Theo những chuyên gia, giáo dục giới tính là dạy làm người, giúp trẻ tự tin, hiểu và quý trọng giá trị bản thân…
Giấu cha mẹ vì sợ bị la
Vũ Trân, học sinh Trường THPT N. (TP.HCM), cho biết trước giờ Trân chỉ được tham gia hai buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính: một lần vào năm học lớp 8 và lần khác vào năm lớp 10.
Trân chia sẻ: “Báo cáo viên nói về bạn nam, bạn nữ độ tuổi dậy thì sẽ ra sao, về quá trình thụ thai, cách quan hệ tình dục an toàn nhưng khuyến cáo không được ‘quan hệ’ sớm… Còn những chuyện khác như đồng tính, phòng tránh xâm hại tình dục chẳng hạn, tụi em cũng muốn nghe nhưng không được đề cập”. Theo Trân, mỗi lần như vậy, nhà trường tập trung 5 - 6 lớp, có khi đến 10 lớp nên không khí rất loãng, khó tiếp thu.
Đặc biệt, nữ sinh này “bật mí”: “Tới lớp 8 là nhiều đứa trong nhóm tụi em đã biết hết chuyện trai gái rồi, chủ yếu là tự tìm hiểu trên internet và ở ngoài đời. Em chơi chung với cả mấy đứa con trai nên biết tụi nó hay xem phim sex, vào lớp bàn tán con nhỏ này xinh, đứa kia ngực lép quá hay to quá…”.
Trân cho hay trước đây, Trân và nhóm bạn thân được một thành viên trong nhóm thú nhận là mới “làm chuyện ấy” xong, đang lo lắng dính bầu. Trân bộc bạch: “Nó xem tụi em là bạn rất thân nên mới nói thiệt. Lúc đó, tụi em đã giục nó đi mua thuốc tránh thai”.
Chúng tôi hỏi: “Những chuyện như vậy, các em có kể cho ba mẹ biết không?”. Trân đáp ngay: “Chắc chắn là tụi em không dám nói cho người lớn nghe, vì sợ bị la, sợ bị đánh giá này nọ. Người lớn hay bảo tuổi này lo học đi, đừng có bày đặt yêu đương. Cho nên tụi em ‘tự xử’ hết, cái gì không biết thì hỏi nhau hoặc lên mạng tìm kiếm”.
Thiên Mi, một học sinh lớp 12, ngụ tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận thổ lộ: “Ở quê em, nhiều bạn đã biết ‘chuyện ấy’ rồi. Không ít đứa nhỏ tuổi hơn hoặc bằng tuổi em mà đã có thai, rồi làm đám cưới. Theo em, nhà trường phải quan tâm hơn nữa, phải giáo dục giới tính một cách nghiêm túc và sát thực tế hơn”.
Ở góc độ phụ huynh, bà Nguyễn Thị Mai (công nhân vệ sinh, ngụ ở Q.4, TP.HCM) tỏ ra lo lắng cho đứa con trai đang tuổi dậy thì có thể gặp nhiều cám dỗ. Bà Mai nhìn nhận: "Tui bận tối mắt tối mũi, nên không có thời gian quan tâm đến nó. Nó coi phim sex hay làm gì thì mình đâu có quản được. Tui chỉ biết dỗ ngọt nó: Nhà mình khổ lắm rồi, con đừng làm gì bậy bạ để mẹ và gia đình buồn nghe! Chẳng biết nó có tiếp thu không, chỉ im lặng”.
Càng cấm càng gây tò mò
Phụ trách chương trình bảo vệ trẻ em của Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam, ông Nguyễn Lữ Gia nhận định: Giáo dục giới tính bây giờ không còn là vấn đề quá nhạy cảm đối với giáo viên cũng như học sinh. Tuy nhiên, việc giảng dạy đề tài này trong các trường còn lớt phớt, chưa đảm bảo chất lượng, nhiều nơi làm cho có.
Khuyến khích để trẻ nói ra những khúc mắc, trong đó có vấn đề về giới tính - Ảnh: Như Lịch
Theo ông Lữ Gia, học sinh cần có điểm tư vấn học đường để giãi bày những khúc mắc về tình cảm, giới tính, sự phát triển của cơ thể trong lứa tuổi dậy thì… “Thế nhưng, hệ thống tư vấn học đường đang hoạt động hết sức ì ạch và chưa mang lại hiệu quả. Đến bây giờ, nó vẫn còn là một cái gì đó đang thử nghiệm. Trường nào có ban giám hiệu tâm huyết thì họ duy trì, còn nếu không thì bị thả nổi. Rất nhiều trường hiện không có phòng tư vấn học đường”, ông Nguyễn Lữ Gia thẳng thắn nêu ý kiến.
Từ thực tế trên, ông Lữ Gia cho rằng khi có nhu cầu, thắc mắc mà không được giải đáp thỏa đáng, trẻ sẽ tự tìm hiểu thông tin, bất kể ở những kênh thiếu chính xác và không mang tính giáo dục. Và chính điều đó sẽ dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc.
Ông Trần Công Bình, chuyên gia Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc - UNICEF, so sánh: Nhiều người Việt Nam quan niệm giáo dục giới tính là nói về bộ phận sinh dục, quan hệ nam nữ nên họ thường né tránh và không muốn nói sớm. Trong khi đó, tại những nước phát triển, thông thường ở lớp cuối của bậc mầm non, người ta đã hướng dẫn cho trẻ kiến thức về giới tính. Tất nhiên, tùy theo bối cảnh, độ tuổi của trẻ, họ sẽ chọn lựa nội dung và phương pháp truyền đạt thích hợp.
Theo ông Bình, giáo dục giới tính cần phải được hiểu theo nghĩa rộng. Nó là một phần rất quan trọng trong lĩnh vực giáo dục phát triển về nhân cách cho trẻ, bao gồm tâm sinh lý, quan hệ xã hội, những kỹ năng, cách thức để trẻ thích ứng với cuộc sống có nhiều cơ hội lẫn nguy cơ như hiện nay...
Ông Bình chỉ ra một điều bất hợp lý: “Tôi thấy gần đây khá nhiều phụ huynh không cho con tiếp cận điện thoại thông minh, internet, mạng xã hội. Họ cho rằng internet ẩn chứa nhiều mối nguy và cạm bẫy với con họ qua những trang web đen, hình ảnh đồi trụy, dâm ô… Cho nên, họ nghĩ là tốt hơn hết phải ngăn không cho con em tiếp xúc để họ có cảm giác an toàn”.
Vị chuyên gia này cho rằng trẻ em bây giờ rất thông minh và nhanh nhạy. Vả lại, tâm lý con người là càng cấm thì càng dễ tạo sự tò mò, kích thích, nên trẻ sẽ tìm mọi cách để tiếp cận các thông tin. Vì vậy, thay vì cấm đoán hay né tránh, phụ huynh cần đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ cho trẻ sử dụng và làm chủ được các thiết bị hiện đại này cũng như làm chủ được bản thân.
Tác giả bài viết: Như Lịch