Theo quan điểm của BLV Quang Huy, lạc quan khi chỉ còn một bước nữa là đến chung kết giải U19 châu lục là điều cần thiết, nhưng dù lạc quan mấy thì cũng nên thực tế. Điều thực tế ai cũng thấy là bóng đá Nhật đang có một khoảng cách rất xa so với Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng ở cả châu Á này, Nhật Bản là đối thủ mà Việt Nam “ngại” nhất. Cái gì có thể tự coi là điểm mạnh của Việt Nam thì Nhật Bản đều mạnh hơn, xứng đáng là bậc thầy đi trước”, ông Huy phân tích.
“Tôi nghĩ rằng ở cả châu Á này, Nhật Bản là đối thủ mà Việt Nam “ngại” nhất. Cái gì có thể tự coi là điểm mạnh của Việt Nam thì Nhật Bản đều mạnh hơn, xứng đáng là bậc thầy đi trước”, ông Huy phân tích.
U19 Việt Nam đang đà thăng hoa, nhưng Nhật Bản là một đối thủ ở tầm cao khác biệt.
Việt Nam vốn vẫn trông vào kỹ thuật, sự khéo léo, linh hoạt và tìm mọi cách để phát triển lối đá dựa trên nền tảng này. Nhật không chỉ kỹ thuật, khéo léo, linh hoạt mà họ còn kết hợp nhuần nhuyễn những tố chất ấy để chuyển hoá thành hiệu quả.
Việt Nam vốn vẫn nghĩ rằng cầu thủ của mình thông minh, có cái gì đó “quái quái” trên sân cỏ. Cầu thủ Nhật cũng là những bộ não ưu việt, họ có thể chơi tiểu xảo không, có quá đi chứ, nhưng họ không cần làm thế, vì họ có sự khoa học, tính toán kỹ càng trong từng tình huống.
Đấy là chưa kể cầu thủ Việt luôn hạn chế về sức mạnh, sức bền, kể cả sức nhanh trong những khoảnh khắc quyết định. Cầu thủ Nhật, nhờ chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bài bản, họ không phải lo về điều đó. Ra thế giới, so với những đội châu Phi như Bờ Biển Ngà chẳng hạn thì Nhật còn “lép” về thể lực, chứ ở châu Á thì họ chẳng thua kém đội nào.
“Chính vì vượt trội hơn hẳn một cái đầu ở mọi chỉ số, nên các đội bóng Nhật, từ đội tuyển đến các lứa U, mỗi khi gặp Việt Nam, họ vô cùng dễ đá”. BLV Quang Huy so sánh: “Nhật gặp Việt Nam không khác gì Barca gặp Arsenal, nói vui là cứ “đè” ra mà ăn thôi”.
BLV Quang Huy đúc rút lại những trận đấu đã qua giữa hai nền bóng đá và thấy rằng “Nhật đá với mình rất bình tĩnh, đĩnh đạc, không bao giờ vội vàng, kiểu như điều gì đến nhất định sẽ phải đến. Trong khi mình lại căng cứng, hồi hộp, chạy theo phá lối đá của họ rồi không thua trước thì cũng thua sau”.
Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ làm gì để đối phó với người Nhật?
Mặc dù vậy, BLV Quang Huy cũng nhấn mạnh rằng trước mỗi trận đấu thì các con số thống kê, lịch sử đối đầu, truyền thống, điểm mạnh yếu… đều chỉ là lý thuyết. Tỷ số mỗi trận đấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà những con người ở trên sân mới là quyết định.
“Tôi có cảm giác rằng lứa U19 hiện tại có nhiều phẩm chất để chơi cân bằng với người Nhật hơn là lứa U19 của Công Phượng vài năm trước. Lứa Công Phượng là bản sao của Nhật, cũng khéo, cũng nhanh, cũng kiểm soát bóng tốt… nhưng đều ở tầm thấp, còn Nhật ở tầm cao. U19 hiện tại thì chơi kiểu khác, dựa vào thể lực và có khả năng tạo điểm nhấn chứ không chơi ào ào, dễ bị bắt bài”, ông Huy lý giải.
BLV bóng đá nổi tiếng chốt lại: “Thắng Nhật thì khó, thua Nhật thì dễ, nhưng chúng ta vẫn nên tin vào một điều bất ngờ như Futsal từng làm được. Một phút mất tập trung của đối thủ, hoặc bắt họ phải đá luân lưu, đấy là con đường hẹp vào chung kết của U19 Việt Nam”.
Kết quả những trận đấu cấp độ trẻ giữa Nhật Bản vs Việt Nam những năm qua
16/9/2016: U16 Nhật Bản 7-0 U16 Việt Nam (U16 châu Á)
7/1/2016: U23 Nhật Bản 2-0 U23 Việt Nam (giao hữu)
11/10/2014: U19 Nhật Bản 3-1 U19 Việt Nam (U19 châu Á)
13/9/2014: U19 Nhật Bản 1-0 U19 Việt Nam (U19 Đông Nam Á)
9/9/2014: U19 Nhật Bản 3-2 U19 Việt Nam (U19 Đông Nam Á)
8/1/2014: U19 Nhật Bản 7-0 U19 Việt Nam (U19 quốc tế)
Hành trình đến World Cup của U19 Việt Nam: Giành chiến thắng 1-0 trước U19 Bahrain, U19 Việt Nam giành quyền vào bán kết U19 Châu Á, đồng nghĩa với đó là tấm vé dự U20 World Cup tại Hàn Quốc vào năm sau.
Tác giả bài viết: Quốc Bảo
Nguồn tin: