Trong nước

Cảnh sát giao thông mặc thường phục, hóa trang có nhiệm vụ gì?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Cục Cảnh sát giao thông) giải thích một số băn khoăn của người dân xung quanh điều lệnh, biện pháp hóa trang của cảnh sát giao thông.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông - Ảnh: H.Q.

Thông tư 65/2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình tuần tra, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông có hiệu lực từ ngày 15-9.

Thông tư quy định cảnh sát giao thông được mặc thường phục, hóa trang để phát hiện, xử lý vi phạm. Nhiều người dân bày tỏ băn khoăn về việc này, trong đó có thể có một số người có thể giả danh cán bộ làm nhiệm vụ để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Giải thích về băn khoăn này, đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông - cho biết:

- Chúng tôi đã có những quy định chặt chẽ, cụ thể. Lực lượng cảnh sát giao thông hóa trang khi đi làm phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, được cấp thẩm quyền phê duyệt. Cảnh sát giao thông hóa trang phải phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai.

Đồng thời chỉ có nhiệm vụ là sử dụng kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Khi phát hiện, cảnh sát giao thông hóa trang không trực tiếp xử lý vi phạm mà phải thông báo ngay cho lực lượng cảnh sát giao thông công khai để dừng xe và xử lý.

Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm thì cảnh sát giao thông hóa trang phải sử dụng giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.

* Vì sao thông tư 32/2023 không còn quy định lực lượng chức năng thông báo công khai các kế hoạch tuần tra, kiểm soát thưa ông?

- Thông tư 32/2023 quy định không thông báo kế hoạch tuần tra kiểm soát bởi một số lý do. Thứ nhất, thông tư đã quy định rõ tuyến địa bàn được tuần tra kiểm soát. Thể hiện rõ Cục Cảnh sát giao thông, phòng Cảnh sát giao thông và công an các cấp được tuần tra trên những tuyến đường nào. Qua đó cung cấp thông tin cho người dân nắm bắt, giám sát.

Thứ hai, quy trình công tác của lực lượng cảnh sát giao thông đã được công khai. Tuy nhiên trong kế hoạch tuần tra kiểm soát là mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, có nhiều nội dung nằm ngoài công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm. Do vậy cần giữ kín để đảm bảo bí mật công tác, tránh việc tội phạm lợi dụng.

Đồng thời người dân vẫn có quyền giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh việc cần phân biệt rõ giữa việc kiểm tra và giám sát. Thời gian qua một số người vi phạm có phản ứng rằng "cảnh sát giao thông phải cho tôi xem chuyên đề, kế hoạch".

Tuy nhiên phải khẳng định thẩm quyền kiểm tra phải được thực hiện bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đối với người dân, họ có quyền giám sát, nắm bắt quan sát những biểu hiện ra bên ngoài. Việc này được thực hiện trực tiếp, thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình, báo chí...

Cảnh sát giao thông hóa trang trước khi đi làm nhiệm vụ - Ảnh: HỒNG QUANG

* Một trong những nội dung khác biệt so với thông tư 65/2020 hiện nay đó là quy định về điều lệnh của cán bộ cảnh sát giao thông khi tiếp xúc với lái xe. Nhiều người bày tỏ băn khoăn và thắc mắc về việc không yêu cầu cảnh sát giao thông nói lời chào với người lái xe? Vì sao có quy định này và điều này được hiểu ra sao?

- Thông tư 65/2020 trước đây quy định cảnh sát giao thông phải chào bằng lời nói: "Chào ông, bà, anh, chị...". Và sau khi chào không phải nói "Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông". Đồng thời cảnh sát giao thông phải nói lời "Cảm ơn ông, bà, anh, chị... đã hợp tác với lực lượng cảnh sát giao thông để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông".

Thông tư 32/2023 mới không còn quy định điều này, tuy nhiên vẫn yêu cầu cán bộ, chiến sĩ chào theo điều lệnh công an nhân dân với tài xế.

Việc chào theo điều lệnh thể hiện lễ tiết, tác phong của lực lượng cảnh sát giao thông với người lái xe. Không có chuyện quy định cảnh sát giao thông không phải chào người dân như một số luồng thông tin lan truyền, hiểu sai.

* Việc người dân được xuất trình VNeID khi cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ sẽ được hiểu như thế nào? Đồng thời lộ trình liên thông giấy tờ sẽ được thực hiện ra sao?

- Thực hiện đề án 06 và nghị định 59/2022 về định danh và xác thực điện tử, thông tư cũng bổ sung quy định nội dung kiểm soát đối với các trường hợp giấy tờ đã được tích hợp vào tải khoản định danh điện tử.

Khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng giấy tờ (của xe và tài xế) thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó có trong các tài khoản định danh điện tử sẽ có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.

Đây là nút mở của thông tư, hiện nay chúng ta đang thực hiện từng bước, phù hợp với tiến độ liên thông dữ liệu.

Tác giả: HỒNG QUANG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP