Trong tỉnh

Cần sớm nâng cao năng lực xét nghiệm phòng bệnh tại Nghệ An

Thời gian qua, hoạt động xét nghiệm SARS-CoV-2 phòng chống dịch COVID-19 của Nghệ An đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, thành quả này chưa thực sự bền vững cũng như năng lực xét nghiệm phòng chống dịch bệnh ở Nghệ An vẫn chưa thực sự đảm bảo khi thiếu các trang thiết bị cần thiết.

Từ không đến... có

Ngày 18/8/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1027 về việc cấp giấy chứng nhận năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An).

Trước khi có quyết định này, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã tổ chức kiểm tra, đánh giá kỹ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR của đơn vị.

Việc được cấp giấy chứng nhận năng lực xét nghiệm đã cho thấy rõ trình độ, năng lực, sự tiến bộ của CDC Nghệ An.

Các kỹ thuật viên sẽ xử lý mẫu trong tủ an toàn sinh học cấp 2. Sau khi phá vỡ màng tế bào loại bỏ nguy cơ lây nhiễm, mẫu tiếp tục được tách chiết,... để thu ARN.

Trước khi được Viện Vệ sinh dịch tễ TW cấp giấy chứng nhận, ít ai biết rằng CDC Nghệ An đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trong công tác xét nghiệm SARS-CoV-2.

Trong giai đoạn 1 của cuộc chiến chống COVID-19, do không có các máy móc trang thiết bị cần thiết, hoạt động xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ở Nghệ An hoàn toàn phụ thuộc vào Viện Vệ sinh dịch tễ TW và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW 2. Mỗi khi lấy mẫu bệnh phẩm xong, CDC Nghệ An lại chuyên chở ra Hà Nội để nhờ 2 đơn vị trên thực hiện giúp.

Khắc phục khó khăn này, tỉnh Nghệ An, ngành y tế đã phải nhờ Bộ Y tế giúp đỡ và huy động máy móc ở các bệnh viện để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, thực hiện được xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay tại địa phương.

Tiếp đó, CDC Nghệ An lại có thêm máy xét nghiệm COVID-19 (loại rất nhỏ) do Tập đoàn Vingroup tài trợ Bộ Y tế chuyển giao; được hãng sản xuất máy xét nghiệm cho mượn và doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng phòng xét nghiệm áp lực âm.

Trong giai đoạn 2 và 3 của cuộc chiến phòng chống dịch, Nghệ An đã đảm bảo được việc tự xét nghiệm SARS-CoV-2 với công suất tối đa 500 mẫu/ngày.

Thành quả trên của CDC Nghệ An là rất đáng ghi nhận, biểu dương.

Nhưng cũng phải nói rằng: Thành quả này đang thiếu bền vững cũng như công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 của Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn và thử thách... Trước hết, về mặt khó khăn: Thứ nhất, lượng người về từ vùng dịch thuộc diện phải cách ly tập trung là không thể dự đoán được. Thứ hai, khi CDC Nghệ An được phép xét nghiệm khẳng định thì đồng nghĩa đơn vị phải đảm nhiệm thêm việc xét nghiệm cho người xuất cảnh - Đây cũng là con số chưa thể ước lượng, dẫn đến việc định lượng số lượng cũng khó khăn, khó điều chỉnh mua sinh phẩm xét nghiệm trong khi nguồn lực của địa phương có hạn và cần sự tính toán chi tiết, rõ ràng theo kế hoạch.

Khó khăn nữa là: Hiện nay, theo yêu cầu của Bộ Y tế, việc xét nghiệm cho những người về khu cách ly tập trung cần thực hiện sát ngày hoàn thành nghĩa vụ cách ly 14 ngày. Trong khi đó, lượng người về các khu cách ly thường lẻ tẻ, không ổn định; chưa kể hàng chục, hàng trăm vụ việc bất ngờ khác xảy ra, đòi hỏi CDC Nghệ An phải đáp ứng tức thời... Tất cả đã tạo nên 1 áp lực công việc liên tục, căng thẳng lên đội ngũ cán bộ y tế làm xét nghiệm.

Đòi hỏi sớm nâng cao năng lực

Theo BS. Phạm Đình Du - Phó Giám đốc CDC Nghệ An: Hiện nay, nhân lực của Khoa Xét nghiệm của CDC Nghệ An được đánh giá có năng lực tốt. 10 cán bộ vi sinh xét nghiệm được cấp chứng chỉ đào tạo của Bộ Y tế; 4 người còn lại được đào tạo tại chỗ đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ.

Thách thức lớn nhất trong công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 nói riêng và xét nghiệm phòng chống dịch bệnh nói chung của CDC Nghệ An vẫn là thiếu trang thiết bị xét nghiệm.

Sau một thời gian dài cho mượn máy xét nghiệm SARS-CoV-2, hãng sản xuất Abbott đã có văn bản thu hồi máy.

Ngoài xét nghiệm SARS-CoV-2, Khoa Xét nghiệm CDC Nghệ An còn đang thực hiện xét nghiệm nhiều mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn khác như sốt xuất huyết, viêm màng não, sởi, HIV, sốt rét ký sinh trùng...

Ngoài ra, Khoa còn đảm đương xét nghiệm mảng vệ sinh gồm vệ sinh an toàn thực phẩm, nước và môi trường, chẩn đoán hình ảnh chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tuy nhiên, đại đa số trang thiết bị ở đây sau thời gian dài sử dụng đều đã cũ, xuống cấp.

Trong khi đó, CDC Nghệ An là đơn vị sự nghiệp, không có nguồn thu nên kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành, kiểm định hàng năm hạn chế.

Và cũng do thiếu trang thiết bị nên CDC Nghệ An cũng chưa thể thực hiện xét nghiệm mảng độc chất công nghiệp - rất quan trọng trong việc đánh giá môi trường.

Mong rằng các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ để CDC Nghệ An sớm có thiết bị mới, dần nâng cao chất lượng, trở thành phòng xét nghiệm mạnh của khu vực Bắc Trung Bộ.

Việc nâng cao năng lực xét nghiệm là yêu cầu bắt buộc khi mà trong cuộc chiến phòng chống COVID-19 vẫn chưa có hồi kết.

Tác giả: Từ Thành - Thanh Sơn

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP