Trong nước

Cán bộ cấp chiến lược tuyệt đối không được dính dáng đến tiêu cực

Trong bài viết: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ những phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn sắp tới. Trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Khám xét nhà ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - tối 28.8. Ảnh: Tùng Giang

Phẩm chất cán bộ không được đánh giá chung chung

Nêu những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc cần tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nêu 5 phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh việc cần tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.

Trao đổi với Lao Động về việc này, dẫn lại câu nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”, PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đề cập tới nhiều vấn đề rất sâu sắc và nêu nhiều phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước. Trong đó bài viết có nhắc tới công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.

Trước yêu cầu của sự phát triển đất nước, đặc biệt trước thềm Đại hội XIII của Đảng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng được yêu cầu là một nhiệm vụ rất lớn. Phân tích thêm về những tiêu chí, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược này, ông Phúc nhấn mạnh những tiêu chuẩn như: Đã là cán bộ cấp chiến lược phải có đạo đức cách mạng trong sáng, dĩ công vi thượng, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và Nhân dân, thực sự vì nước, vì dân. Cán bộ cấp chiến lược không được có biểu hiện gì dính dáng đến tham nhũng, lợi ích nhóm.

Ông Phúc cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng 4.0 đòi hỏi cán bộ cấp chiến lược phải am hiểu sâu sắc những vấn đề của thời đại, của quốc tế, nhận ra những thuận lợi, khó khăn một cách chủ động để suy nghĩ đường hướng cho đất nước mình, dân tộc mình.

Người làm công tác tổ chức phải có con mắt tinh tường

Liên quan tới công tác nhân sự trước thềm Đại hội Đảng XIII, PGS-TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết: Từ khoá XI, khoá XII, Đảng ta đã đưa ra một loạt các quy định, quy trình về công tác cán bộ, về lấy phiếu tín nhiệm, các quy định khác để ngày càng hoàn thiện hơn công tác cán bộ. Qua đó thẩm tra, sàng lọc, lựa chọn được cán bộ đủ tiêu chuẩn để giới thiệu, lựa chọn. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc thực hiện các quy định này để tránh chọn nhầm, chọn sai cán bộ.

Theo ông Quát, công tác cán bộ thực sự khó và nhạy cảm, đòi hỏi người làm công tác tổ chức phải có con mắt tinh tường; tổ chức phải dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn người đứng mũi chịu sào có bản lĩnh chính trị, đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, có uy tín. Bản lĩnh chính trị, năng lực, đạo đức của cán bộ không phải chỉ qua trường lớp đào tạo là đủ mà cần phải được rèn luyện, cọ xát từ thực tiễn cơ sở, từ cấp thấp cho đến cấp cao.

Nhắc tới lưu ý về một số biểu hiện liên quan tới “chạy chức, chạy quyền”, ông Đào Duy Quát cho rằng, việc đánh giá, lựa chọn cán bộ phải được thực hiện một cách toàn diện để có thể chọn đúng cán bộ. Điều quan trọng nhất phải dựa vào dân, dựa vào các chi bộ và phải đánh giá qua hiệu quả công việc.

Đào tạo, huấn luyện cán bộ phải từ cơ sở

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, muốn đào tạo được cán bộ thì phải làm tốt công tác quy hoạch cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ tốt sẽ chọn ra những người tài có đủ điều kiện, tiêu chuẩn rồi từ đó đào tạo, huấn luyện họ, cho họ xuống cơ sở để từ thực tế đó tiếp tục đánh giá sự cống hiến, tài năng, thực tiễn như thế nào, để từ đó có phương án tiếp theo. Ông Thưởng cũng nhấn mạnh, việc giám sát quyền lực phải được thực hiện tốt hơn nữa để sớm phát hiện khi có dấu hiệu vi phạm cần kịp thời uốn nắn, chỉnh đốn ngay.

Tác giả: VƯƠNG TRẦN - XUÂN HẢI

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP