Xã hội

Bi hài chuyện 'lên kế hoạch' để 'vỡ kế hoạch'

Thời gian qua, tình trạng sinh con thứ ba trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An vẫn tồn tại khá phổ biến. đòi hỏi các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các chính sách DS-KHHGĐ.

Lên kế hoạch để... “vỡ kế hoạch”

Qua khảo sát, tại huyện Quế Phong, từ năm 2014 đến nay đã phát hiện 343 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, tuy nhiên mới chỉ xử lý 181 trường hợp trong số này. Theo báo cáo của UBND huyện, chính phong tục tập quán lạc hậu cùng nhận thức pháp luật còn hạn chế của người dân, cộng với nguồn kinh phí đầu tư cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình còn eo hẹp là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới vi phạm chính sách dân số, ảnh hưởng đến chất lượng dân số tổng thể của địa phương.

Ngoài những nguyên nhân trên, báo cáo trình HĐND tỉnh của UBND huyện Quế Phong còn chỉ ra rằng chính việc không kịp thời cấp các phương tiện tránh thai miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của đối tượng sử dụng là một trong những căn nguyên khiến việc đảm bảo tuân thủ chính sách dân số - KHHGĐ còn gặp lắm khó khăn.

Đoàn khảo sát HĐND tỉnh tìm hiểu việc thực hiện chính sách hỗ trợ dân số, y tế tại xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn). Ảnh: Thu Giang

Trong khi đó, tại huyện Nghĩa Đàn, tỷ lệ sinh con thứ 3 còn khá cao trong giai đoạn từ năm 2014-2016, với hơn 1.100 trường hợp vi phạm chính sách dân số đã được xử lý. Theo bà Văn Thị Hồng Lam - Trưởng phòng Y tế huyện Nghĩa Đàn, thực trạng này xảy ra không chỉ do trình độ dân trí chưa cao hay do sinh con một bề, mà có thể còn bởi người dân hiện có tâm lý “thêm con thêm của”.

Để chứng minh rằng trình độ nhận thức cũng như khả năng tiếp cận thông tin qua nhiều kênh một cách nhanh chóng của một bộ phận không nhỏ người dân địa phương, bà Lam viện dẫn: “Khi chúng tôi vừa nghe thông tin đảo chiều tháp dân số, Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số già thì đã nhận được điện thoại của nhiều người dân hỏi “chị ơi có phải bây giờ được đẻ thoải mái không”, nghĩa là họ cập nhật thông tin rất nhanh, rất kịp thời”.

Từ theo dõi thực tế tại huyện Nghĩa Đàn, Trưởng phòng Y tế huyện lý giải thêm, so với trước trình độ dân trí đã có nhiều cải thiện, nhưng tình trạng sinh con thứ 3 vẫn phổ biến là vì các gia đình muốn sinh thêm con nhằm mục đích… “dự phòng”. Xã hội hiện nay ngày càng phát triển, song kéo theo đó là những mặt trái xuất hiện, tiềm ẩn nguy cơ cướp đi sinh mệnh các thành viên trong gia đình một cách đột ngột, chẳng hạn như trong các trường hợp do tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, mắc bệnh nan y,…Vì thế, một số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, dù trình độ học vấn không hề thấp, và đã được phổ biến chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, song vẫn lên kế hoạch để “vỡ kế hoạch”!

Vai trò cộng tác viên dân số

Nhìn chung, các địa phương thuộc diện khảo sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ về dân số vùng dân tộc thiểu số đều xác định rằng, làm tốt công tác dân số sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện nói riêng và khu vực miền Tây nói chung, từ đó cải thiện mức sống của nhân dân, nâng cao chất lượng dân số và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách này, UBND huyện Tân Kỳ kiến nghị Trung ương cần đầu tư hơn nữa đối với công tác dân số - KHHGĐ, đặc biệt là kinh phí truyền thông, kinh phí cho các đề án. Ngoài ra, huyện cũng đề đạt nguyện vọng, mong UBND tỉnh có quy định cụ thể để xử lý nghiêm các đối tượng sinh con thứ 3 trở lên, tránh kiểu xử phạt mang tính hình thức.

Dân trí còn hạn chế là một nguyên nhân tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thu Giang

Song song với đó, đa phần các địa phương đều thống nhất quan điểm cần nâng cao hơn nữa vai trò của cộng tác viên dân số và có cơ chế tăng mức hỗ trợ cho những người làm công tác này tại cơ sở. Tuy nhiên, mỗi đơn vị lại có hướng đề xuất riêng. Đơn cử, huyện Tân Kỳ cho rằng cần có cơ chế để tăng mức hỗ trợ cho công tác viên dân số tại các xóm bản từ mức hưởng 0,1 hệ số lương cơ bản như hiện nay lên mức 0,2 hệ số lương cơ bản.

Trong khi đó, tại phiên thảo luận trực tiếp với đoàn khảo sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đại diện huyện Nghĩa Đàn cho rằng nên có cơ chế gộp chức danh cộng tác viên dân số và nhân viên y tế thôn bản, bởi kiêm nhiệm vừa tăng mức hỗ trợ, vừa phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả cao hơn. Cùng chung quan điểm, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải khẳng định động thái này thuộc thẩm quyền của huyện, và cho biết thêm tỉnh đang khuyến khích kiêm nhiệm các vị trí ở các cấp, bớt người đi, tăng phụ cấp lên, khuyến khích họ làm tốt hơn.

Tựu trung, đây đều là những vấn đề đang tồn tại các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở miền Tây, nảy sinh trong quá trình triển khai áp dụng các chính sách hỗ trợ về dân số cho các đối tượng này. Đánh giá việc thực hiện các chính sách sau từng giai đoạn là điều cần thiết, góp phần sớm nhận diện những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ trong thực tiễn, là cơ sở để những đại biểu nhân dân nghiên cứu, thảo luận và đề đạt hướng khắc phục, thực hiện các chính sách dân số - KHHGĐ tốt hơn, nhất là tại các huyện trung du, vùng cao.

Miền Tây Nghệ An gồm 11 đơn vị hành chính cấp huyện, dân số tính đến ngày 5/4/2017 là 1.105.683 người (chiếm 41% dân số toàn tỉnh), mật độ dân số bình quân 40 người/km2 (chung toàn tỉnh 184 người/km2). Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 442.787 người (chiếm 40% dân số toàn miền), gồm 6 dân tộc anh em sinh sống.

Tác giả: Thu Giang
Nguồn: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP