Sáng 22/6, lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên xác nhận trên VOV, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa xảy ra một vụ ngộ độc sắn thương tâm, khiến một trẻ nhỏ tử vong và 2 cháu bé khác phải đi cấp cứu.
Theo lời kể của anh Y Cân Du - cha của cháu bé bị ngộ độc sắn, tối 20/6, nhà em họ của anh ở buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk có luộc một nồi sắn, nhưng do đắng quá nên không ai ăn.
Trưa 21/6, bé H’Nguyệt D. (9 tuổi), H’Uynh D. (6 tuổi) và H’Lệ Hòa D. (3 tuổi, cùng ngụ xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) tự luộc sắn ăn khi không có người lớn ở nhà.
Sau khi ăn sắn được một lúc, cả 3 cháu nhỏ đều có biểu hiện đau bụng, nôn ói, người tím tái. Người nhà lập tức đưa 3 cháu đi cấp cứu tại trung tâm Y tế Huyện Lắk.
Tuy nhiên, bé H’Uynh D. đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Thi thể bệnh nhân đã bàn giao cho gia đình tổ chức hậu sự.
Hiện con anh Y Cân Du và 1 người cháu họ khác đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện huyện Lắk và bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bác sĩ bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đang thăm khám cho cháu bé bị ngộ độc sắn. (Ảnh: VOV) |
Từ vụ ngộ độc trên, nhiều phụ huynh vô cùng hoang mang, lo lắng vì họ vẫn thi thoảng chế biến loại nông sản này cho cả gia đình thưởng thức.
Theo các bác sĩ, sắn là sản phẩm nông sản phổ biến ở Việt Nam được dùng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm. Tuy nhiên trong sắn củ, lá sắn có chứa một lượng acid cyanhydric (HCN) đáng kể có thể gây ngộ độc.
Các nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm do HCN trong sắn là do sử dụng sắn đắng, sắn cao sản (sắn công nghiệp) có chứa hàm lượng HCN cao; sơ chế và chế biến không bảo đảm an toàn (chưa bóc hết vỏ sắn trước khi luộc, chưa rửa và ngâm sạch và luộc sắn chưa kỹ…).
Các biểu hiện chính khi ngộ độc cyanhydric cấp tính ở người là hội chứng nhiễm độc thần kinh.
Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ngộ độc nhanh chóng sau khi ăn sắn và các sản phẩm chế biến từ cây sắn (lá sắn muối chua…) với các biểu hiện lâm sàng như: buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy; ù tai, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi chân tay, đi không vững, có thể biểu hiện nặng hơn là co giật, hôn mê; khó thở, suy hô hấp cấp, biểu hiện xanh tím, giảm huyết áp, tăng nhịp tim… Nếu bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Khi nghi ngờ là sắn độc tuyệt đối không sử dụng để ăn. Đối với củ sắn cần gọt, bóc vỏ kỹ, rửa ngâm nước sạch, luộc mở vung và nấu chín kỹ trước khi ăn. Đối với lá sắn cần ngâm nước, rửa sạch, muối chua hoặc luộc thật kỹ trước khi ăn. Khi ăn sắn, thấy có vị đắng thì không nên ăn. Không ăn sắn vào buổi sáng sớm, ăn khi đói.
Tác giả: Việt Hương (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.com