3 lần khám, 2 kết quả
Cháu tôi là N.T.H làm nghề chạy xe ô tô dịch vụ. Nhiều lần chở khách từ nông thôn đi bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh và ra cả bệnh viện Trung ương, nên có rất nhiều thông tin về bệnh nhân khi phải “đi hết cửa này đến cửa nọ”. tiện thể đưa bệnh nhân đi khám, cháu tôi tranh thủ kiểm tra tổng thể sức khỏe luôn. Gần đây, cảm thấy thường bị đau bụng lâm râm, cháu tôi đi khám lần đầu ở Bệnh viện huyện Yên Thành. Sau khi siêu âm ổ bụng, bác sỹ chẩn đoán bị “sỏi niệu quản”. Hôm sau, chở khách vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, cháu tôi đăng ký khám dịch vụ để kiểm tra lại kết quả này. Kết quả khám ở bệnh viện tỉnh, bác sỹ kết luận: Ổ bụng bình thường, không phát hiện thấy sỏi. Nghi viêm đường tiết niệu.
Bệnh viện Đa khoa TP Vinh- nơi đang ươm mầm Y đức |
Gần đây, những cơn đau bụng âm ỉ lại tái diễn thường xuyên hơn, nghe nhiều người khen trình độ bác sỹ và chất lượng dịch vụ ở Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, cháu tôi quyết định vào cơ sở y tế này kiểm tra lại. Kết quả siêu âm ở Bệnh viện Đa khoa TP Vinh là: Có sỏi, đường kính 11cm ở niệu quản. Theo lời khuyên của bác sỹ, cháu tôi quyết định nhập viện để mổ nội soi ngay. Thủ tục nhập viện, xét nghiệm... được làm nhanh gọn ngay sau đó với số tiền viện phí bệnh viện tạm thu là 2 triệu đồng. Cháu tôi được bác sỹ cho về nhà và hẹn 8 giờ sáng hôm sau đến làm thủ tục mổ.
Tối hôm đó, bố cháu (anh rể tôi) gọi điện cho tôi, bảo: “Cậu có ở Vinh không? Sáng mai cháu vô viện mổ sỏi niệu quản đấy”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Sao không thấy cháu gọi trao đổi mà tự ý quyết định mổ nhanh vậy? Nhỡ mổ ở tỉnh mà có sự cố gì thì làm sao? Phải ra bệnh viện Trung ương chứ”. “Không, cháu làm thủ tục mổ ở Bệnh viện thành phố Vinh vào sáng mai rồi”. Tôi ngạc nhiên và có chút bực mình. Tôi vin vào lý do đang đi công tác, không ở Vinh, để bố con cháu tự quyết định thì tự chịu trách nhiệm lấy. Tôi không can thiệp, nhờ vả gì hết!
Một sự ngạc nhiên không hề nhẹ…
Khoảng 10 giờ sáng, tôi sốt ruột gọi cho anh rể (bố cháu): “Cháu mổ thế nào rồi anh, xong chưa?”. “Chưa, cháu vừa mới vô phòng mổ được 20 phút”. “Anh đã bồi dưỡng cho kíp mổ chưa?”. “Chưa, cháu nó bảo là không cần bồi dưỡng chi hết”.
|
Mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh khám cho khoảng 2,5 ngàn lượt bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân ngoại tỉnh và các huyện khác đến |
Xong việc, tôi chạy ngay tới bệnh viện. Đây là lần đầu tiên tôi đến Bệnh viện Đa khoa TP Vinh. Ngay từ cổng vào, nhân viên bảo vệ, nhân viên hướng dẫn bệnh nhân/người nhà bệnh nhân, cả 2 dãy phòng khám đông nghịt người… đều được chỉ dẫn rất tận tình với thái độ cởi mở, ân cần. Một cảm giác rất khác biệt so với nhiều bệnh viện tuyến tỉnh mà tôi đã từng đến.
Hỏi về phòng mổ, mấy nhân viên hướng dẫn đều trả lời: “Bác đi lối này”, “Bác lên lối kia, rẽ phải ạ”. Từ tầng 1 lên tầng 2 (phòng mổ) chỉ có 1 cầu thang máy, nhưng không hề có biển “thang dành riêng cho nhân viên” như ở một số cơ sở y tế tôi đã đến, mà được sử dụng chung. Nhân viên điều dưỡng, bác sỹ đều mặc quần áo blue trắng, có lô-gô tên bệnh viện in nhỏ xinh trước ngực trái. Họ sẵn sàng nhường cho bệnh nhận hoặc người nhà bệnh nhân đi trước nếu thang máy đã quả tải.
Tôi hỏi một số người nhà bệnh nhân đang ngồi chờ ở dãy ghế bên ngoài phòng mổ: “Bác bồi dưỡng kíp mổ bao nhiêu?”. “Không anh ạ!”. “Còn bác. Có mất tiền phong bì cho bác sỹ không?”. “Không mô anh nạ”… Anh rể tôi chờ cháu phẫu thuật cũng ở đây, nhưng đang lim dim ngủ trên chiếc ghế da. Tôi đánh thức anh dậy hỏi: “Cháu mổ mà anh còn ngủ được à?”. Anh rể tôi bảo: “Vô từ khi nớ đến giờ mà chưa thấy ra. Không biết răng trong nớ, cậu hỏi xem thế nào?”. Tôi đến cửa phòng mổ, trên cửa có 1 ô vuông nhỏ đủ để nhìn vào bên trong. Tôi gõ cửa. Một người mặc áo xanh lá cây đi ra hỏi: “Có việc gì không bác?”. “Cho tôi hỏi, cháu N.T.H mổ xong chưa mà lâu không thấy chuyển ra?”. “Đang mổ bác ạ, sắp xong rồi. Vì phải ưu tiên cho các trường hợp cấp cứu nên vừa mới đến lượt bệnh nhân H. Bác yên tâm, lúc nào xong, cháu sẽ gọi ạ”. Tôi thật sự thấy hài lòng khi chứng kiến thái độ và cách trả lời của nhân viên này. Tôi quay ra nói với anh rể: “Anh yên tâm, cháu mổ sắp xong rồi. Khi nào xong họ sẽ gọi”.
Tôi tranh thủ dạo một vòng quanh bệnh viện, phần vì tò mò, phần vì ngạc nhiên, phần nữa vì muốn kiểm chứng lại những gì đã được nghe, được thấy ở bệnh viện này…
Do mặt bằng còn “khiêm tốn” nên Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đã rơi vào tình trạng quá tải. Bệnh viện đã phải kê thêm giường ngoài hành lang để phục vụ bệnh nhân nội trú. |
Nơi ươm mầm Y đức.
Tôi đi một vòng qua các tầng, các khoa, các điểm dịch vụ của Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, cả 28 khoa, phòng của bệnh viện, tôi đều bắt gặp những gương mặt trẻ. Bác sỹ và điều dưỡng đều đang ở độ tuổi tràn đầy năng lượng. Những bước chân nhanh nhẹn, thoăn thoắt; những gương mặt dễ gần, những giọng nói nhẹ nhàng, chừng mực... thật ấn tượng. Tôi dừng lại ở văn phòng của khoa, nơi có nhiều bác sỹ, điều dưỡng đang tất bật với công việc. Thấy tôi đứng đọc thông tin ở phía ngoài, một điều dưỡng ra mở cửa, hỏi: “Bác có cần giúp gì không?”. “Bác muốn tìm đến khoa ngoại”. “Bác rẽ tay trái, hết hành lang này là đến ạ”…
Ca mổ nội soi tán sỏi niệu quản của cháu tôi đã xong từ khi nào, cháu được chuyển ra phòng hậu phẫu. Vì mỗi bệnh nhân chỉ được 1 người nhà vào chăm sóc, tôi gọi anh rể ra để tôi được vào với cháu. Nhìn thấy tôi, cháu cười tươi, không có chút biểu hiện gì của sự đau đớn hay mệt mỏi của ca phẫu thuật vừa phải trải qua. Tôi hỏi cháu: “Ổn không?”. Cháu cười: “Ổn cậu ạ”...
Tôi quyết định gặp giám đốc bệnh viện để nói lời cảm ơn. Sau tiếng gõ cửa, trong phòng vọng ra giọng nói: “Xin mời vào!”. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vinh là bác sỹ Nguyễn Hồng Trường, còn khá trẻ. Sau cái bắt tay, tôi giới thiệu mình là nhà báo, có đứa cháu vừa mổ nội soi sỏi niệu quản tại đây. Bác sỹ Trường “à” một tiếng và hỏi: “Cháu mổ xong rồi chứ anh? Gia đình có băn khoăn gì không ạ?”. Tôi đùa: “Có một băn khoăn rất lớn, đó là tôi không thấy ai phàn nàn về “nạn phong bì” trong bệnh viện này”. “Ồ… Cái đó thì ở đây không có anh ạ. Bệnh viện đã lắp Camera khắp nơi, kể cả trong phòng mổ, nếu bác sỹ hay nhân viên, cán bộ nào bị phản ánh, chúng tôi chấn chỉnh ngay. Ở đây quán triệt chung một tinh thần là: “Vì bệnh nhân phục vụ”. Nụ cười của bác sỹ Trường thật hào sảng và tự tin, bởi chính anh đã thấu hiểu hơn ai hết về đội ngũ nhân viên của mình.
Với quyết tâm: “Đổi mới toàn diện - Phát triển bền vững - Hài lòng người bệnh”, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đang từng bước chinh phục lòng người |
Hỏi về số liệu trong ngày, bác sỹ Trường nói rất cụ thể: Số lượng bệnh nhân khám: khoảng hai ngàn rưỡi; số bệnh nhân điều trị nội trú: bảy trăm; có khoảng 40% bệnh nhân đến từ các huyện khác, trong đó có cả bệnh nhân ở tỉnh Hà Tĩnh. Họ đều được hưởng chế độ BHYT như nhau. Hỏi về chất lượng đội ngũ y, bác sỹ của bệnh viện, bác sỹ Trường khẳng định: “Cả bệnh viện có 550 cán bộ, nhân viên, trong đó có 150 bác sỹ. 100% bác sỹ ở đây được đào tạo chính quy, 15 bác sỹ CK2, 40 bác sỹ CK1, có ¾ bác sỹ ở đây có tuổi đời sinh năm tám mươi về sau này. Có 20 bác sỹ tốt nghiệp loại giỏi”. Tôi băn khoăn: “Sao vẫn thấy nhiều bệnh nhân nằm ngoài hành lang vậy anh?”. Bác sỹ Trường giải thích: “Bệnh viện hiện nay đang trong tình trạng quá tải. Số giường bệnh theo kế hoạch là 450 giường nhưng phải điều trị nội trú cho khoảng 700 bệnh nhân”.
So với nhiều bệnh viện ở Nghệ An tôi đã đến, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh bị coi là quá bé về diện tích mặt bằng. Thế nhưng, với chất lượng dịch vụ và y đức của đội ngũ điều dưỡng, bác sỹ ở đây lại là điều mà nhiều bệnh viện khác nên ghi nhận. Bài viết này tôi xin được thành thật ghi nhận rằng: Dù ở đâu đó còn có những thầy thuốc chưa làm tròn bổn phận “Lương Y như từ mẫu”, nhưng ở trong lòng TP Vinh thân yêu này, đang có một cơ sở y tế mà từ nhân viên tới lãnh đạo đang chinh phục lòng người.
Tác giả: Trần Cường
Nguồn tin: hoanhap.vn