Trong nước

Bất cập: Quản 6.000 quân chỉ cấp tá, có 80-200 quân lại cấp tướng

Giám đốc Công an Nghệ An chỉ ra điểm bất hợp lý khi giám đốc công an tỉnh quản lý 5.000-6.000 quân nhưng chỉ cấp tá trong khi có cục nghiệp vụ chỉ có 80-200 quân lại cấp tướng.

Tại buổi thảo luận tổ dự án luật CAND (sửa đổi) chiều nay, các ĐB chia sẻ nhiều băn khoăn quanh việc nên hay không nên phong hàm cấp tướng cho giám đốc công an các tỉnh.

Chẳng lẽ tướng luân chuyển lại ‘lột cầu vai’?

Ủy viên UB Quốc phòng - An ninh QH, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, việc dự thảo luật đề xuất xoá bỏ các tổng cục và nhập 126 cục còn 60 cục được xem là cuộc cách mạng, thay đổi toàn diện tổ chức theo hướng tinh gọn.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An

Trước lo ngại việc phong hàm cấp tướng cho giám đốc công an các tỉnh sẽ làm tăng tướng, ông Cầu khẳng định không có chuyện đó. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Công an có 205 trường hợp được phong quân hàm cấp tướng, trong khi bên Quân đội có 415 trường hợp.

“Quân hàm cấp tướng trước nay chỉ bố trí ở phần lớn các cục trở lên và tại Hà Nội, TP.HCM. Giờ sáp nhập chỉ còn 60 cục thì rõ ràng số tướng nói trên có dùng cũng không bao giờ hết được”, ông Cầu nói.

Giải thích lý do ủng hộ tờ trình của dự thảo luật, Đại tá Cầu cho biết quy định phong quân hàm trong ngành công an hiện có nhiều bất cập.

Cùng một chức danh nhưng Giám đốc Công an Hà Nội và TP.HCM có quân hàm đến Trung tướng, Phó giám đốc có quân hàm đến thiếu tướng, trong khi các tỉnh khác chỉ đại tá.

“Về bộ máy tổ chức, giám đốc công an tỉnh tương đương với nhau, tương đương với cục trưởng, vậy sao có chuyện giám đốc lại thấp hơn phó giám đốc ở nơi khác. Trong khi Phó giám đốc Công an TP.HCM hay Hà Nội có thể được bổ nhiệm làm giám đốc nơi khác”, ông Cầu nêu.

Ngoài ra, công an tỉnh có đơn vị quản 5.000-6.000 quân, giải quyết 2.500-3.000 án hình sự mỗi năm, công việc rất nặng nề nhưng chỉ cấp tá, nhưng có cục nghiệp vụ chỉ có 80-200 quân lại cấp tướng, như vậy là bất hợp lý.

Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Xuân

Đồng quan điểm, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Xuân cũng băn khoăn, khi giám đốc công an cấp tỉnh được quy hoạch Thứ trưởng “mà chỉ là đại tá thì đến nghỉ hưu cũng không lên được hàm trung tướng, thượng tướng”.

Trong khi đó, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Tới cho rằng, nếu giám đốc công an tỉnh chỉ dừng ở cấp tá, sẽ xảy ra bất cập khi luân chuyển.

“Chẳng hạn các cục trưởng đang hàm tướng, khi luân chuyển thì chỉ có thể về 11 tỉnh đơn vị hành chính cấp 1, được cấp thiếu tướng. Còn luân chuyển về các địa phương chỉ có hàm đại tá lại không được, chẳng lẽ lại…’lột cầu vai xuống”, ông Tới nêu.

Để đảm bảo tương xứng giữa công an với quân đội, ông Tới đề nghị sửa luật Sĩ quan quân đội cho phù hợp.

Sẽ rất khó khăn trong chỉ đạo điều hành

Theo Đại tá Lê Ngọc Hải, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh Quảng Nam, trước đây, khi thông qua luật Sĩ quan QĐND thì các tỉnh, đơn vị loại 1 và Bộ Quốc phòng cũng có văn bản là những đơn vị cấp tỉnh loại 1 thì chỉ huy trưởng BCHQS là thiếu tướng, nhưng cuối cùng không thực hiện được vì rất khó.

ĐB Lê Ngọc Hải, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam

Ông bày tỏ quan điểm, trần quân hàm đại tá với giám đốc công an tỉnh cũng như chỉ huy trưởng BCHQS là vừa, trừ Hà Nội và TP.HCM, để đảm bảo nguyên tắc chức năng nhiệm vụ.

“Còn đồng chí nào hướng phấn đấu tốt, có trình độ năng lực thì lên Cục, lên Thứ trưởng, Bộ trưởng Công an. Nếu đưa công an tỉnh lên thiếu tướng thì chắc chắn tôi cũng đề nghị bên Quân đội sửa luật Sĩ quan QĐND cho ngang bằng với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, ông Hải nêu ý kiến.

Đại tá Hứa Văn Nghĩa, Phó chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng hơn cho hợp với chủ trương của Đảng, nhất là Thông báo 147 của Bộ Chính trị.

Theo Thông báo 147, không quy định địa bàn trọng yếu về lĩnh vực để phong quân hàm cấp tướng và thống nhất cấp hàm giữa công an, quân đội ở cấp tỉnh, huyện là tương đương nhau.

Đại tá Nghĩa dẫn thêm Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh trong tình hình mới, quy định trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, chỉ huy trưởng BCHQS huyện có quyền thống nhất chỉ huy điều hành lực lượng vũ trang trên địa bàn. Do đó để quân hàm như trong dự thảo là không phù hợp, gây khó khăn, bất cập trong chỉ đạo điều hành.

Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho hay, qua nhiều cuộc tiếp xúc thì cử tri có phản ánh việc cân nhắc số lượng tướng, nhất là vị trí phong tướng và người dân quan niệm tướng thì phải cầm quân.

“Giờ một số vị trí làm công tác tham mưu, công tác khám chữa bệnh, công tác khoa học, nghệ thuật, kinh tế thì quy định cấp tướng có phù hợp không? Người dân phản ánh thì chúng ta cũng nên có lý giải”, bà Nga nói.

Tác giả: T.Hạnh - H.Quỳnh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP