Chi cục trưởng TTVBVTV Nghệ An Nguyễn Tiến Đức cho biết: Vụ hè thu, mùa toàn tỉnh gieo cấy được hơn 79.687,9 ha, trong đó, hè thu 49.300 ha, mùa 30.387,9 ha. Trong đó, 2.525 ha nhiễm sâu cuốn lá nhẹ, 4.210 ha nhiễm trung bình và 9.433 ha nhiễm nặng. Vùng trọng điểm như: Yên Thành có 2.500 ha, Diễn Châu 6.460 ha, Quỳnh Lưu 6.255 ha. Sâu cuốn lá lứa năm bắt đầu nở sâu non từ ngày 18 đến 23-7.
Trạm TTVBVTV huyện Yên Thành cho biết: Hiện Yên Thành có hơn 2.500 ha nhiễm sâu cuốn lá, trong đó hơn một nghìn ha nhiễm nặng. Cán bộ Trạm đã xuống tận cơ sở, trực tiếp hướng dẫn bà con khoanh vùng, phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu, kết hợp tiến hành chăm sóc, bón thúc cân đối, đúng kỹ thuật, tạo điều kiện cho cây lúa trong giai đoạn đẻ - đứng cái tiếp tục sinh trưởng và phát triển tốt.
Đại diện Trạm TTVBVTV huyện Thanh Chương cho biết, do nắng hạn gay gắt cho nên lúa sinh trưởng, phát triển kém làm ảnh hưởng lớn đến khả năng chống chịu với sâu bệnh. Trong lúc đó sâu non tuổi một bắt đầu ra rộ với mật độ trung bình: 30 đến 40 con/m2; có nơi cao từ 80 đến 100 con/m2 tại các xã Thanh Yên, Thanh Lương, Xuân Tường, Đồng Văn… Cá biệt, tại xã Thanh Yên hơn 200 con/m2. Sâu còn tiếp tục gia tăng mật độ trong vài ngày tới vì trứng tiếp tục nở.
Tình hình thời tiết vẫn diễn biến thất thường, những ngày qua trên diện tích lúa hè thu ở Nam Đàn cũng đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa năm gây hại với mật độ cao. Theo thống kê của Trạm TTVBVTV huyện đến thời điểm này, Nam Đàn có 1.200/6.000 ha lúa bị nhiễm sâu cuốn lá, trong đó có hơn 100 ha bị nhiễm nặng, tập trung ở các xã: Nam Tân, Nam Lộc, Nam Hưng, Nam Thái với mật độ sâu phổ biến từ 25 đến 30 con/m2, nơi cao 100 đến 150 con/m2. Dự báo thời gian tới, sâu cuốn lá lứa năm sẽ có khả năng phát sinh mật độ cao và gây hại trên diện rộng. Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra hiện tượng gối lứa rất khó kiểm soát.
Sâu lứa năm có khả năng sẽ phát sinh với mật độ cao hơn nhiều lần so với lứa bốn trên diện rộng, sâu gây hại trùng với giai đoạn lúa hè thu trà sớm, trà chính vụ vào thời kỳ làm đòng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất do giai đoạn này cây lúa không còn khả năng ra lá mới. Chi cục TTVBVTV Nghệ An khuyến cáo: Để bảo đảm hiệu quả phòng trừ và tránh sử dụng thuốc tràn lan trên diện rộng gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, yêu cầu các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu từ 50 đến 100 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ đẻ nhánh và 30 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ làm đòng. Một số loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất: Indoxacarb (Ammate 150SC, Clever 150 SC, Opulent 150SC, Obaone 95WG, Sunset 300 WG…), Chlorantraniliprole (Prevathon 5SC, Voliam targo 063SC, Virtako 40WG,…), Flubendiamide (Takumi 20WG,…) phun theo liều lượng khuyến cáo.
Tác giả bài viết: MINH THƯ