Tôi cưới chồng vào tháng 12 năm vừa rồi. Tôi chưa muốn lập gia đình vội nhưng vì có thai trước nên đành chấp nhận vội vã về nhà chồng khi năm hết, Tết đến. Sau đám cưới, tôi chưa kịp nghỉ ngơi thì đã phải chuẩn bị lo Tết nhất ở một gia đình mới.
Nhà chồng tôi có 2 anh em, chồng tôi là con cả nên việc chuẩn bị Tết mẹ chồng "khoán trắng" cho tôi. Mặc dù con dâu mới mang thai được 2 tháng, bà vẫn tuyên bố: "Tết này mẹ và An (cô em chồng tôi) khỏe rồi. Năm nay nhà mình có dâu mới mà".
Tưởng bà đùa cho vui ai ngờ, trước Tết bà đã giao riêng cho tôi một núi công việc. Từ việc dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đến làm cơm cúng các cụ ngày Tết, bà đều bảo tôi phải đảm nhiệm. Trong khi đó bà và em chồng tôi chỉ hỗ trợ chút ít.
Chồng tôi làm ở một cơ quan nhà nước, ngày 30 và mùng 1 Tết năm nay anh phải trực. Vừa về một gia đình mới, chồng đi trực cả Tết, lại trong giai đoạn thai kỳ nên tâm trạng tôi hết sức buồn bã.
Nhưng mẹ chồng không nhận ra được điều đó. Bà quan niệm rằng, con dâu phải gánh vác việc nhà chồng nên Tết này bà muốn "thử tài" dâu mới.
Mới về nhà chồng, không muốn mất lòng ai nên tôi cứ lăn ra phục vụ, cung phụng. Những ngày cận Tết, tôi tranh thủ buổi trưa để đi mua sắm. Những ngày sau đó được nghỉ làm thì tôi dành cả ngày để lau dọn nhà cửa. Nhà chồng tôi rộng lại nhiều đồ đạc, việc dọn dẹp khiến tôi mệt mỏi vô cùng.
Ngày 30 Tết, làm từ sáng đến tối trong khi ăn uống không đảm bảo, không đúng giờ giấc khiến tôi mệt mỏi. Sau khi dọn nhà cửa, mẹ chồng lại giục giã chuẩn bị làm mâm cơm cúng chiều 30. Bà nói, chiều nay, bà và cô em chồng tôi đi chúc Tết sớm mấy họ hàng xa nên mâm cơm cúng tôi phải lo chu tất.
Đến ngày mùng 1, trong khi mọi người mặc quần áo đẹp đi du xuân, chúc Tết đầu năm thì tôi vẫn phải lo bữa sáng cho cả nhà, trưa và chiều phải làm mâm cơm cúng tổ tiên với không biết bao nhiêu món theo ý mẹ chồng.
Đến chiều tối mùng 1, mấy gia đình họ hàng nhà chồng đến chúc Tết và mọi người đều ở lại ăn cơm nên tôi lại phải chuẩn bị cơm nước cho hơn chục người.
Cả nhà ăn uống xong, tôi lại vào bếp dọn dẹp. Đi cùng đoàn hôm ấy có một số chị họ, em họ nên mọi người đều vào để lau dọn, rửa bát với tôi. Dù có người hỗ trợ nhưng lúc này tôi đã thấm mệt.
Khi đang đứng xếp bát, đũa vào chạn, tôi chóng mặt và thấy trời đất quay cuồng rồi chẳng biết gì nữa. Tỉnh dậy tôi thấy mình đã ở bệnh viện.
Xung quanh tôi là họ hàng nhà chồng và chồng tôi cũng đã về. Theo lời người em họ thì đang rửa bát tôi bị ngất xỉu. Mọi người hoảng hốt đưa tôi đi cấp cứu và gọi chồng tôi về.
Cũng từ lời em họ, tôi được biết, khi con dâu ngất, mẹ chồng tôi còn bảo chỉ nên đưa tôi vào buồng xoa bóp dầu cho tỉnh. Bà cho rằng: "Đầu năm không nên đưa người đi viện kẻo dông cả năm". Tuy nhiên, dưới sức ép của họ hàng bên chồng mọi người đã đưa tôi đến bệnh viện.
Bác sĩ trực cấp cứu hôm đấy đã mắng chồng tôi sa sả. Ông nói, tôi có bầu bí mà làm việc quá sức lại ăn uống không đảm bảo nên suy kiệt cơ thể. Mọi người ai cũng lo lắng cho mẹ con tôi trong khi mẹ chồng tôi vẫn cố nói xấu con dâu: "Chắc cả đời tiểu thư chả phải làm gì nên mới về làm dâu mấy hôm đã ra điều mệt".
Tôi nghe thấy nhưng vờ như không có gì, chỉ lặng lẽ gạt nước mắt. Tôi hận mình đã không tìm hiểu kỹ trước khi kết hôn, đã không biết giữ mình để suýt hại cả con. Từ hôm đó, chồng tôi về nhà làm đỡ hết các việc cho vợ nhưng lòng tôi vẫn chán ngán.
Tôi nhìn những thành viên trong gia đình chồng thấy ai cũng xa lạ. Họ là người dưng nước lã làm sao thương tôi mà tôi cứ cố làm vừa lòng họ? Mùng 3 Tết bố mẹ tôi mới biết chuyện. Ông bà giận lắm. Ông bà đánh xe ô tô đến đón thẳng tôi về nhà ngoại.
Hôm tôi về, em chồng còn ngồi cắn hạt dưa tanh tách. Cô ấy vừa xem ti vi vừa nói vọng ra: "Về nhà này mới mấy hôm đã gây họa".
Lúc mọi người xếp đồ đạc đưa tôi về, cô ấy cũng không thèm ra chào chị dâu một câu. Còn mẹ chồng, nghe tin con dâu về ngoại bà cũng chả đoái hoài gì. Từ sáng sớm bà đã rộn ràng trang điểm, diện váy vóc đi du xuân cùng mấy bà bạn trong tổ dân phố.
Từ hôm đó đến nay, tôi vẫn ở nhà mình để dưỡng thai. Chồng tôi một vài lần ngỏ ý tôi quay lại nhà chồng để anh chăm sóc nhưng nghĩ lại chuyện cũ tôi không muốn về.
Tác giả bài viết: Lê Thị Minh (Hà Tĩnh)
Nguồn tin: