Trong nước

Bộ trưởng Nội vụ: Nghiên cứu đề xuất lương, phụ cấp đặc thù với viên chức y tế

“Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc xếp lương và chế độ phụ cấp đặc thù đối với viên chức y tế”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Hoàn thiện chính sách tiền lương, phụ cấp mới

Gửi kiến nghị sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị sửa đổi Nghị định số 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo hướng bác sĩ được xếp lương từ bậc 2. Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Hải Dương cũng kiến nghị xem xét có chế độ đặc thù nâng lương cho ba đối tượng là bác sĩ, giáo viên và quân đội nhân dân.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Nghị quyết 27 của Trung ương đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó có quy định xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung, bao gồm cả viên chức y tế là bác sĩ, giáo viên, lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 nên chưa đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương, dẫn đến tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức thấp so với nhu cầu cuộc sống.

Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bà Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ để trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thông qua việc nâng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 20,8%, từ ngày 1/7). Đối tượng tăng lương lần này là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó có bác sĩ, giáo viên, quân đội nhân dân.

Quốc hội cũng giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương và phụ cấp mới để thay thế nghị định số 204 của Chính phủ. Trong đó có việc xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và bác sĩ nói riêng bảo đảm tương quan giữa các đối tượng hưởng lương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc xếp lương và chế độ phụ cấp đặc thù đối với viên chức y tế.

Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc xếp lương và chế độ phụ cấp đặc thù đối với viên chức y tế. Ảnh minh hoạ

Kiến nghị không tinh giản biên chế ngành y

Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp về việc do ngành y tế là ngành đặc thù, nên kiến nghị không thực hiện việc tinh giản biên chế; đồng thời tăng cường bổ sung biên chế cho tuyến y tế cơ sở.

Trả lời vấn đề này, Bộ Nội vụ cho biết, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Với yêu cầu đặt ra với tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị là phải thực hiện, bảo đảm đến năm 2026 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

Căn cứ các quy định của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành quyết định giao biên chế đối với từng địa phương giai đoạn 2022-2026, trong đó có tỉnh Đồng Tháp.

Do vậy, Bộ Nội vụ đề nghị tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các quyết định nêu trên của Bộ Chính trị và Ban Tổ chức Trung ương.

Để bảo đảm nguyên tắc “có bệnh nhân thì phải có nhân viên y tế” và thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo chủ trương nêu trên, theo Quyết định số 1046/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Y tế tập trung ban hành hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; sửa đổi, bổ sung định mức biên chế viên chức trong các cơ sở y tế công lập.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh Đồng Tháp có trách nhiệm chỉ đạo và phê duyệt Đề án tự chủ của các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý (trong đó các cơ sở khám, chữa bệnh cần xác định lộ trình tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025).

Đồng thời tiếp tục củng cố và tăng cường đội ngũ nhân viên y tế ở cơ sở phù hợp với quy mô dân số theo Kết luận số 25 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023), bảo đảm vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành y tế trên địa bàn.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP