Trong nước

Bão Usagi làm một người chết, hơn 50 nhà bị sập

Ba địa phương chịu nhiều thiệt hại do bão Usagi là TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.

Đến 6h sáng 26/11, bão Usagi đã làm một người chết do cây đổ ở TP HCM; hơn 50 ngôi nhà sập, hư hại. Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi tâm bão đi qua chịu nhiều thiệt hại với 25 nhà sập, Bình Thuận có 12 nhà, Khánh Hòa 4.

Cơn bão thứ 9 ở biển Đông cũng làm 46 thuyền bị chìm, hỏng. Trong đó Bình Thuận có 38 chiếc, Bà Rịa - Vũng Tàu 4, Ninh Thuận 2. Các thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), TP HCM, Vũng Tàu bị ngập trên diện rộng làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Sáng 26/11, một số tuyến phố tại TP HCM vẫn còn ngập nặng. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho hay, hai vị trí đường sắt bị sự cố ở Ninh Thuận đã được khắc phục để thông tuyến. Hiện còn 1.500 m quốc lộ bị ngập ở Bình Dương, 170 m tỉnh lộ bị sạt lở hư hỏng ở Khánh Hòa và Ninh Thuận. Hơn 2.500 m bờ biển tại Bình Thuận, Ninh Thuận bị sạt lở.

Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng sự chủ động ứng phó của chính quyền và người dân đã giúp giảm thiểu thiệt hại do bão. Trước khi bão đổ bộ, gần 65.000 tàu thuyền với khoảng 330.000 lao động được hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn. 9 tỉnh thành ven biển từ Khánh Hòa đến Trà Vinh và Bạc Liêu đã ban hành lệnh cấm biển. 7 tỉnh thành sơ tán hơn 105.000 dân.

"Khi đoàn công tác về làm việc với huyện Cần Giờ (TP HCM), toàn bộ người dân được di dời, có chỗ ăn ở chu đáo, vệ sinh sạch sẽ. Phó chủ tịch thành phố ngủ lại với người dân Cần Giờ đón bão", ông Hoài nói.

Lãnh đạo Tổng cục phòng chống thiên tai cũng cho rằng, khi bão vào bờ đã giảm cấp, nếu mạnh hơn 1-2 cấp thì thiệt khai rất khó lường. Một số người dân còn chủ quan, phó mặc cho chính quyền ứng phó. Thậm chí khi bão đổ bộ, một số người dân, du khách còn đi xem.

Nhiều tỉnh tiếp tục mưa to

Bão Usagi đã gây mưa lớn ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, phổ biến từ 80 đến 130 mm, một số nơi từ 19h ngày 24/11 đến 19h ngày 25/11 đạt trên 200 mm, như: Nhà Bè (TP HCM), Phước Chiến (Ninh Thuận). Đêm 25/11, các khu vực trên tiếp tục có mưa to, Nhà Bè đạt 150 mm, Quy Nhơn (Bình Định) 100 mm, Phan Rí (Bình Thuận) 150 mm.

Cây dương bị quật ngã trên đường Thùy Vân (TP Vũng Tàu). Ảnh: Nguyễn Khoa.

Cơ quan khí tượng dự báo, do ảnh hưởng hoàn lưu bão, hôm nay Đông Nam Bộ và phía Nam của Nam Trung Bộ tiếp tục mưa to, phổ biến 30-70 mm, có nơi trên 100 mm.

Ngoài ra, do tác động của không khí lạnh, từ hôm nay đến đêm 27/11 các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa to với lượng mưa phổ biến tại Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80 mm/ngày); Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150 mm/ngày); Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200 mm/ngày).

Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, hạ du hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo xử lý các sự cố, khôi phục giao thông đường bộ, đường sắt trong khu vực bị ảnh hưởng...

Bão Usagi (cơn bão thứ 9 từ đầu năm 2018 hoạt động ở biển Đông) mạnh lên thành bão từ hôm 22/11, được dự báo đổ bộ vào Nam Trung Bộ và Nam Bộ với sức gió tối đa 100 km/h. Sau 4 ngày bão Usagi di chuyển chệch xuống phía Nam, tầm ảnh hưởng của bão đã thu hẹp.

Trưa 25/11, bão đổ bộ vào khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục đi sâu vào đất liền.

Tác giả: Võ Hải

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Bão Usagi ,Bão số 9

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP