (nhất là Đức) vẫn hy vọng có thể đưa Trung Quốc trở lại hệ thống dựa trên luật lệ. Châu Âu không ủng hộ Trung Quốc. Nhưng châu Âu dường như muốn đi theo con đường riêng hơn là đi theo chính sách đối phó Trung Quốc của Mỹ", báo cáo nhận định.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP