Cam kết của tư lệnh ngành Giao thông vận tải
Trong phiên chất vấn sáng nay (12/11), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có phần giải trình liên quan đến tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia.
Theo Bộ trưởng Thể, đến hết tháng 9, ngành giao thông vận tải đã giải ngân được 61,2% dự án đầu tư công. Riêng đối với 2 dự án trọng điểm quốc gia là cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông và sân bay Long Thành, Bộ trưởng đã có những thông tin chi tiết liên quan đến tiến độ các dự án này.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tại nghị trường Quốc hội sáng 12/11 (Ảnh: Quốc Chính). |
Cụ thể với dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng cho biết Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, cho phép Bộ thuê tư vấn nước ngoài, thẩm định lại toàn bộ. Thời gian thẩm định kéo dài để các tư vấn nước ngoài phản biện toàn bộ nước ngoài. Tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký phê duyệt đầu tư dự án, giao ACV chủ đầu tư giai đoạn 1.
Bộ trưởng Thể cho hay ACV làm tương đối tốt tiến độ. 3 nhiệm vụ của ACV là: Xây dựng hàng rào (đạt 75%, khoảng 9km), thuê đơn vị rào phá bom mìn (diện tích hoàn thành 75%), tập trung làm hồ sơ kỹ thuật dự toán triển khai thi công.
Riêng về GPMB, Quốc hội đã bố trí cho dự án 22.000 tỷ đồng, giao cho Đồng Nai triển khai từ 2018, tuy nhiên theo ông Thể, đến nay giải ngân GPMB còn chậm, mới 47%, chỉ giải ngân khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Việc chậm này có liên quan đến việc xây dựng khu tái định cư, các công tác kiểm đếm, giá, do ảnh hưởng Covid-19…
"Chúng tôi sẽ cam kết phối hợp chặt chẽ với Đồng Nai để bàn giao toàn bộ mặt bằng đảm bảo tiến độ. Đến thời điểm này, với diện đã được bàn giao thì không ảnh hưởng đến tiến độ của ACV, nhưng chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tích cực hơn nữa để giải ngân vốn GPMB", Bộ trưởng nói.
Riêng trách nhiệm Bộ và ACV, Bộ trưởng Thể cho biết Phó Thủ tướng đã thống nhất 1 tháng họp trực tuyến 1 lần để các bên tham mưu, đảm bảo dự án tiến độ. Hiện công tác thiết kế thi công phần mặt bằng đã xong, ACV đang tổ chức đấu thầu, nếu không có gì thay đổi Bộ trưởng cho biết tháng 3/2022 tiến hành đồng loạt các gói thầu san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng, đảm bảo tới tháng 12/2025 cơ bản hoàn thành được giai đoạn 1 để khai thác được sân bay.
"Từ đây giai đoạn sắp tới, mỗi 1 tháng chúng tôi sẽ cập nhật khối lượng công việc làm được trong 1 tháng, so sánh với kế hoạch tổng thể. Giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc, chúng tôi sẽ cam kết cùng các bộ ngành đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 vận hành vào cuối năm 2025", Bộ trưởng nói.
Thiếu vốn ở dự án cao tốc Bắc - Nam
Với dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông, Bộ trưởng Thể cho biết thời điểm ban đầu được phê duyệt, có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án PPP. Sau đó một dự án được chuyển sang hình thức đầu tư công.
Cụ thể đối với 3 dự án đầu tư công ban đầu được phê duyệt, Bộ trưởng cho biết cuối năm nay sẽ hoàn thành 2 dự án là Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 thì đến năm 2023. Tiến độ cây cầu này đến thời điểm này được 70%. Với 3 dự án này, Bộ trưởng cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Liên quan đến các dự án thành phần còn lại, Bộ trưởng cho biết vào tháng 6/2020, hình thức đấu thầu quốc tế sau chuyển sang đấu thầu trong nước. Tuy nhiên việc đấu thầu gặp khó khăn. Đầu năm 2020, ảnh hưởng của Covid-19, Chính phủ đề xuất Quốc hội đề nghị chuyển một số dự án sang đầu tư công. Tháng 6 năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyển 3 dự án sang đầu tư công, cho phép năm 2022 hoàn thành 3 dự án này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể được chất vấn về tiến độ các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông (Ảnh: Quốc Chính). |
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng cho biết 3 dự án này có tiến độ hoàn thành từ 20-35%. Khó khăn lớn nhất là vấn đề về đất. Vừa qua Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết 60 và 133, thủ tục về đất đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay Bộ tập trung tiến độ hoàn thành dự án cuối năm 2022.
Đến tháng 2 năm 2021, do tình hình đấu thầu khó khăn, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyển 2 dự án sang đầu tư công, hoàn thành cuối năm 2023. 2 dự án này có tiến độ hoàn thành từ 2-5%. Bộ trưởng cũng cam kết sẽ hoàn thành tiến độ theo đúng Nghị quyết đặt ra.
Đối với 3 dự án theo hình thức PPP, Bộ trưởng cho biết vẫn đang rất khó khăn. Sau 1 thời gian triển khai BOT, các ngân hàng thấy khó khăn vì huy động ngắn hạn lại cho vay dài hạn. Sau khi kí hợp đồng với 3 nhà đầu tư theo hình thức PPP, quy định đưa ra là thu xếp vốn 6 tháng. Song đến thời điểm này sắp hết 6 tháng nhưng vấn đề thu xếp vốn khó khăn.
Bộ trưởng cũng thông tin, vừa qua đã phối hợp với NHNN và các bộ ngành tổ chức một số buổi làm việc. Theo thông tin Bộ trưởng nắm được, các ngân hàng chỉ cam kết cho vay 6.000 tỷ đồng trên 9.300 tỷ. Các nhà đầu tư phải đề xuất các nguồn huy động khác.
"Hiện nay chúng tôi đang tích cực làm việc để ký được các hợp đồng tín dụng. Nếu không ký được hợp đồng tín dụng thì không thực hiện được dự án", Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, vừa qua Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo hàng tháng sẽ chủ trì cuộc họp cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó có tháo gỡ 3 dự án PPP nêu trên.
"Mặc dù khó khăn nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn quyết tâm. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ làm việc với các bên, cố gắng phối hợp thu xếp nguồn vốn tín dụng. Qua đây cũng cho thấy các dự án PPP còn nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong nhận được sự đồng hành từ các bộ ngành, địa phương", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tác giả: Nguyễn Mạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí