Nhân ái

Bé 7 tuổi bị liệt tứ chi sau mắc viêm não Nhật Bản

Dù tích cực can thiệp bằng thở máy, dùng thuốc chống viêm, chống phù song bệnh nhi vẫn bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi.

Sau 14 ngày điều trị viêm não Nhật Bản tại khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, sức khoẻ cháu Đào Khánh Long (7 tuổi, Nghệ An) có tiến triển hơn ngày đầu, đã mở được mắt song vẫn phải phụ thuộc vào máy thở.

Bố mẹ bệnh nhi cho biết, sáng ngày 2/6, cháu Long đột ngột sốt cao 39 - 40 độ C. Sau uống hạ sốt, cháu đỡ sốt. Tuy nhiên 2 ngày sau, cháu lên tục kêu đau đầu, đau hốc mắt, có biểu hiện sợ ánh sáng.

Đưa con vào BV đa khoa tỉnh Nghệ An kiểm tra, các bác sĩ kết luận cháu mắc viêm não Nhật Bản. Bệnh nhi sau đó được điều trị kháng sinh, chống phù não nhưng tình trạng sức khỏe không tiến triển.

20170626214225 viem nao nhat ban
Bênh nhi viêm não được điều trị tại BV Nhi Trung ương

Đến ngày 8/6, cháu bắt đầu xuất hiện hôn mê, thở ức chế. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản và cho bệnh nhi thở máy nhưng không tiến triển.

2 ngày sau đó, cháu được chuyển đến BV Nhi Trung ương trong tình trạng rất nặng: Phải đặt nội khí quản và liệt vận động toàn thân.

Đến nay, đã qua 14 ngày điều trị, dù được các bác sĩ tích cực can thiệp bằng thở máy, dùng thuốc chống viêm, chống phù nhưng cháu đã xuất hiện thêm di chứng nặng như liệt hô hấp, liệt tứ chi, phụ thuộc vào thở máy.

Trường hợp khác bị di chứng nặng sau viêm não là bệnh nhi Nguyễn Quốc Đạt (4 tuổi, Bắc Ninh).

Bé Đạt được gia đình đưa đến BV Nhi ngày 5/6 trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải. Trước đó 3 ngày, cháu Đạt xuất hiện sốt cao 40 độ, gia đình dùng thuốc hạ sốt song không hiệu quả. 2 ngày sau, cháu trở nên li bì, co giật nhiều.

Sau khi tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bé Đạt mắc viêm não Nhật Bản.

Sau 17 ngày được điều trị, cháu Đạt đã tỉnh táo, không còn sốt nhưng vẫn còn di chứng vận động.

TS Nguyễn Văn Lâm, trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, hiện đang là cao điểm mắc viêm não Nhật Bản (từ tháng 5 đến tháng 9).

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoa đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Chỉ riêng trong tháng 6, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này.

Theo TS Lâm, viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%).

Hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Trẻ cần được tiêm 2 lần cách nhau từ 7-14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ mỗi 3-4 năm tiêm nhắc lại, giá mỗi mũi khoảng 130.000 đồng.

Tác giả bài viết: T.Hạnh

Nguồn tin:

  Từ khóa: hô hấp ,tích cực ,can thiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP