Kinh tế

Bức tranh Việt giá gần 600.000USD, người Việt mua không nổi?

Hơn 30 năm qua, nếu nhìn từ các nhà đấu giá chuyên nghiệp của thế giới, khái niệm 'tranh Việt' đôi khi chỉ là ở tên gọi, chứ nội hàm của nó chẳng mấy khi liên quan đến người Việt.

Tác phẩm sơn mài La Moyenne Région của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung bất ngờ trở thành tiêu điểm vì giá bán 595.771 USD tại nhà Christie's Hong Kong vừa qua

Như bức sơn mài La Moyenne Région (Miền trung du, sơn mài, 100cm x 150cm, 1942) của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung mới bán 595.771 USD tại nhà Christie's Hong Kong chiều 28-5-2017 là một ví dụ, chủ sưu tập cũ và mới đều là người nước ngoài.

1. Đây có lẽ cũng là điều khá dễ hiểu, vì sau năm 1975 tranh (và mỹ thuật nói chung) đi ra nước ngoài từ Hà Nội bằng con đường ngoại giao là chủ yếu.

Thời điểm Đổi mới (năm 1986) cũng vậy, chủ yếu người nước ngoài, Việt kiều đến Hà Nội để mua tranh mang ra quốc tế bán lại hoặc bổ sung vào sưu tập của họ.

Sau khi Mỹ xóa bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam (năm 1994), các nhà đấu giá, môi giới nghệ thuật đã nhanh chóng “đổ bộ” Việt Nam bằng nhiều con đường để “mua nhanh mua rẻ” nhất có thể những tác phẩm đẹp.

Những nhà cung ứng, các phòng tranh tại Việt Nam có nơi cũng nhanh chân ra được nước ngoài nhưng rất ít, chủ yếu chỉ dừng lại trong nước, làm người cung cấp bước một.

Chính thực tế như vậy mà phần lớn tác phẩm đẹp của mỹ thuật hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu đã ở nước ngoài nên các giao dịch cũng ở nước ngoài luôn.

Có một bài phân tích cho thấy riêng danh họa Lê Phổ (1907-2001) thì nhà đấu giá Sotheby’s đã có hơn 370 lượt giao dịch công khai, nhà Christie’s có hơn 450 lượt giao dịch, mà chủ yếu trong đó là cuộc chơi giữa những người nước ngoài với nhau.

Dưới khía cạnh thị giác, tác phẩm của Lê Phổ không phải là tiêu biểu nhất so với các danh họa Việt cùng thời đại, nhưng do xuất hiện liên tục trên thị trường quốc tế từ trước năm 1945 đến nay nên ông mới đang là quán quân về giá bán.

Điều này cũng đúng với các tên tuổi thời danh như Lê Quảng Hà, Dinh Q. Lê, Lê Kinh Tài, Bùi Hữu Hùng…, những tác phẩm tiêu biểu và có giá bán cao nhất của họ cũng thường gắn với người và tổ chức nước ngoài.

Tại phiên đấu giá Hội họa Việt Nam thế kỷ 20 và đương đại của nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) ở TP.HCM chiều 27-5, tác phẩm Phiên chợ đời (300cm x 150cm, 2009) của Lê Kinh Tài cũng đến từ một nhà sưu tập tại Úc.

Được biết ông này đã chi 1 tỉ đồng để mua tác phẩm này từ 5-6 năm trước, giờ đưa ra thị trường với mức giá dự kiến từ 82.000-120.000 USD.

Cũng tại phiên đấu này, tác phẩm Buổi hoàng hôn rực rỡ (sơn dầu, 50cm x 50cm) của Văn Đen (1919-1988) đã được một nhà sưu tập nước ngoài mua với giá 19.000 USD, cộng thêm 11% cho các chi phí khác.

Những nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s, Christie’s… từng đến Việt Nam nhiều lần với hi vọng tạo dựng cơ sở bền vững. Hơn 10 năm trước, Christie’s từng tổ chức thí điểm một phiên đấu giá chuyên nghiệp tại TP.HCM, nếu phiên đó thành công chắc bây giờ họ đã có chi nhánh tại đây.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tên gọi “tranh Việt” đã hiện diện ở gần 20 nhà đấu giá chuyên nghiệp trên thế giới. Những năm gần đây, các phiên đấu giá tại Pháp, Mỹ, Hong Kong, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc đại lục… thường có tranh Việt hiện diện, đôi khi có tác phẩm trở thành tiêu điểm như phiên Asian 20th Century Art chiều 28-5 tại Hong Kong.

Thế nhưng, người Việt vẫn thường vắng bóng tại các phiên này, nếu có hiện diện cũng khá mờ nhạt.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, tranh Việt được người nước ngoài quan tâm như vậy là đáng mừng, vì chính họ đã dần kích thích được nhu cầu sáng tác và sưu tập trong nước.

Nhưng ở khía cạnh khác, tình trạnh “chảy máu chất xám” thì lĩnh vực nào bằng mỹ thuật, cả diện rộng và chiều sâu.

Tác phẩm sơn dầu Joueuse De Lune của Vũ Cao Đàm sắp lên sàn đấu Sotheby’s ở New York với mức giá ước đoán từ 30.000-50.000 USD.

2. Nếu tính từ thời nhà sưu tập Đức Minh (1920-1983, Hà Nội) và Nguyễn Xuân Oánh (1921-2003, Sài Gòn), thì đến nay Việt Nam đã có năm thế hệ sưu tập.

Thế hệ thứ năm đa số trong độ tuổi 8X và 7X, họ thường là những “người giàu tự thân”, có trình độ, nên đã nhìn tranh như là một kênh đầu tư, bên cạnh cái đẹp tự thân và giá trị lịch sử của nó.

Nhà sưu tập Nguyễn Minh (thế hệ sưu tập thứ tư) tại Hà Nội từng nhiều lần đi nước ngoài đấu giá tranh Việt mang về, thế hệ thứ năm nhiều người cũng đã làm như vậy.

Họ cũng đang mong muốn tạo sức hút để các nhà sưu tập quốc tế gởi tranh đến các nhà đấu giá trong nước để tạo các giao dịch công khai.

Chính thế hệ thứ năm này mới là nguồn động lực để các nhà đấu giá như Lạc Việt, Lý Thị (Lythi Auction), Chọn (Chọn Auction)… ra đời tại Việt Nam.

Sự xuất hiện của những nhà đấu giá này là nằm ngoài dự đoán với nhiều người vì ít ai nghĩ Việt Nam lại có nhà đấu giá sớm như vậy.

Như vậy là sau hơn 30 năm kể từ đổi mới, đến nay tranh Việt mới manh nha hình thành thị trường nội địa theo hướng bài bản, mới nhen nhóm tạo ra một cuộc chơi riêng, bên cạnh các cuộc chơi chủ đạo do người nước ngoài điều phối.

Quá muộn nhưng còn hơn không.

Khi nào người Việt làm chủ tranh Việt?

Tại phiên đấu giá Impressionist & Modern Art sắp diễn ra của nhà Sotheby’s, sẽ bắt đầu lúc 14h ngày 8-6 tại New York, Việt Nam có hai đại diện nhưng đến từ bộ sưu tập ở nước ngoài.

Trong đó có bức Joueuse De Lune (sơn dầu, 130,5cm x 195,5cm, 1979) của Vũ Cao Đàm, hiện thuộc nhà sưu tập tư nhân ở Caracas (Venezuela), người này mua từ phòng trưng bày Wally Findlay tại Mỹ.

Những bức như thế này mà được những nhà sưu tập Việt Nam tham gia đấu giá thực sự, thắng thua không quan trọng, thì khi ấy người Việt mới thực sự muốn làm chủ tranh Việt. Khi ấy thị trường mỹ thuật trong nước mới thực sự có cơ sở để phát triển.
Tác giả: HIỀN HÒA
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP