Giáo dục

Bỏ triệt để dạy thêm, học thêm: Làm sao để thôi tranh cãi!

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là không khuyến khích dạy thêm học thêm dưới mọi hình thức, chỉ có thể rèn luyện ôn tập thêm cho học sinh yếu, kém. Việc quản lý chuyện dạy thêm, học thêm được phân cấp về các địa phương và hiện nay, mỗi nơi lại có những quy định, những cách làm khác nhau. Lâu nay, vấn đề dạy thêm học thêm vẫn có những luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người đổ lỗi cho giáo viên, nhưng có những ý kiến khác lại cho rằng, chính phụ huynh và học sinh cũng có nhu cầu phải học thêm, nhất là trước mỗi mùa thi quan trọng. Như vậy, việc cấm triệt để dạy thêm học thêm trong thời gian tới, chắc vẫn khó thực hiện?

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vào đầu tháng 6-2016. Ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt ra những yêu cầu đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng GD&ĐT TP.HCM. Trong đó, khi đề cập sâu đến công tác dạy và học hiện nay, ông Đinh La Thăng yêu cầu: “Dạy thêm, học thêm thì phải dứt khoát bỏ. Tại sao các trường quốc tế không dạy thêm, học thêm mà chất lượng đầu ra vẫn cao? Chúng ta chỉ phụ đạo cho học sinh yếu, chứ tuyệt đối không được mở lớp dạy thêm trong các trường công”. “Hội nhập là không dạy thêm - học thêm, không chạy trường, chạy lớp gì cả. Bữa giờ tôi nghe phản ánh chuyện chạy trường kinh lắm”, ông Đinh La Thăng nêu quan điểm.
23 06 2016 bb 1466654619
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thay đổi chương trình học, các thức thi thì chuyện dạy thêm học thêm sẽ không phức tạp và gây tranh cãi nữa (Ảnh P.T)

Yêu cầu này của ông Đinh La Thăng đã tạo ra hai luồng ý kiến: Một cho rằng điều này phủ hợp, xóa bỏ những tiêu cực của câu chuyện học thêm – dạy thêm bao lâu nay vẫn dai dẳng tồn tại trong giáo dục đào tạo. Một luồng khác cho rằng như thế chưa phù hợp với tình hình giáo dục hiện nay, khi bản thân học sinh, phụ huynh có cũng có người có nhu cầu được học thêm thực sự chứ không phải bị “ép buộc”.

Riêng đối với Hà Nội, vấn đề này không được khẳng định là có xóa bỏ, cấm triệt để hay không.

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vừa qua, khi được hỏi quan điểm của Hà Nội về việc cấm dạy thêm học thêm của TP.HCM, ông Hoàng Cơ Chính, Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội đã chia sẻ quan điểm của ngành giáo dục Hà Nội về vấn đề dạy thêm học thêm hiện nay: “Nơi này nơi khác có nói chuyện cấm hay không cấm chúng tôi không bàn đến. Tuy nhiên, trong Thông tư 17 do Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm học thêm ngày 16-5-2012 không hề có nội dung nào cấm dạy thêm, học thêm, vấn đề quan trọng nhất là quản lý việc học thêm, dạy thêm trong nhà trường như thế nào. Căn cứ vào Thông tư 17 nên Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội ra quyết định 22/2013/QĐ-UBND để quản lý vấn đề tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường và phân cấp quản lý về vấn đề này. Theo đó, để cấp phép dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ cấp THCS trở xuống thuộc quận huyện quản lý. Cấp THPT do Sở GD&ĐT Hà Nội quản lý”.

Tại Hà Nội, “Quyết định 22 của UBND TP đã nêu rất rõ ràng về việc này rồi. Việc có dạy thêm, học thêm hay không, học thêm có tích cực hay không tích cực thì chúng ta biết rồi. Học thêm có thể là học bạn, học thầy, học bố mẹ, chúng ta phải học cả đời. Việc quản lý học thêm, dạy thêm trong trường học đã được phân cấp, còn việc quản lý học thêm ngoài nhà trường dưới dạng các trung tâm thì cần phải có phối hợp với chính quyền địa phương” - ông Hoàng Cơ Chính nói.

Chính vì có những quan điểm cũng như lựa chọn những hướng quản lý khác nhau, nên rõ ràng, chuyện dạy thêm học thêm nếu nói “cấm”, rất khó mà triệt để được.

Để quản lý dạy thêm, học thêm, phải phân biệt nhu cầu của người học thêm. Nhu cầu này, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội thì có hai dạng: Học thêm xuất phát từ nhu cầu thực sự với học thêm theo kiểu trào lưu, chạy đua hoặc bị ép buộc. Tuy nhiên, việc học thêm, dạy thêm tràn lan theo cách các thầy cô đang thực hiện hiện nay thì lại đem đến nguy cơ khiến cho nền giáo dục càng tụt hậu thay vì phát triển lên.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, nguyên nhân học sinh học thêm là được thầy chỉ bảo, hướng dẫn, dẫn tới thói quen không tốt, thụ động chờ đợi được làm hộ, chỉ sẵn, mớm thêm thay vì phải tự mình vận động, tư duy. Ở một khía cạnh nào đó, học trò đi học thêm tràn lan theo phong trào hoặc bị ép buộc một cách thường xuyên từ năm này sang năm khác sẽ dễ gặp phải những khuyết tật về trí tuệ và nhân cách: Học sinh dễ ỷ lại vào thầy cô, thiếu nỗ lực cá nhân, không biết tự học, thiếu tự tin, tính độc lập tự chủ, sáng tạo yếu.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng phân tích thêm: “Dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học còn đem lại nhiều tác động xấu hơn nữa. Trong khi, lứa tuổi tiểu học lại là lứa tuổi tránh tạo áp lực học tập, cần khuyến khích học sinh tiểu học phát triển toàn diện như tăng cường hoạt động thể chất, kỹ năng, lối sống, hội họa, âm nhạc...

Có một thực tế là mấy năm gần đây, việc học thêm ở cấp THPT nhất là với học sinh chuẩn bị thi ĐH đã bớt phức tạp hơn nhiều so với những năm trước kia. Các trung tâm luyện thi vắng bóng người học là chuyện không hiếm nữa. Vấn đề học sinh các tỉnh đổ về Hà Nội để luyện, ôn thi cũng không còn. Vì sao? Vì đề thi ĐH những năm gần đây đã thay đổi, theo hướng mở, không học tủ học lệch, kiến thức chủ yếu trong chương trình phổ thông, không phải đi học ôn thi “cao siêu” mới làm được. Đổi mới phương thức thi cử cũng hạn chế bớt dạy thêm, học thêm. Như vậy nghĩa là: Trước nay, học thêm chủ yếu là để đi thi, lấy điểm số. Chương trình học, phương thức thi thay đổi thì bản thân chuyện dạy thêm, học thêm cũng sẽ thay đổi theo. Nếu các cấp tiểu học, THCS cũng dần có chương trình học phù hợp, khuyến khích học sinh tự học, không nặng điểm số thì chuyện dạy thêm học thêm lúc đó chắc sẽ không phải cấm nữa, mà sẽ tự dừng.

Tác giả bài viết: Phan Thủy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP