Nhà đẹp

Cách lau dọn, bao sái bàn thờ trước Tết Quý Mão để đón tài lộc cả năm

Lau dọn bàn thờ, bao sái bát hương gia tiên cuối năm là việc làm quan trọng của nhiều gia đình Việt để bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ tới tổ tiên. Bên cạnh đó, đây cũng là việc mang lại ý nghĩa đặc biệt của gia chủ với mong muốn nhận được nhiều may mắn, tài lộc trong năm tới.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Theo văn hóa tâm linh, tập tục của người phương Đông, vào mỗi dịp cuối năm mỗi nhà lại tiến hành lau dọn, sắp xếp lại bàn thờ, rút tỉa chân hương (bao sái) để chuẩn bị đón năm mới, đón gia tiên về ăn tết để được phù hộ bình an, may mắn, hanh thông, vượng phát.

Theo phong tục của người Việt Nam, bàn thờ, bát hương là nơi để cắm hương thờ cúng Phật, các vị thần linh và ông bà tổ tiên. Trong quan niệm phong thủy, bàn thờ là nơi tụ khí của cả nhà, có ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của gia chủ và các thành viên trong gia đình.

Do đó, bàn thờ cần phải gọn gàng, sạch sẽ để có thể giữ được sự thanh tịnh, trang nghiêm, bày tỏ lòng thành kính với thần, Phật và tổ tiên. Việc bao sái bàn thờ, tỉa chân hương rất cần thiết, vì nếu để bát hương quá đầy sẽ làm cản trở việc khí lưu chuyển và ảnh hưởng rất lớn đến vận khí của gia chủ. Do vậy, gia chủ cần tỉa chân hương giúp bàn thờ phong quang, sạch sẽ.

Bên cạnh đó, bát hương đầy, ngoài việc khó cắm hương, còn có thể ảnh hưởng tới việc kết nối với thế giới tâm linh. Đồng thời, chân hương nhiều khiến việc cắm hương trở nên khó khăn, tàn hương rơi xuống mắc ở chân hương còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cháy bát hương.

Bát hương quá nhiều chân hương cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy. (Nguồn: Internet).

Và dù ở quan niệm nào thì việc bao sái bàn thờ, tỉa gọn chân hương cũng rất quan trọng vào dịp cuối năm.

Lau dọn, bao sái bát hương thời điểm nào để đón tài lộc năm Quý Mão?

Chi tiết về ngày giờ tốt - xấu hàng tháng chúng ta có thể tra cứu dễ dàng trong Lịch Âm Dương Cát tường nội nhật Quý Mão 2023, lịch vạn sự, lịch ngày tốt.

Nếu không thể làm được vào những ngày tốt trên, thì có thể thực hiện bao sái bàn thờ, tỉa chân hương vào ngày Táo quân chầu trời (23 tháng Chạp), hoặc bất kì ngày nào từ 23 đến 30 tháng Chạp.

Theo Lịch Ngày Tốt, tháng Chạp năm Nhâm Dần có 3 ngày tốt các gia đình nên dọn dẹp bàn thờ cuối năm, gồm:

Ngày 24 tháng Chạp (tức ngày 15/1/2023 dương lịch): là ngày tốt dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, để có một năm mới ấm no, hạnh phúc, vạn sự như ý, làm ăn phát đạt. Giờ tốt nhất trong ngày này là giờ Mão (5-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Mùi (13-15h), giờ Dậu (17-19h).

Ngày 26 tháng Chạp (tức ngày 17/1/2023 dương lịch): Đây là một ngày Hoàng đạo tốt để tiến hành lau dọn bàn thờ để được Thần linh phù trợ, tăng thêm vượng khí cho gia đình. Giờ tốt nhất để tiến hành lau dọn bàn thờ gồm: 7-9h (giờ Thìn), 11-13h (giờ Ngọ), 13-15h (giờ Mùi), 19-21h (giờ Tuất).

Ngày 28 tháng Chạp (tức ngày 19/1/2023 dương lịch) là ngày tốt để làm những việc lớn, mang đến niềm vui, may mắn, thuận lợi, tài lộc. Giờ tốt nhất để tiến hành lau dọn bàn thờ là 5-7h (giờ Mão), 9-11h (giờ Tị), 15-17h (giờ Thân), 19-21h (giờ Tuất).

Cách thức lau dọn bàn thờ và bao sái bát hương

Theo một số chuyên gia văn hóa, phong thủy cho biết, mọi thành viên trong gia đình, ai cũng có thể lau dọn, bao sái bàn thờ. Tuy nhiên, nếu trong nhà mà chọn được người chỉn chu, có tâm trong công việc thờ cúng thì rất tốt, bởi bàn thờ tổ tiên là nơi linh thiêng, việc bao sái bàn thờ, tỉa chân hương cần làm tỉ mỉ, sạch sẽ và thành kính. Trước khi lau dọn, bao sái, người được chọn nên tắm rửa sạch sẽ rồi hãy bắt đầu công việc.

Đầu tiên, gia chủ chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên, sau đó thắp hương thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn bàn thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc.

Văn khấn trước khi lau dọn bàn thờ:

Con nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Tín chủ tên là:

Cư ngụ tại địa chỉ: Hôm nay, ngày... tháng... năm..,. xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án bị bụi, xin thành tâm sám hối.

Tín chủ xin kính cáo với các chư vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép tín chủ được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ.

Mong các vị độ cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ.

Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê, lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.

(Xong vái 3 vái).

Lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ, gia chủ nên đóng các cửa ở phòng thờ, tránh ánh nắng mặt trời chiếu rọi, vì như thế là dương quan sát, ảnh hưởng rất xấu khi thờ cúng về sau.

Đợi hương tàn thì bắt đầu dọn dẹp bàn thờ.

Gia chủ cần chuẩn bị một chiếc khăn mới tinh chỉ để lau dọn bàn thờ, bao sái bát hương. Tiếp đó, gia chủ nên dùng nước sạch đã đun sôi để nguội để lau dọn bàn thờ. Nếu gia chủ cẩn thận hơn, có thể dùng rượu trắng cho thêm một chút gừng củ giã nhuyễn hoặc nước đun từ 5 loại thảo dược (quế, hồi, gỗ vang, đinh hương, bạch đàn) để làm sạch đồ thờ cúng. Đồng thời, chuẩn bị chổi, giấy lau, chậu nhỏ (tất cả cần phải sạch và mới để dọn dẹp, bao sái).

Một số thảo dược như quế, hồi, gừng... dùng để đun nước lau, dọn bàn thờ. (Nguồn: Internet).

Khi dọn dẹp bàn thờ, gia chủ bắt đầu lau dọn ban thờ từ trên cao xuống thấp, lau dọn nhẹ nhàng để tránh làm xước, bay màu. Tránh xê dịch các bức tượng, bát hương.

Gia chủ tuyệt đối không làm đổ vỡ đồ thờ, bởi theo quan niệm dân gian, những món đồ trên bàn thờ là những vật linh thiêng, thể hiện sự trang trọng, tôn kính với người thân và tổ tiên đã khuất. Lý do là nếu không cẩn thận làm đổ vỡ thì gia chủ sẽ gặp chuyện không may vì thiếu đi sự tôn trọng với người đã khuất.

Phần bên dưới bàn thờ cũng cần được dọn dẹp, cần được giữ thông thoáng, sạch để thu nạp sinh khí tốt, con cháu được hưởng phúc, làm ăn phát đạt, mọi sự hanh thông.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, việc rút tỉa chân nhang trong bát hương là việc vô cùng quan trọng, nếu không tự tin, gia đình cần bố trí 2 người lớn làm việc này.

Một người giữ chắc bát hương, một người nhẹ nhàng tỉa chân nhang. Để lại số chân nhang trong bát hương là số lẻ, ít nhất là 3,5,7,9 chân nhang, nhiều nhất là 25 chân nhang. Tuyệt đối không để chân nhang là số chẵn 4, 14, 24 chân nhang.

Lưu ý, với những bát hương của người đã mất nhưng chưa qua 3 năm, nếu là đàn ông thì để lại 7, còn đàn bà để lại 9 chân hương.

Những người tham gia lau dọn bàn thờ, bao sái bát hương cần lưu ý

Nếu là phụ nữ: Không trong chu kỳ kinh nguyệt.

Nam giới và phụ nữ không được sinh hoạt vợ chồng vào tối hôm trước, phải giữ gìn thân thanh tịnh.

Không ăn những đồ phạm vào giới tứ linh: cá chép, rùa, ba ba, mắm tôm, mắm tép, thịt chó, tỏi...

Khi làm công việc rút tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ thì người làm phải trong trạng thái vui vẻ, hoan hỉ, không cãi vã, tranh luận, tức giận... sẽ mang khí xấu ảnh hưởng việc thờ cúng.

Sau khi lau dọn sạch không gian thờ cúng, bao sái xong thì gia chủ sắp xếp lại vật phẩm, đồ thờ cúng về vị trí ban đầu. Nếu có hũ gạo, muối, nước thì thay mới.

Xong xuôi, gia chủ thắp hương khấn xin thỉnh Phật, các vị thần linh, gia tiên trở về quy tụ và báo cáo đã xong việc bao sái ban thờ.

Tác giả: Tố Vân

Nguồn tin: baophapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP