Theo Express, dưới đây là những cuộc bầu cử lớn cũng như các sự kiện then chốt có thể tạo nên những biến chuyển về chính trị và thay đổi thế giới trong năm 2017:
Tháng 1: Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ
Sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào cuối tháng này, ông Trump sẽ tiến hành một loạt thay đổi và hủy bỏ các sắc lệnh của người tiền nhiệm Barack Obama.
Thế giới sẽ theo dõi tân Tổng thống Mỹ ứng phó với Nga thế nào, sau khi Tổng thống Obama đã tiến hành trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga với cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ.
Israel đã tỏ ý muốn xây dựng một quan hệ mạnh với Trump sau khi Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm John Kerry lên án các hoạt động về định cư của nước này.
Đầu năm 2017: Hòa đàm, giao tranh ở Syria
Lệnh ngừng bắn mong manh, do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, có thể dẫn tới các cuộc hòa đàm để chấm dứt một thập niên giao tranh đẫm máu ở Syria.
Nếu lệnh ngừng bắn giữa quân nổi dậy và chính phủ Syria được duy trì, các cuộc hội đàm sẽ được tiến hành ở Kazkhstan vào tháng 1 này.
Trong khi đó, cuộc tấn công chống IS sẽ tiếp diễn trong năm 2017 với động lực mới nhằm tái chiếm thành trì của nhóm này ở Raqqa.
Tháng 3: Anh sử dụng Điều 50
Cuối tháng 3, Thủ tướng Anh Theresa May dự định sử dụng Điều 50 - bước đi cần thiết về mặt pháp lý để triển khai các cuộc họp về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Điều 50 sẽ khởi động thiết bị bấm giờ kéo dài 2 năm đối với các cuộc họp rời EU của Anh khi nước này thay đổi quan hệ với châu Âu và phần còn lại của thế giới.
Người dân Anh hiện đang chờ để khám phá các thỏa thuận Brexit sẽ như thế nào và nó ảnh hưởng tới kinh tế Anh ra sao.
Tháng 3: Bầu cử Hà Lan
Các cuộc bầu cử ở Hà Lan có thể là dấu hiệu báo trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cực hữu trên toàn châu Âu, nếu Geert Wilders giành chiến thắng.
Ông Wilders là lãnh đạo đảng Tự do đang gây tranh cãi ở Hà Lan. Ứng viên này đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trước thềm Tổng tuyển cử. Ông Wilders, một nghị sĩ chống Hồi giáo, từng cam kết đóng cửa các thánh đường, cấm kinh Koran và tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của nước này.
Tháng 4 và 5: Bầu cử Pháp
Lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen coi việc người Anh đồng ý rời EU và chiến thắng của ông Donald Trump như một động lực thúc đẩy tham vọng trở thành Tổng thống Pháp của bà.
Đối thủ của bà ở đảng trung hữu Francois Fillon hiện là ứng viên được kỳ vọng sẽ chiến thắng. Tình cảnh hiện giờ ở Pháp giống ở Mỹ, khi bà Hillary Clinton được cho là sẽ thắng cử khi các dự báo thời kỳ đầu được đưa ra.
Bà Le Pen muốn Pháp rời EU và nếu bà thắng cử thì đó sẽ là một cú đòn lớn với khối EU.
Tháng 5: Bầu cử Iran
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hiện đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ phía những người theo đường lối cứng rắn, khi ông đang định tái tranh cử vào tháng 5.
Kết quả bầu cử được cho là sẽ định hình tương lai chính sách ngoại giao của nước này, và hơn nữa sẽ tác động tới Trung Đông, cũng như các khu vực khác của thế giới.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Tổng thống Rouhani với Mỹ và các cường quốc khác đã dẫn tới việc phương Tây dỡ bỏ các trừng phạt với Iran. Ông Rouhani tuyên bố, sẽ không để Donald Trump xóa bỏ thỏa thuận.
Mùa thu: Bầu cử Đức
Thủ tướng Đức Angela Merkel là "trụ cột" của EU và là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới. Nếu bà Merkel thất bại trong bầu cử sắp tới thì đó sẽ là một cú đòn lớn giáng vào EU và trật tự thế giới tự do ở phương Tây.
Nga được dự báo là sẽ cố để công chúng chống lại bà Merkel sau khi hứng chịu cáo buộc giúp Trump vào được Nhà Trắng.
Mùa thu: Đại hội đảng Trung Quốc
Trung Quốc hiện có ảnh hưởng ngày càng tăng trên chính trường thế giới trong khi ông Trump có thể khiến Mỹ trở nên biệt lập hơn. Sau nhiều năm phát triển mạnh, sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới kinh tế thế giới
Tác giả bài viết: Hoài Linh
Nguồn tin: