BCH Quân sự huyện Kỳ Sơn đang xử lý một quả bom sót lại sau chiến tranh được phát hiện tại xã Nậm Cắn. Ảnh: Lữ Phú |
Lợn ủi cũng thấy bom mìn …
Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, Quốc lộ 7A qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn là tuyến giao thông chiến lược của quân ta nhằm vận chuyển sức người, sức của cho chiến trường Nam Lào và miền Nam. Chính ở vị trí trọng yếu, nên địa bàn này thường xuyên bị không quân Mỹ ném bom, nã đạn tàn phá. Cũng hòng phong tỏa cung đường chiến lược này, ngoài những loại bom thông thường thì không quân Mỹ còn rải xuống đây hàng trăm tấn bom chum các loại.
“Thời điểm đó các bản làng đều phải dời vào rừng núi ẩn nấp để tránh bom đạn máy bay Mỹ ném xuống. Gần như ngày nào cũng có máy bay vào bắn phá. Lúc đầu bom phá bình thường nhưng những năm sau không quân Mỹ ném xuống đây cả bom bi, bom tấn để phong tỏa cung đường. Có những trận bom bi ném xuống không nổ, rải dày mặt đất, chỉ dọn được dọc đường cho xe đi còn nữa nằm vương vãi khắp nơi” - ông Cụt Mặn Nòi (SN 1937), trú tại bản Nọng Dẻ, xã Nậm Cắn, nguyên Bí thư xã Nậm Cắn thời kỳ 1965 - 1971 cho biết.
Những đầu đạn được gia đình chị Ngân Thị Quyên, trú tại bản Nọong Dẻ, xã Nậm Cắn vừa phát hiện khi làm mặt bằng để dựng nhà. Ảnh: Xuân Hòa |
Kết thúc chiến tranh, người dân từ sâu trong rừng núi trở về bản cũ để dựng lại nhà. Những hầm hào với bom đạn sót lại dày đặc nơi dân sinh sống, còn trên nương rẫy bom đạn sót lại nằm trong lòng đất bao nhiêu cũng chẳng ai thống kê nổi. Có những thời điểm người dân nhặt được bom mìn như nhặt đất đá, bà con gom lại chờ chính quyền xuống thu gom đưa đi xử lý. Lâu không thấy chính quyền xuống thì để vào các hốc cây hay quẳng ra bìa rừng.
Cứ như vậy người dân nơi đây sống chung với bom mìn. Ở Nậm Cắn, có đủ loại bom đạn sót, từ đạn 12,7mm, đạn pháo, đạn súng cối, đạn B40 - B41, lựu đạn, pháo sáng, bom bi, bom tấn, rốc két … Nó nhiều đến nỗi người dân cho biết chỉ cần đàn lợn ủi đất để kiếm thức ăn cũng lộ ra bom đạn, có khi lợn còn "giúp" lăn bom bi từ sườn đồi xuống nhà dân.
“Nhiều lắm, có hôm lợn ủi kiếm ăn, bom bi lòi lên rồi lăn xuống dưới ngay chân nhà. Giờ cả khoảng đồi lớn đất tốt nhưng bom nhiều quá không dám phát để trồng cây. Lên đó còn phải đi lại cẩn thận chứ chưa nói đến chuyện đào bới” chị Tha Mè Thôn, trú tại bản Nọong Dẻ, xã Nậm Cắn cho biết.
Những quả bom bi còn sót lại trong khu dân cư được người dân xã Nậm Cắn nhặt lại bỏ vào các gốc cây chờ cơ quan chức năng đến đem đi tiêu hủy. Ảnh: Xuân Hòa |
Vừa qua khi tiến hành san lấp mặt bằng xây dựng Trường PTDTBT THCS xã Nậm Cắn, lực lượng chức năng đã phát hiện lượng lớn bom bi, đầu đạn pháo…
“Mấy bữa nay đào đất để chuẩn bị dựng nhà thấy mấy quả bom bi với đầu đạn, chồng tôi gom để chỗ gốc cây chờ cán bộ xã đến gom. Còn trước đào mương xung quanh nhà cũ cũng thấy mấy quả đạn cối với đạn B40 nhưng chồng tôi sợ con nhặt nghịch chơi nên đem đi bỏ trong rừng rồi” - chị Ngân Thị Quyên (SN 1994) trú bản Nọong Dẻ nói.
Bom mìn còn sót nhiều tại các bản: Nọong Dẻ, Khánh Thành, Trường Sơn… của xã Nậm Cắn. Bom đạn nhiều tới mức chỉ cần một trận mưa, đất bị xói đi cũng thấy bom mìn lòi lên.
Nỗi đau đến từ lòng đất
Những bản làng thuộc xã Nậm Cắn vẫn tiềm ẩn những mối nguy hiểm do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ảnh: Xuân Hòa |
Từ sau khi kết thúc chiến tranh đến nay, tại xã Nậm Cắn đã xảy ra 4 vụ tai nạn bom mìn làm 7 người chết, 1 người bị tàn tật. Gần đây nhất là vào năm 2015, khi ông Lương Phò Mun trong lúc phát rẫy đã va trúng một quả bom bi gây nổ làm ông tử vong ngay tại chỗ. Đau lòng nhất là vụ nổ đầu đạn B41 tại bản Khánh Thành làm 4 người tử vong, trong đó có 3 cha con trong một gia đình.
Gặp lại bà Lo Thị Thương, người phụ nữ duy nhất còn lại trong gia đình có ba cha con chết vì nổ đầu đạn B41 tại xã Khánh Thành, may mắn thoát nạn nhưng bà Thương cũng héo hon vì nỗi đau mất mát.
Bà kể, hôm đó ngày 14/7/2007, bà đang đi làm xa thì nghe báo tin chồng và hai đứa con trai cùng một đứa trẻ hàng xóm đã chết do nổ đầu đạn. Khi về đến nhà, bà đã ngất xỉu khi nhìn thấy thảm cảnh người chồng nát hết nửa thân dưới, hai đứa con nhiều vết thương trên cơ thể nằm bất động trên vũng máu. Quá đau xót bà bỏ luôn căn nhà cũ và chuyển đến một nơi khác sinh sống để mong vơi bớt xót xa.
Những hố chôn bom mìn thu gom từ các bản làng được đưa về chôn trong khuôn viên Tiểu đội dân quân xã Nậm Cắn và trồng những gốc hồng lên trên để đánh dấu. Ảnh: Xuân Hòa |
Có con trai duy nhất chết trong vụ nổ ấy, ông Lô Văn Xiêng (SN 1964), trú tại bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn) nghẹn ngào nhớ lại ngày định mệnh năm đó: “10 năm rồi nhưng tôi chẳng thể nào nguôi. Hôm đó, nó đi đánh bóng chuyền về muộn nên lấy cơm ăn rồi sang nhà anh Phò Thương (chồng bà Thương) chơi.
Đang làm ở nhà tôi bỗng nghe tiếng nổ lớn nên chạy sang thấy anh Phò Thương thì nát nửa phần dưới và hai đứa con trai đã chết bị hất văng ra nhiều hướng. Còn con trai tôi ở xa hơn thì máu me đầy người nhưng vẫn còn sống. Tôi vội lại ôm con và hô hoán người dân rồi đưa con đi cấp cứu. Tưởng nó qua được nhưng đến nơi bệnh viện thì nó cũng đi với ba cha con anh Thương”.
Còn với bà Lương Mẹ Mun, trú tại bản Nọong Dẻ, vừa mất đi người chồng thì nỗi đau vẫn nguyên còn đó. Nay mắt đã kém, tai cũng bị điếc mà chỉ thui thủi một mình bên khung cửi. Năm 2015, chồng bà Mun cùng các con lên rẫy để phát cây cối chuẩn bị cho vụ mùa mới. Khi cả khoảng đồi mênh mông phát đã gần xong chỉ còn manh nhỏ bằng chiếc bàn, ông bảo các con gom đồ để về còn mình lên làm nốt rồi về.
Khi mấy đứa con vừa quay lưng thì một tiếng nổ xé tai. Ngoảnh lại thấy người cha đã bị hất văng nằm trên rẫy. Từ đó, mảnh rẫy cũng bỏ không chẳng ai dám đến làm nữa.
“Hôm đó, nếu rẫy còn nhiều chỗ chưa phát chắc không chỉ ông ấy chết. Giờ nghĩ lại mà tôi vẫn chưa hết lạnh sống lưng” - bà Mẹ Mun đỏ hoe đôi mắt nói.
Bà Lương Mẹ Mun, trú bản Noọng Dẻ đã mãi mất đi người chồng khi ông bị bom bi nổ chết khi đi phát rẫy cách đây 2 năm. Ảnh: Xuân Hòa |
Nỗi đau cứ thế vẫn ngấm ngầm đeo đuổi đời sống từng mái nhà đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nhưng khốn nỗi chính quyền khó khăn, việc xử lý bom mìn sót lại không thể thực hiện triệt để. Theo ông Lầu Bá Tồng, Xã đội trưởng Nậm Cắn thì ngoài lần công binh về rà phá bom mìn dọc ven QL7A để mở rộng đường thì gần như chỉ có khi nào người dân phát hiện bom mìn cơ quan chức năng mới đến xử lý.
“Mỗi khi dân xây nhà, làm rẫy, phát hiện bom mìn chúng tôi mới báo BCH Quân sự huyện xuống xử lý. Bom mìn sót lại còn nhiều lắm. Chúng tôi thỉnh thoảng dùng xe tải gom các loại đạn dược cỡ nhỏ do nhân dân phát hiện gom nhặt đưa về xã. Xử lý bằng cách đào hố rải nilon, cho bom mìn vào và đổ muối chôn lấp. Mối hố như vậy, chúng tôi lại trồng một cây ăn quả lên đó để đánh dấu. Giờ nếu tính theo các cây trồng và hố chôn chắc cũng đến cả tấn bom mìn rồi".
Mong cơ quan chức năng không rà phá được bom trên các ngọn đồi thì cũng rà phá tại các khu dân cư. Để người dân yên tâm sinh sống, làm ăn và không còn những cái chết thương tâm nữa” - ông Lầu Bá Tồng nói.
Tác giả: Xuân Hòa
Nguồn tin: Báo Nghệ An