Bị rạn xương chân trái, bác sĩ ghi nhầm thành gãy xương chân phải
Theo Phụ Nữ TP.HCM, ngày 18/10, nữ bệnh nhân T.T.K. (66 tuổi, quê Quảng Ngãi) đến khám tại Bệnh viện quận 10 TP.HCM do chân trái sưng, đau nhức sau khi bị ngã trong lúc di chuyển. Sau khi chụp X-quang, bác sĩ cho biết bệnh nhân bị gãy xương ngón chân.
Do bệnh ngoài phạm vi điều trị, bà K. được bác sĩ Bệnh viện quận 10 viết giấy chuyển viện đến Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM điều trị. Tuy nhiên, sau khi vô tình xem lại giấy chuyển viện, bệnh nhân phát hiện mình bị rạn xương chân trái nhưng bác sĩ đã ghi trong giấy thành gãy xương chân phải.
Bệnh viện Quận 10, TP.HCM - Nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Website bệnh viện. |
“Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 đã nhiều lần hỏi tôi bị đau chân phải hay chân trái. Tôi không ngờ bệnh viện quận lại có sai sót như vậy. Rất may, lúc đó bệnh nhân còn tỉnh táo có thể trao đổi với bác sĩ nên không xảy ra sự cố đáng tiếc”, người nhà bệnh nhân K. nói với Phụ Nữ TP.HCM.
Bác sĩ Lê Mạnh Tới, người tiếp nhận và viết giấy chuyển viện cho bệnh nhân, cho biết bệnh nhân K. đến khám bệnh vào lúc 19h30 phút ngày 18/10 trong tình trạng sưng đau bàn chân trái và gãy xương bàn ngón 5 chân trái sau chấn thương.
Sau khi thăm khám, bác sĩ Tới chỉ định chụp X-quang tại vị trí tổn thương và viết giấy chuyển viện cho bệnh nhân lúc 19h30 ngày 19/10.
“Lúc tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân K. còn khá nhiều bệnh nhân chờ khám nên tôi đã có sai sót. Tôi thừa nhận đã viết nhầm giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân. Tôi đã làm phiếu tự báo cáo sai sót chuyên môn trình ban giám đốc bệnh viện”, bác sĩ Tới nói.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bệnh viện ghi nhầm bệnh án cho bệnh nhân xảy ra ở Việt Nam.
Vợ sốc khi thấy kết quả siêu âm của chồng ghi... "có tử cung, buồng trứng"
Vợ anh T. (trú huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã thực sự sốc khi kết quả siêu âm của chồng ghi anh có tử cung và buồng trứng.
Sáng 10/9, anh N.H.T. (30 tuổi, xóm 11, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), đến Bệnh viện Đa khoa Thái An (TP Vinh), để thăm khám do bị đau bụng. Tại đây, anh được nội soi dạ dày và siêu âm ổ bụng.
Sau khi nhận kết quả, anh T. không đọc kỹ mà chỉ đưa cho bác sĩ kê đơn, lấy thuốc. Tối cùng ngày 10/9, vợ anh T. mang kết quả siêu âm của chồng ra xem thì hoảng hốt khi phát hiện trong đó có phần mô tả chồng mình "có tử cung, buồng trứng".
Kết quả siêu âm có ghi anh T. có tử cung, buồng trứng. |
Cụ thể, trong kết quả siêu âm của bệnh viện ngày 10/9, ghi rõ: Tử cung, phần phụ kích thước bình thường, âm vang đồng nhất... buồng trứng hai bên nhu mô và kích thước bình thường. "Sau khi xem lại kết quả siêu âm, thấy phía trên ghi tên mình, giới tính Nam rõ ràng nhưng phía dưới lại có phần mô tả tử cung, buồng trứng nên tôi hoang mang. Sau đó, do lo lắng tôi không dám uống thuốc tiếp", anh T. chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Thái Khắc Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Y tế Nghệ An, người điều hành Bệnh viện Thái An - thừa nhận để xảy ra sự việc trên là do lấy nhầm mẫu định sẵn trong máy tính đối với bệnh nhân nữ, đây là lỗi đánh máy của điều dưỡng.
Khám ở BV Quân đội 108, cụ ông 85 tuổi được chỉ định siêu âm thai
Chiều 15/8, đại diện Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108 xác nhận thông tin trước đó về việc cụ ông 85 tuổi được chỉ định siêu âm thai khi đến khám.
Đại diện BV Trung ương Quân y 108 cho biết đó là trường hợp bệnh nhân Trần T.L. (85 tuổi), thuộc diện bảo hiểm y tế, tới khám bệnh tại Phòng khám Tiết niệu của BV vào ngày 8/8 vừa qua. Do sơ xuất, trong phiếu yêu cầu siêu âm, phần yêu cầu xét nghiệm của bác sĩ BV đã ghi: "Siêu âm Doppler thai nhi (thai, nhau thai, dây rốn, động mạch tử cung)".
Phiếu yêu cầu siêu âm của cụ ông 85 tuổi. Ảnh: Zing. |
Giải thích sự nhầm lẫn này, đại diện bệnh viện cho biết: “Qua rà soát lại quy trình khám bệnh, chúng tôi thấy bác sĩ tại phòng khám chuyên khoa tiết niệu đã cho chỉ định siêu âm tiền liệt tuyến cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do danh mục siêu âm hiện nay của bệnh viện có 73 mục và mục siêu âm Doppler thai nhi nằm ngay gần siêu âm tiền liệt tuyến vì vậy đã lựa chọn nhầm xét nghiệm này khi in phiếu chỉ định siêu âm cho bệnh nhân”.
Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng khẳng định đây chỉ là phiếu yêu cầu siêu âm. Ngay khi phát hiện sai sót, bác sĩ khám bệnh đã lập tức cho in lại phiếu siêu âm tiền liệt tuyến cho bệnh nhân. Đồng thời, bác sĩ đã xin lỗi gia đình về sơ xuất này. Gia đình cũng hoàn toàn đồng ý với giải thích của bác sĩ.
“Việc này cũng không gây ảnh hưởng gì đến kết quả chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân”, đại diện bệnh viện nhấn mạnh.
Sau sự việc này, bệnh viện đã rà soát lại quy trình khám chữa bệnh và phê bình, xử phạt đối với các nhân viên có liên quan, đồng thời, rút kinh nghiệm để phục vụ bệnh nhân tốt hơn.
Tác giả: Thảo Nguyên (TH)
Nguồn tin: Báo Kiến thức