Du lịch

Báu vật ở rừng già Nghệ An

Rừng lim cổ thụ núi Tháp Lĩnh được người dân xã Hậu Thành (Yên Thành, Nghệ An) xem như 'báu vật', bảo vệ từ đời này qua đời khác.

Toàn cảnh rừng lim Tháp Lĩnh ở xã Hậu Thành.

Lập hương ước bảo vệ rừng

Nằm giữa cánh đồng lúa vàng óng, rừng lim Tháp Lĩnh ở xã Hậu Thành như một viên ngọc xanh thẳm. Có diện tích hơn 18ha, khu rừng là nơi sinh trưởng của hàng nghìn cây lim cổ thụ mang vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh mịch. Nơi đây được người dân địa phương coi như một vùng đất thiêng, bảo vệ nghiêm ngặt qua nhiều thế hệ.

Nói về nguồn gốc của khu rừng, những cao niên trong làng không ai biết chúng có từ bao giờ. Chỉ biết những người lớn tuổi ở Hậu Thành khi còn thiếu niên đã nhìn thấy rừng lim bạt ngàn, cao to, thân vỏ sần sùi và bây giờ ở tuổi “cổ lai hy” vẫn thấy rừng lim như vậy. Với người dân làng Đức Hậu (tên cũ của xã Hậu Thành ngày nay), rừng lim như gắn liền với tuổi thơ qua những lần đi đốn củi, bẻ măng, chăn trâu dưới tán lá um tùm của cây lim cổ thụ.

Là người trông coi bảo vệ rừng Tháp Lĩnh, ông Lại Văn Ngân cho biết, lim ở đây chủ yếu là lim xanh và lim sâu róm. Những cây lim đường kính từ 30cm trở lên có cả nghìn cây, trong đó nhiều gốc lim có chu vi thân to vài người ôm, ước tính có tuổi đời phải trên 300 năm.

Ở Việt Nam, lim xanh được xếp nằm trong nhóm gỗ “tứ thiết” quý hiếm (đinh, lim, sến, táu). Theo khảo sát sơ bộ, ngoài cây lim, rừng còn có nhiều cây gỗ quý như: Trai, gụ, trắc, hương… Cũng là nơi cư ngụ của nhiều loại động vật như: Chim, rắn, kỳ nhông, chồn, sóc…

Men theo đường mòn dẫn vào rừng đặc dụng núi Tháp Lĩnh thời gian như ngừng trôi dưới những tán lim rợp bóng, chỉ còn lại vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí và tĩnh lặng đến nao lòng. Những thân lim, trắc, gụ, lát hoa hàng trăm tuổi đứng sừng sững đan cành vào nhau.

Phía dưới là tầng cây bụi, dây leo tạo nên thảm thực vật dày đặc. Tiếng côn trùng rả rích lẫn trong tiếng chim hót và tiếng muỗi rừng vo ve tạo cảm giác như đang ở nơi thâm sơn cùng cốc. Không chỉ giá trị về mặt văn hóa, vào mùa Hè khu rừng này như một chiếc “điều hòa” khổng lồ, thổi làn gió mát cho những thôn xóm xung quanh.

Theo ông Ngân, từ xa xưa, người làng Đức Hậu đặt ra hương ước để chăm sóc, bảo vệ khu rừng này. Nếu ai chặt một cây thì bị phạt nặng, ngoài ra buộc phải trồng lại 10 cây lim khác.

Nhờ những quy định nghiêm khắc của cha ông ngày xưa mà trải qua nhiều thế hệ, khu rừng vẫn nguyên vẹn với hàng ngàn cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi. “Người làng Đức Hậu chúng tôi coi rú Tháp Lĩnh như hòn ngọc, báu vật của xã, của huyện. Đây cũng là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại của huyện Yên Thành”, ông Ngân tự hào chia sẻ.

Ngôi đền linh thiêng gắn liền với câu chuyện thần trăn bảo vệ rừng.

Đền Cả được người dân dựng bằng gỗ lim rừng Tháp Lĩnh.

Ngôi đền thiêng dưới chân Tháp Lĩnh

Nằm nép mình dưới chân núi Tháp Lĩnh là ngôi đền Cả linh thiêng thờ thần khai khẩn và các vị công thần có công với đất nước. Ông Mai Công Định - người thủ từ đền Cả kể lại, vào thời nhà Lê, trong một lần đi qua xã Hậu Thành, đức thánh Nguyễn Hữu Chỉ (quê Thanh Hóa) nhìn thấy vùng đất quanh núi Tháp Lĩnh phong cảnh hữu tình, nơi đất lành chim đậu nên đã đưa con cháu đến khai hoang, chiêu dân lập làng.

Để tưởng nhớ công ơn của đức thánh Nguyễn Hữu Chỉ, người dân địa phương dựng đền Cả bằng gỗ lim dưới chân núi, gần mộ của ông để hương khói thờ phụng. Hàng tháng vào các ngày Rằm, mồng Một, người dân địa phương lại đến thắp hương, gieo quẻ, cầu phúc, tưởng nhớ đến ngài.

Dưới gốc lim cổ thụ bên cạnh đền có một am nhỏ thờ thần trăn. Tương truyền, xưa kia có một vị thần trăn rất linh thiêng, cai quản, bảo vệ khu rừng này. Nếu có kẻ xấu vào phá hoại, chặt phá cây đều bị thần trừng phạt. Theo ông Định, từ khi ông còn là một cậu bé, rừng lim rất thiêng liêng với dân làng, không ai dám chặt một cành cây. Câu chuyện thần trăn có lẽ chỉ là hư cấu để răn mọi người không được đụng vào rừng

Những năm bị thực dân Pháp đô hộ, bọn tay sai nhiều lần cho người lên núi phá hoại, chặt cây nhưng bị dân làng Đức Hậu đấu tranh quyết liệt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Hậu Thành là nơi dừng chân cho nhiều đơn vị bộ đội trên đường đi vào giải phóng miền Nam.

Rừng lim Tháp Lĩnh cũng trở thành giảng đường cho Trường Đại học Vinh để sinh viên học tập suốt cả thời gian sơ tán. Mặc cho giặc Mỹ nhiều lần ném bom, bắn phá xuống núi Tháp Lĩnh nhưng cứ cây nào ngã xuống, người dân nơi đây lại kéo nhau đến san lấp hố bom, cứ một cây lim ngã xuống, dân làng lại cùng nhau trồng lại.

Tại sân đình Mõ dưới chân núi là nơi tiễn gần 3.000 thanh niên trong xã lên đường nhập ngũ. 8 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hơn 1.000 cán bộ, bộ đội và gần 700 gia đình được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại đã nói lên sự anh dũng hy sinh to lớn của nhân dân xã Hậu Thành.

Rừng lim Tháp Lĩnh, chứng nhân cho bao thăng trầm lịch sử, vẫn hiên ngang đứng vững trên đất Hậu Thành. Sự trường tồn ấy là minh chứng cho sức sống diệu kỳ và mối giao hòa bền chặt giữa con người và thiên nhiên.

Cây lim cổ thụ có chu vi thân lên đến gần 2m

Bảo tồn phát huy giá trị rừng lim quý

Ông Nguyễn Hồng Chính - Chủ tịch UBND xã Hậu Thành cho biết, hiện vẫn chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào về rừng lim Tháp Lĩnh, cũng như xác định độ tuổi chính xác của những cây cổ thụ. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương cho rằng rừng lim có tuổi khoảng trên 300 năm.

Để chăm sóc, bảo tồn rừng lim, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong xã tổ chức thu gom những hạt cây lim xanh rụng xuống để ươm cây con. Bên cạnh đó, thường xuyên tham gia phát quang, dọn thực bì nhằm phòng chống cháy rừng vào mùa Hè.

Ngoài ra, UBND xã Hậu Thành cho xây tường rào bao vòng quanh núi để bảo vệ, tu bổ 2 con đường chạy dọc sườn núi và lên đỉnh núi cao gần 150m. Địa phương cũng trích ngân sách hỗ trợ cho 2 người tham gia bảo vệ núi Tháp Lĩnh và đền Cả.

Nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt nên khu rừng giữ nguyên được vẻ hoang sơ. Dưới mặt đất những cây lim con mọc lên khắp mặt đất, sau này sẽ phát triển khu rừng thêm đa dạng, phong phú. Theo ông Chính, trước đây, khu rừng lim do chính quyền xã Hậu Thành trực tiếp quản lý.

Tuy nhiên, từ năm 2017, khu rừng này được chuyển giao cho lâm nghiệp huyện quản lý. Đền Cả hiện được quy hoạch 0,3ha để tu bổ, xếp hạng di tích văn hóa lịch sử nhưng do đền nằm trong đất rừng đặc dụng nên chưa thực hiện được.

Những cây lim xanh sừng sững với đất trời.

Núi Tháp Lĩnh là khu rừng đặc dụng chứa đựng nhiều tiềm năng, bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Không những thế, quần thể núi Tháp Lĩnh, đền Cả còn là “báu vật”, niềm tự hào, một phần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của người dân nơi đây.

Cách đó không xa, tại xã Lăng Thành (huyện Yên Thành) cũng có rừng lim Quỳ Lăng tuổi đời hàng trăm năm tuổi, trải rộng trên diện tích 106ha. Mặc dù không tập trung thành một quần thể nhưng rừng lim này cũng có hàng nghìn gốc đường kính trung bình 70 - 80cm, có những gốc lim to vòng tay một người ôm không xuể.

Hiện nay, rừng lim Tháp Lĩnh, Quỳ Lăng đang được các cấp, ngành địa phương quan tâm, từng bước khai thác thành một tour du lịch sinh thái hấp dẫn trên địa bàn huyện Yên Thành cùng với chùa Rú Gám (xã Xuân Thành) - đập Vệ Vừng (xã Đồng Thành) - đập Quản Hài (xã Phúc Thành)…

“Chủ tịch UBND xã Hậu Thành Nguyễn Hồng Chính chia sẻ: Đối với người dân Hậu Thành, rừng lim Tháp Lĩnh không chỉ có giá trị bảo tồn một loài gỗ quý, mà còn là lịch sử, văn hóa của cha ông truyền đời lại. Đây trở thành niềm tự hào, món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho người dân địa phương.

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

  Từ khóa: Nghệ An ,báu vật ,rừng già

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP