Xã hội

Bẫy 'giết người' từ các mỏ vật liệu không hoàn thổ ở Hà Tĩnh

Sau khi vét sạch tài nguyên, nhiều doanh nghiệp quay đi bỏ lại đồi núi trơ sỏi đá, hồ nước sâu hàng chục mét vô tình trở thành những cái bẫy "giết người".

Video: Đồi núi trơ sỏi đá, hồ nước sâu hàng chục mét tại các mỏ vật liệu không hoàn thổ

Hàng chục năm nay, người dân sống gần mỏ đá núi Móc (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) phải sống trong nỗi thấp thỏm, lo sợ bởi những mỏm đá cao chót vót và hồ nước sâu hàng chục mét do doanh nghiệp bỏ lại sau khi khai thác xong.

Mỏ đá núi Móc có diện tích hàng chục héc ta tại xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Năm 2009, Công ty 999 bắt đầu hoạt động khai thác mỏ đá song song với mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà). Đến năm 2012, do doanh nghiệp phá sản nên mỏ đá núi Móc bị dừng hoạt động, bỏ hoang suốt hàng chục năm nay.

Ông Phạm Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết, mỏ đá khai thác xong không hoàn thổ trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Vấn đề này đã nhiều lần được cử tri nhắc đến trong các cuộc họp, địa phương cũng có văn bản xin ý kiến của cấp trên để khắc phục tình trạng nham nhở tại mỏ tuy nhiên đến nay vẫn chưa khả thi.

“Trên diện tích mỏ hiện có 2 hồ nước lớn, điểm sâu nhất lên đến 15m, nếu người hoặc gia súc rơi xuống thì khó thoát. Hồ nước sâu có nhiều người đến tắm, đặc biệt là trẻ em nên vào mùa hè, chúng tôi cử người thường xuyên túc trực và đặt biển cấm để cảnh báo người dân”, lãnh đạo UBND xã cho biết.

Ngoài ra, việc những mỏm đá nằm cheo leo, hở hàm ếch sẵn sàng sập xuống lúc nào cũng khiến nhiều người dân lo sợ.

Người dân vô tư vứt rác trong khuôn viên mỏ đá hết hạn.

“Sau khi khai thác thì nơi đây đã như vùng đất chết, không cây cối, hoa màu gì sống nổi. Mùa nắng thì khô cằn, mùa mưa thì sạt lở, đất đá rơi xuống đường khiến người dân khiếp đảm. Mong cơ quan chức năng có phương án xử lý, có phương án để tận dụng hồ nước để tưới tiêu cho bà con”, ông Hoàng (57 tuổi) cho biết.

Cách đó không xa là mỏ đá tại xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà) do công ty Công ty khai thác và chế biến đá Thạch Hải khai thác vào năm 2006, đến năm 2021 thì dừng hoạt động. Mỏ đá này cũng cùng chung số phận với mỏ đá núi Móc.

Hiện trường mỏ đá nham nhở bởi những khối đá lớn nằm chỏng chơ, hồ nước do doanh nghiệp bỏ lại trở thành mối nguy cho người dân canh tác gần đó.

Đứng trước mối lo trên, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải Bùi Đình Lâm đã yêu cầu doanh nghiệp làm hàng rào xung quanh, dọn dẹp những phiến đá nằm cheo leo trên rìa núi, xử lý hồ nước,…tuy nhiên đến nay vẫn đâu vào đấy.

“Hồ nước theo yêu cầu của địa phương là để lại sâu khoảng 1m, tuy nhiên doanh nghiệp lại để theo kiểu “bát nháo” nên hiện tại rất sâu, dễ xảy ra đuối nước. Đường giao thông vào mỏ sau khi doanh nghiệp dời đi cũng bị bỏ ngỏ, chúng tôi phải tự huy động máy móc làm lại cho bà con. Mặc dù chúng tôi đã đề xuất doanh nghiệp khắc phục hiện trạng tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành”, đại diện UBND xã nói thêm.

Tình trạng mỏ đất không hoàn thổ, đất đá nham nhở cũng xảy ra tại mỏ đất ở thôn Nam Sơn, xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà). Mỏ đất do Công ty Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Vinaco khai thác và dừng hoạt động năm 2020. Tuy nhiên đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành hoàn thổ.

Theo ghi nhận của PV VTC News, dù đã chấm dứt hoạt động được 4 năm, tuy nhiên mỏ đất này vẫn còn những mỏm đá cao và hố sâu hàng chục mét. Nhiều dấu tích đào đất và những tảng đá to còn ngổn ngang.

Dù đã có biển cấm khai khác đất tuy nhiên một số kẻ xấu vẫn lợi dụng đêm tối để vào trộm đất chở đi.

Lán trại và máy móc trong khuôn viên mỏ.

Ông Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, việc mỏ đất khai thác xong không hoàn thổ đã để lại nhiều hệ lụy gây nguy hiểm cho người dân trên địa bàn. “Về việc những người đào trộm đất, địa phương đã nghiêm cấm triệt để, tuy nhiên lợi dụng đêm tối, có thể một số đối tượng đã lẻn vào hoạt động”, lãnh đạo xã thông tin thêm.

Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 68 của Chính phủ, Thông tư 126 của liên Bộ Tài chính, Công nghiệp, Tài nguyên và Môi trường đã quy định rõ: Để giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký Quỹ Phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ.

Theo đó, Quỹ này phải tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng trước khi tiến hành khai thác. Khi doanh nghiệp khai thác ký quỹ, Nhà nước giữ khoản tiền đó, sau khi khai thác xong doanh nghiệp bồi hoàn hiện trạng đúng như cam kết mới cho họ được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp doanh nghiệp không làm, Nhà nước dùng quỹ đó để thuê người làm.

Tác giả: Trọng Tùng

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP