Cuộc sống

Cãi nhau vì vợ nói giọng Nghệ An, không nói giọng Bắc

Bà nội ra trông con để mình đi làm. 2 vợ chồng ở với bà nội và chị gái mình. Lúc ăn cơm, mình và chị gái nói chuyện với nhau bằng tiếng Nghệ An, bất ngờ bị chồng phản đối kịch liệt.

Nguyễn Hoài Thu, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An bức xúc chia sẻ: Mọi hôm mình vẫn nói như vậy, không ai có ý kiến gì. Vậy mà hôm đó chồng bảo: "Em nói tiếng Bắc đi, nghe nói tiếng bản địa khó chịu quá", mình trả lời: "Em nói với mọi người thì có thể nói tiếng Bắc, nhưng nói với chị gái thì nói tiếng quê em cho dễ nghe hơn”.

Chỉ có vậy mà 2 vợ chồng lời qua tiếng lại, cãi nhau khá to, đã hơn 1 tuần trôi qua vẫn chưa hạ hoả được.

Mình rất ấm ức với cảm giác chồng và mẹ chồng xem thường giọng Nghệ An và họ không thích mình nói tiếng mẹ đẻ

Trước đây, 2 chị em nói tiếng Nghệ An với nhau, chồng không ý kiến, vì chồng hiểu hết. Nhưng giờ mẹ chồng thấy khó nghe, nên mới sinh chuyện nhắc chồng mình bảo vợ đừng nói tiếng Nghệ An trong nhà. Mình nghĩ yêu cầu này là vô lý, và không chấp nhận. Mình vẫn muốn nói thoải mái tiếng mẹ đẻ với chị gái và người thân nhà mình, dù là đang ở nhà chồng hay ở đâu.

Mình không thể thốt lên giọng Bắc với chị gái mình được. 2 vợ chồng mình rất khó chịu, đành nhờ mẹ chồng phân giải. Mẹ chồng bảo, chuyện 2 đứa tự giải quyết, nhưng bà vẫn nói: Tốt nhất, con nói được tiếng Bắc thì cứ nói lúc ở nhà, có người nhà chồng. Mẹ đẻ mình cũng biết chuyện, đã nhắc mình “thôi thì con nhập gia tuỳ tục”.

Mình nghe mẹ cũng nhịn, nhưng trong lòng rất ấm ức với cảm giác chồng, mẹ chồng xem thường giọng Nghệ An và họ không thích mình nói tiếng mẹ đẻ. Mỗi lúc 2 chị em mình gặp nhau, chia sẻ, nói giọng Bắc, mình và chị đều rất ngượng mồm, khó chịu. Mình phải làm sao để giải toả bức xúc này? Có ai rơi vào hoàn cảnh như mình không?

Tác giả: Bảo Vy

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP