Tròn 2 năm trước, người hâm mộ bóng đá Việt Nam xôn xao trước thông tin, một thủ môn Việt kiều Nga tên là Đặng Văn Lâm viết thư trực tiếp cho HLV trưởng ĐT Việt Nam khi đó, là ông Toshiya Miura, bày tỏ nguyện vọng được cống hiến trong màu áo đội tuyển quốc gia.
Cụ thể, Lâm “Tây” muốn được cùng U23 Việt Nam dự SEA Games 28. Nhà cầm quân người Nhật sau đó đồng ý cho thủ môn này thử việc. Nhưng đúng như dự đoán, anh không thuyết phục được ông Miura và đành trở lại nước Nga. Dù vậy, chuyến trở lại Việt Nam này cũng là bước ngoặt quan trọng với Văn Lâm, khi anh được Hải Phòng tạo cơ hội với một suất bắt dự bị ở V-League.
Quyết tâm chứng minh năng lực của mình, chàng trai sinh năm 1993 và cao tới 1m94 này lao vào khổ luyện. Những ngày mướt mải mồ hôi trên sân tập cuối cùng cũng giúp Văn Lâm gặt hái thành quả, khi chiếm vị trí số 1 tại sân Lạch Tray và hơn tất cả, được HLV Hữu Thắng để ý tới trong danh sách tập trung ĐTQG.
Chưa dừng lại ở đó, trong lần duy nhất được xếp bắt chính, khi ĐT Việt Nam tiếp ĐT Jordan trên sân Thống Nhất ở vòng loại Asian Cup 2019 vừa qua, Văn Lâm đã bắt rất hay, liên tục có những pha cứu thua xuất thần, làm nản lòng các chân sút của đội khách. Phong độ cao của Lâm “Tây” đã đóng góp rất lớn vào trận hòa 0-0 của ĐT Việt Nam trước đội bóng được đánh giá cao hơn.
Không chỉ có chiều cao vượt trội, Văn Lâm còn cho thấy khả năng đọc tình huống tốt cũng như phản xạ tuyệt vời. Từ trước tới nay, thủ môn vẫn luôn là điểm yếu cố hữu của ĐT Việt Nam, nhất là trong những tình huống phòng ngự trên không. Nhưng Văn Lâm đã tạm xua tan đi nỗi lo này, bằng sự ra vào hợp lý, cùng chiều cao lý tưởng và sải tay dài đủ để luôn chiếm lợi thế trước bất cứ đối thủ nào.
Tuy nhiên, Văn Lâm vẫn cần thêm thời gian và cả những thử thách lớn hơn để chứng minh những phẩm chất còn tiềm ẩn, nhưng ở tuổi 24, tương lai của anh đang ở phía trước.
Sự tỏa sáng nhờ kiên trì khổ luyện của Văn Lâm cũng sẽ là bài học lớn với những cầu thủ Việt kiều hồi hương thử việc. Trong quá khứ, đã có nhiều cái tên về Việt Nam trong sự kỳ vọng, để rồi rơi rụng dần chỉ sau ít ngày. Đó là những Ludovic Casset, Toni Lê Hoàng, Emil Lê Giang, Michel Lê hay gần đây là Mạc Hồng Quân…
Trong số họ, có những người thực tài, có những người “chỉ là quảng cáo”, nhưng cùng có điểm chung là thất bại do không có được một môi trường thực sự tốt để phấn đấu vươn lên.
Theo thống kê, mỗi năm VFF nhận tới cả trăm hồ sơ của các cầu thủ Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới gửi về với mong muốn được thử việc, được cống hiến cho ĐTQG. Phải có sự chắt lọc, nhưng những nhà quản lý cũng cần có đôi tay rộng mở hơn để không bỏ phí những tài năng đặc biệt, mà trường hợp của Văn Lâm là một điển hình.
Tác giả bài viết: LÊ VINH
Nguồn tin: