Gia đình ông Nguyễn Xuân Thanh tại Campuchia. Ảnh: Gia đình cung cấp
May mắn được cứu sống
Tháng 2/1982, ông Nguyễn Xuân Thanh (SN 1962, quê ở thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) nhập ngũ vào đơn vị Hòm thư 9R-191, TP HCM, cấp bậc chiến sỹ, nhiệm vụ lái xe đầu kéo, kéo các loại pháo vào trận địa.
Cuối tháng 11/1991, gia đình ông Thanh nhận được giấy của do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình (ký ngày 20/11/1991), xác nhận chiến sỹ Nguyễn Xuân Thanh “mất tin” từ tháng 9/1986 nhưng không rõ “mất tin” tại nơi nào trên đất nước Campuchia. Từ đó đến nay, gia đình ông Thanh luôn nghĩ rằng ông đã chết ở bên nước bạn. Do vậy, hàng năm cứ đến ngày 11/10, gia đình lại hương khói, làm giỗ cho ông đủ đầy. Thế nhưng sau hơn 30 năm, đến giữa tháng 7/2016, cả nhà ông Thanh sửng sốt khi một người đàn ông nói tiếng Campuchia, lâu lâu mới trọ trẹ được một từ tiếng Việt xuất hiện và nhận mình là người con trai cả trong nhà.
Anh Nguyễn Đức Châu (em trai út ông Thanh) cho biết: “Tôi từng nghe nhiều trường hợp liệt sỹ trở về sau hàng chục năm được công nhận liệt sỹ, nhưng thật sự không ngờ điều này cũng xảy ra tại nhà tôi. Đến giờ tôi vẫn cảm giác như một câu chuyện cổ tích có thực, anh trai tôi vẫn còn sống trở về sau 30 năm chúng tôi hương khói”.
Bà Dương Thị Giót (83 tuổi, mẹ ông Thanh).
Khi chúng tôi đến, ông Thanh đã trở lại Campuchia vì nhiều lý do. Tuy nhiên, câu chuyện trở về đầy bất ngờ của ông vẫn được người dân trong làng truyền tai nhau.
Theo lời kể của anh Châu, vào tháng 9/1986, ông Thanh cùng 5 đồng đội nữa trong đơn vị có chuyến công tác đến phun (thôn) Puk Chhma, khum (xã) Anlong Vill, huyện Sangkae, tỉnh Battambang, một tỉnh ở vùng Tây Bắc Campuchia thì lọt vào ổ phục kích tàn dư Pôn Pốt.
Cả 6 người họ đều bị bắt và bị địch tra tấn dã man bằng báng súng AK. Sau đó, đám tàn dư Pôn Pốt lần lượt giết chết từng người, đến người cuối cùng là ông Thanh thì may mắn được một người đàn ông Campuchia tên Sooc Thia dùng tiền bạc, gạo trắng hối lộ rồi đưa về nhà chăm sóc.
“Anh trai tôi kể, khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm tại một ngôi nhà ở phun Puk Chhma. Lúc đó, anh tôi không còn nhớ gì về quá khứ, không nhớ mình là ai nữa. Rồi họ đặt tên mới cho anh tôi là Soocvana”, anh Châu cho biết.
Sooc Thia - người cứu sống ông Thanh biết ông là bộ đội tình nguyện Việt Nam nhưng vì ông Thanh bị mất trí nhớ nên họ bảo làm người Campuchia. Sau đó, Sooc Thia gả con gái của mình là Sooc Hiêng cho ông Thanh.
Tìm đường về nhà qua những mảnh vụn ký ức
Ông Nguyễn Xuân Thanh, người trở về sau hơn 30 năm .
Vợ chồng Soocvana (tên của ông Thanh) và Sooc Hiêng đến với nhau không cưới hỏi gì, nhưng 30 năm qua họ sống rất hạnh phúc, rồi lần lượt có với nhau 6 đứa con (3 trai, 3 gái).
Chậm rãi nhớ lại những câu chuyện mà anh trai kể, anh Châu nói tiếp: “Chị Sooc Hiêng (vợ của ông Thanh) là một người rất tốt tính. Chị ấy nói rằng, trước đây chị ấy cũng từng bị bắt và được bộ đội Việt Nam cứu nên rất có cảm tình với bộ đội Việt Nam. Sau này lấy anh tôi, sức khỏe anh ấy không tốt, phải thường xuyên đi bệnh viện nhưng chị thương và chăm sóc anh rất chu đáo. Chị còn cùng các con cố tìm các phương thuốc đặc trị thần kinh để chạy chữa, giúp anh tôi khôi phục trí nhớ”.
Không ai rõ từ đâu nhưng trí nhớ ông Nguyễn Xuân Thanh cũng dần được phục hồi. Mới đầu, bật lên trong tâm trí ông là cái tên Lan (người vợ ở Việt Nam của ông), họ chỉ mới sống với nhau vỏn vẹn được một tháng.
Sau đó, tên bố Mua, mẹ Giót, rồi các địa danh ở Việt Nam như: cây Đa, chợ Động, ga Thuận Lý lần lượt hiện lên trong đầu ông Thanh. Ông đem chuyện này kể với vợ con và nói với họ muốn về Việt Nam tìm lại người thân xem ai còn, ai mất.
Vợ con ông Thanh khuyên ông lên Lãnh sự quán Việt Nam tại PhnomPenh hỏi nhưng vì không chứng minh được mình là người Việt Nam nên ông đành bất lực trở về. Từ đây, ông nuôi ý chí tìm đường trở về Việt Nam, tìm lại người thân.
Đến giữa tháng 7/2016, ông Thanh được vợ con chuẩn bị hành trang, đổi tiền Việt rồi dò la đường cho ông trở về. Hơn 30 năm xa cách, ông Thanh lên xe từ Campuchia thẳng về TP HCM.
Từ những mảnh ký ức vụn, ông đến ga Sài Gòn hỏi tên ga Thuận Lý thì được nhân viên đường sắt cho biết bây giờ đã đổi tên thành ga Đồng Hới, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Về đến ga Đồng Hới, ông tiếp tục hỏi dò những cái tên như: Chợ Động, cây đa... Cuối cùng, ông được một bác xe ôm chở về nơi có chợ Động (thuộc xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).
Chợ Động vẫn còn đây, cây đa vẫn đứng đó, người ta nhìn thấy một người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần khó khăn lắm mới trọ trẹ được vài từ tiếng Việt, tạt vào ngôi nhà ven đường hỏi nhà ông Mua, bà Giót. Được người dân mách rằng, ông Mua đã mất, còn bà Giót thì mù lòa vì khóc thương đứa con trai đầu tên Thanh đi bộ đội bị “mất tin” hơn 30 năm nay nhưng chưa được công nhận là liệt sỹ. Nghe xong, người đàn ông nước mắt đầm đìa đi theo sự chỉ dẫn tìm về ngôi nhà mà hơn 30 năm qua ông không có cơ hội trở về, với dòng ký ức vụn bắt đầu hiện rõ.
(Còn tiếp)
Tác giả bài viết: Đức Hoàng – Minh Khang
Nguồn tin: