Giáo dục

Chán quá mẹ ơi, hôm nào cô có chuyện buồn là cả lớp phải chịu trận!

Ai cũng có lúc vui buồn nhưng giáo viên nên biết kiềm chế cảm xúc của mình. Đừng để nỗi buồn làm ảnh hưởng đến việc giảng dạy mà trút giận nên học sinh.

LTS: Từ câu chuyện trong lớp của con gái mình, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ quan điểm về việc giáo viên không nên để việc riêng ảnh hưởng đến tâm trạng khi đứng lớp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Cô con gái đi học về phụng phịu “Chán quá mẹ ơi! Hôm nào cô con có chuyện buồn ở nhà là cả lớp phải chịu trận, cứ như tụi con là cái bao để cô trút giận ấy”.

Thắc mắc, tôi hỏi con “Nhưng sao con biết cô con có chuyện buồn ở nhà? Hay tại tụi con lì lợm không nghe lời, cô mới bực như thế?”

Nghe vậy, con giãy nảy “Cô vừa bước chân vào lớp đã có vẻ mặt không vui. Những lúc ấy, tụi con đều sợ xanh mặt”.

Thôi thì có đủ cách để cô trút giận như gọi kiểm tra bài cũ cả chục bạn, ghi vào sổ đầu bài, hạ điểm thi đua của lớp, chửi cả tiết học hoặc cô ngồi im không dạy nữa.

Nhiều thầy cô mang nỗi buồn lên lớp rồi trút giận vào học trò. (Ảnh minh họa, nguồn: Tuoitre.vn)
Rồi con kể “Khi cô kiểm tra bài cũ, có bạn thuộc bài ấp úng, nếu như bình thường có khi cô còn gợi ý cho trả lời tiếp.

Nhưng hôm đó, vì cô đang bực mình chỉ cần ấp úng vài câu là “Không thuộc bài đúng không? Một điểm! Mời anh (chị) về chỗ!”

Thế rồi, cô cứ gọi hết bạn này đến bạn khác. Nhiều bạn thuộc bài nhưng thấy thái độ của cô như vậy, sợ quá nên cũng quên tuốt luốt.

Thế rồi, cô càng giận, càng kiểm tra nhiều hơn. Hôm ấy, lớp con sổ đầu bài không còn chỗ để ghi tên các bạn nữa.

Lần khác, cô đang giảng bài chỉ một bạn vô ý nói chuyện riêng, thay vì nhắc nhở xong rồi thôi.

Nhưng do tâm trạng cô không vui, có khi cô đuổi thẳng học sinh ấy ra khỏi lớp với thái độ vô cùng gay gắt:

“Anh (chị) ra khỏi lớp tôi ngay. Nếu không có phụ huynh lên gặp tôi thì từ lần sau trong lớp học có tôi sẽ không có anh (chị).

Có hôm cô không dạy nữa và đứng và chửi nguyên cả một tiết học. Chửi chuyện nọ, sọ sang chuyện kia, nhiều khi lôi cả những chuyện đã xảy ra từ hồi “xa lơ xa lắc”.

Những lúc như thế, tụi con chỉ biết cúi đầu chịu trận chứ biết làm sao. Hình như đó chỉ là cái cớ để cô trút đi những cơn tức giận trong lòng.

Lại có lần, cô không chửi cả lớp nhưng nói lời buông xuôi “Mấy anh chị muốn làm gì thì làm, tôi không quản nữa”.

Rồi cô ngồi lặng yên trên bục giảng nói cả lớp mang sách giáo khoa ra tự học. Hình như cô khóc vì con thấy mắt cô đỏ hoe”.

Do có mối quan hệ với một số giáo viên trong trường con học, qua tìm hiểu, tôi được biết gia đình cô giáo của con sống không hạnh phúc.

Đã thế, con cô còn nhỏ lại hay bệnh tật nên tâm trạng của cô lên trường nhiều hôm không được vui. Nhưng chẳng lẽ vì thế, cô lại trút giận lên đầu những học sinh vô tội?

Nghề giáo có đặc thù khác với nhiều ngành nghề khác. Thầy cô giáo luôn là hình mẫu để học sinh nhìn vào noi theo.

Bởi thế, từ phong thái, cách ăn nói của thầy cô cũng tác động rất lớn đến các em học sinh.

Khi tâm trạng thầy cô bực bội, nóng giận thì lời nói sẽ mất đi sự chuẩn mực và người chịu nhiều thiệt thòi nhất chính là các em học sinh.

Chưa nói đến việc, chỉ khi tâm trạng vui tươi thoải mái, thầy cô mới có thể thăng hoa trong từng bài giảng của mình.

Giáo viên cũng đã học nhiều về tâm lý, về kĩ năng giao tiếp trong môi trường sư phạm.

Thầy cô phải biết tiết chế những cảm xúc của mình, biết giấu đi những nỗi buồn, niềm đau để đến trường với tâm trạng thật tươi vui, thoải mái.

Mọi sự buồn bực không vui đều phải được để ngoài cửa lớp. Được như vậy mới không có những tiết học buồn như câu chuyện kể của con.

Tác giả bài viết: Phan Tuyết

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP