Trong nước

Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu gương thế nào?

Sáng nay, 28-9, Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức họp báo giới thiệu nội dung Hội nghị Trung ương 8 sẽ khai mạc tuần sau. Đây là lần đầu tiên Trung ương chủ động cung cấp thông tin về hội nghị thường kỳ của mình.

Hội nghị Trung ương 8 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 6-10, mà theo Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Bùi Trường Giang, sẽ thảo luận, xem xét năm nhóm việc: Thông qua báo cáo tình hình kinh tế -xã hội và ngân sách 2018, kế hoạch và dự toán 2019; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 để có những điều chỉnh, bổ sung cho thời gian tới; đề án về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương; thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội đảng; công tác nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.

Ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng Trung ương thông tin tại cuộc họp

Giới thiệu nội dung cơ bản của đề án trách niệm nêu gương, ông Vũ Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Bồi dưỡng và đào tạo, Ban Tổ chức trung ương cho biết nội dung này đã được chuẩn bị qua nhiều khâu, tổ chức tham vấn, hội thảo, xin ý kiến nhiều đối tượng, trong đó có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Không đi vào các điều khoản cụ thể, nhưng ông Sơn cho biết nguyên lý chung của dự thảo quy định là nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương tới nhóm đối tượng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, và các Ủy viên Trung ương đảng. “Quy định sao cho ngắn gọn, chỉ hơn 3 trang giấy, với 4 điều. Cán bộ càng cao càng phải gương mẫu”.

Điều 1 của dự thảo quy định là những nguyên lý, chung nhất, như tuân thủ cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, được áp dụng chung cho đảng viên. Điều 2 và 3 là nhóm các quy định theo cấu trúc có xây có chống, xây trước chống sau, nhấn mạnh tới nhóm đảng viên cấp cao. Ở đây có chín điểm cơ bản liên quan đến mối quan hệ đảng viên đó với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chức trách nhiệm vụ, với gia đình.

“Về chống, tinh thần chung là từng đảng viên cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân mình và cương quyết chống. Tức cương quyết không làm những điều sai trái được liệt kê, và nếu thấy người khác làm thì phải cương quyết chống lại”, ông Sơn tóm tắt.

Điều 4 của quy định này là về tổ chức thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, từ năm 2012, Ban Bí thư đã ban hành Quy định 101 “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Đây là quy định chung, nên theo ông Sơn vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Về chế tài để đảm bảo thực thi trách nhiệm nêu gương của đảng viên cao cấp, theo ông Sơn vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, chẳng hạn như Quy định 102 của Bộ Chính trị ban hành năm 2017.

Liên quan đến câu hỏi về khả năng kiện toàn nhân sự Chủ tịch nước – mà thông thường phải là Ủy viên Bộ Chính trị và do Ban Chấp hành trung ương xem xét, quyết định giới thiệu để Quốc hội bầu, ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng Trung ương nói: “Câu hỏi hơi nhạy cảm”.

“Theo hiểu biết của tôi thì quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch nước theo hiến định là liên tục. Bộ Chính trị đã phân công đồng chí Phó chủ tịch nước Đặng Thi Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước, thực hiện đầy đủ quyền hạn của Chủ tịch nước cả về đối nội và đối ngoại, như bình thường. Còn việc Trung ương có xem xét, giới thiệu, quyết định giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước tại kỳ họp này hay không còn tùy thuộc vào công tác chuẩn bị của các cơ quan có thẩm quyền. Việc chuẩn bị, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu là phải hết sức chu đáo, kỹ lưỡng”, ông Vĩnh cho biết.

Hoạt động của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương từ sau Đại hội XII tới nay có một số nét mới gắn với công khai. Một số quyết nghị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến thi hành kỷ luật đảng viên cấp cao đã được thông báo sớm cho báo chí đưa tin. Hai Hội nghị Trung ương gần đây đã mở cho một số cơ quan thông tấn lớn của nhà nước vào dự, đưa tin, đồng thời mỗi ngày họp có phát ra thông cáo báo chí ngắn gọn về nội dung làm việc trong ngày.

Đến Hội nghị Trung ương 8 lần này, Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan chịu trách nhiệm về công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng lần đầu tiên tổ chức họp báo giới thiệu chương trình hội nghị. Và Phó ban Tuyên giáo trung ương Bùi Trường Giang cho biết, sau khi Hội nghị Trung ương kết thúc, Ban sẽ tiếp tục họp báo để giới thiệu kết quả hội nghị.

Cũng tại buổi họp báo, Phó chánh Văn phòng Trung ương Lê Quang Vĩnh xác nhận Hội nghị Trung ương 8 sẽ xem xét, thi hành kỷ luật một số nguyên Ủy viên Trung ương.

Theo quy định của Đảng, thẩm quyền thi hành kỷ luật ở mức nghiêm khắc, chẳng hạn tới khai trừ, với trường hợp là ủy viên trung ương bao gồm cả đương chức, thôi chức, đã nghỉ hưu thuộc về Ban Chấp hành trung ương.

Trên cơ sở kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương, Bộ Chính trị sẽ báo cáo để Trung ương quyết định.

Tác giả: NGHĨA NHÂN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP